Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Sân khấu kịch nói và dấu ấn 100 năm tuổi

Thứ Năm 21/10/2021 | 14:11 GMT+7

VHO-Sáng 21.10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921 – 2021). Đến dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân, đại diện các Bộ, Ban, Ngành và đông đảo các nghệ sĩ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam phát biểu

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, kể từ khi vở kịch Chén thuốc độc của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long được ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm trước đây đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu việc Việt hoá loại hình nghệ thuật tiếp nhận từ văn hoá phương Tây, qua quá trình phát triển, đã tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên kịch nói Việt Nam – loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc, giúp sân khấu Việt Nam cân đối về thể loại, phong phú về nội dung phản ánh; hiện đại về nghệ thuật diễn tả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ.

Thứ trưởng cũng chia sẻ, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, Kịch nói Việt Nam cũng có sự thăng trầm cùng với mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc, nhưng tựu chung lại là những kết quả đáng trân trọng, đó là sự phản ánh nhạy bén, kịp thời, trung thực và sâu sắc hiện thực diễn ra trong đời sống dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, các nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ kịch nói riêng đã có những hình thức biểu diễn thích hợp, có sáng tạo, có sự dũng cảm chấp nhận khó khăn gian khổ, thậm chí những hi sinh bám sát trận địa, bám sát địa bàn để biểu diễn phục vụ, cổ vũ đồng bào chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu với quân thù. Những giá trị về nội dung, hình thức thể hiện của các nghệ sĩ đã tạo ra sức mạnh lớn lao trong việc cổ vũ lòng yêu nước để nhiều thế hệ thanh niên cầm súng lên đường cứu nước.

100 gương mặt nghệ sĩ trẻ của các nhà hát chào mừng các đại biểu tới dự Lễ kỷ niệm

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 Rồi khi, đất nước hoàn toàn được độc lập, bước vào giai đoạn mới, kịch nói cùng các loại hình nghệ thuật khác đã trở thành lực lượng tiên phong, làm cánh chim báo bão, mở đầu cho thời kỳ Đổi mới của đất nước… Trong đại dịch Covid – 19 nguy hiểm và đang gây hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng, chống dịch, lan toả năng lượng tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được “trạng thái bình thường mới”.

Nhìn lại những đóng góp của Kịch nói, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng khẳng định, một thế kỷ, so với lịch sử của một dân tộc thì chưa phải là dài nhưng so với thời gian của một thể loại văn học, nghệ thuật như Kịch nói đã đủ để hình thức sân khấu này trưởng thành, phát triển lớn mạnh, đó là nhờ vào sự lao động sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ qua các thời kỳ. Ngoài hàng trăm tác phẩm được sáng tạo liên tục trong suốt cả thế kỷ, kịch nói cũng đã có được một lực lượng nghệ sĩ tài hoà, nhiệt huyết với nghề, không chỉ góp phần sáng tạo các tác phẩm kịch mà còn đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, hâm mộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền sân khấu cách mạng nói riêng, nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.

 

Niềm vui của các nghệ sĩ trong ngày hội 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, trong xu thế hiện nay, do yêu cầu mới và phát triển của bản thân Kịch nói, do đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của khán giả, sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng cũng cần giải quyết nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn mà trước hết và quan trọng nhật là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, có giá trị về nghệ thuật, để kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo khán giả.

Các trích đoạn trong các vở kịch nổi tiếng biểu diễn tại Lễ kỷ niệm

Nghệ sĩ trẻ Thu Quỳnh phát biểu tại lễ kỷ niệm

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Cũng tại buổi lễ, thay mặt Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thuý Mùi cũng đã ôn lại hành trình 100 năm hình thành và phát triển của kịch nói Việt Nam. Trong đó là 3 thế vàng của kịch nói Việt Nam được đào tạo nghề từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ Đức… Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và dấu ấn đã đạt được NSND Thuý Mùi cũng chia sẻ, trong 100 năm tồn tại, kịch Việt đã sa vào khủng hoảng người xem đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Sân khấu kịch nhỏ xuất hiện mạnh mẽ cuối thế kỷ XX tại TP Hồ Chí Minh đã được coi là giải pháp tình thế cứu nguy cho cuộc khủng hoảng khán giả kịch. Và tiếp đó là hoạt động xã hội hoá của sân khấu kịch cũng được coi là giải pháp vãn hồi. Đến năm thứ 100, với nạn đại dịch Covid – 19 toàn cầu đã dẫn sân khấu kịch đến tình trạng “mất trắng khán giả”. Việc vực lại sức sống của thể loại kịch sau 100 năm đang là thách thức của sân khấu Việt Nam hiện đại… “Chúng tôi tin rằng sân khấu kịch nói Việt Nam sẽ được vực dậy sau đại dịch Covid – 19 và tiếp tục là người đối thoại thân thiết và đáng tin cậy của công chúng Việt Nam thế kỷ XXI” NSND Thuý Mùi tin tưởng.

Các hoạt động nổi bật trong Tuần lễ kỷ niệm “100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam”

 Từ ngày 21 đến 27.10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động. Cụ thể, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam công diễn vở Chén thuốc độc (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai); Nhà hát Kịch Việt Nam với vở Người tốt nhà số 5”(tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ với vở Ai là thủ phạm (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam với vở Bạch đàn liễu (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát kịch Hà Nội với vở Phải có ba đồng (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng). Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; Đặc biệt Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam vào tối 27.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ có sự tham gia của nghệ sĩ của ba nhà hát kịch hàng đầu : Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội. Các nghệ sĩ sẽ trình diễn các trích đoạn nổi tiếng trong các vở kịch : Hồn Trương ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Cát bụi... Tại chương trình các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của mình.

 

 

Thuý Hiền; Ảnh : Vũ Mừng, Quang Tấn

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top