Rác thải “bức tử” đảo Bình Ba

VH- Đảo Bình Ba (thuộc xã Bình Hưng, TP Cam Ranh) là vựa nuôi tôm hùm lớn, nơi đây còn là điểm du lịch tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của du lịch và nuôi trồng hải sản, nơi đây đang biến thành “kho” chứa rác! Hằng ngày, có hàng chục tấn rác do người nuôi tôm hùm lồng bè, cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn và khu dân cư xả thẳng ra biển làm các cầu cảng, bến du lịch, các điểm tắm biển ô nhiễm nghiêm trọng…

Rác thải “bức tử” đảo Bình Ba - Anh 1

 Hằng ngày có hàng chục xe rác vận chuyển lên tàu vào đất liền

Rác thải “bức tử” đảo Bình Ba - Anh 2

 Rác thải bao vây mặt biển, cầu cảng, bến tàu ở Bình Ba

 Ông Võ Ngọc Linh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, TP Cam Ranh khẳng định: “Rác thải là vấn đề nan giải rất khó xử lý, hằng ngày người nuôi tôm hùm, cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng vẫn xả hàng chục tấn rác ra biển. Mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến người dân trên đảo không xả rác bừa ra biển. Tuy nhiên, do ý thức người dân về bảo vệ môi trường rất yếu kém, họ không thực hiện gom rác đúng nơi quy định làm mặt biển ngày càng ngập đầy rác”.

Cũng theo ông Linh, hiện nay đảo Bình Ba có 800 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu; trong đó, trên 70% hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm hùm. Bình Ba cũng có khoảng 6.000 lồng bè nuôi tôm hùm, hằng ngày người nuôi tôm vẫn xả một lượng lớn túi lưới, bọc ni lông, lọ đựng thức ăn cho tôm ra biển. Đảo Bình Ba hiện có 42 cơ sở lưu trú, 29 nhà hàng nổi trên biển; mặc dù nhà hàng nổi đã bị tỉnh Khánh Hòa cấm hoạt động, nhưng nhiều cơ sở vẫn cố tình hoạt động chui. Vào mùa du lịch, mỗi ngày Bình Ba cũng đón trên 1.000 khách du lịch đến đảo, nhiều cơ sở kinh doanh, khách du lịch vẫn xả rác trực tiếp ra môi trường.

“Thấy rõ mức độ ảnh hưởng của rác đối với môi trường, chúng tôi đã cho thành lập đội xử lý rác thải trên đảo gồm 16 người, thay nhau đi vớt rác trên biển hằng ngày. Ngày nào cũng vớt được 2 xe tải rác đưa đi xử lý thế nhưng cũng không xuể, cứ vớt hết đợt này xong thì gió lại đẩy rác từ ngoài khơi vào ùn ùn thành lớp”.

Mới trước Tết đây thôi, UBND xã Bình Hưng huy động tất cả lực lượng thanh niên, phụ nữ, đội gom rác làm vệ sinh tất cả các bải biển không còn rác, nhưng chỉ sau 3 ngày Tết rác lại đầy đặc bến tàu, bãi tắm”, ông Linh giãi bày.

Được biết, UBND xã Bình Hưng đã báo cáo vấn đề ô nhiễm rác thải đến UBND tỉnh, vừa qua tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng lò thiêu hủy rác trên đảo, dự kiến sẽ bàn giao cho UBND xã Bình Hưng trực tiếp quản lý, sử dụng vào tháng 3.2018. Hi vọng lò xử lý rác sẽ giảm tải rác thải trên đảo Bình Ba hiệu quả.

Rác do người dân, người nuôi tôm xả ra biển vô tư nhưng chế tài xử phạt chưa có nên việc xả rác tùy tiện ngày càng lớn.

“Chúng tôi đã đến các cơ sở kinh doanh, khu dân cư, các bè nuôi tôm nhắc nhở không xả rác, một số cơ sở vẫn tái diễn thường xuyên thế nhưng chưa thể xử phạt vì chưa có chế tài”, ông Linh cho biết thêm. 

Xuân Hướng

 

 

Ý kiến bạn đọc