Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bàn về sự “quan tâm văn hóa” từ góc nhìn “chiến lược văn hóa"

Chủ Nhật 01/08/2021 | 16:37 GMT+7

VHO - Trong phát biểu bế mạc Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Vừa qua, chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế, tăng trưởng nhanh là tốt rồi, nhưng vấn đề văn hóa, giáo dục nếu không cẩn thận là xuống cấp… Hình như lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức lắm (?)”. Có thể nói, đây là sự “cảm nhận” chuẩn xác theo cách đặt vấn đề của một nhà lý luận, nhà báo đã từng có những phát biểu, bài viết có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn. Vậy “quan tâm văn hóa” là gì, có ý nghĩa ra sao trong lịch sử và thực tiễn đời sống từ góc nhìn “chiến lược văn hóa” của đại cuộc xây dựng, phát triển đất nước ở giai đoạn hiện nay?

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng - Tỏa sáng” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội và Đài TH Việt Nam tổ chức chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Để văn hóa trở thành “chiến lược” lớn trong thực tế lịch sử dân tộc
Suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, như nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu, cái gọi là “Sức mạnh Việt Nam” thực chất là nội lực vốn có, với những truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc được vận dụng, phát huy trong các tình huống ứng xử, đặc biệt là trước những thử thách lịch sử gay gắt bởi những thế lực ngoại xâm hoặc thiên tai địch họa… Cùng với di sản văn hóa vật chất, tinh thần được lưu dấu qua các di chỉ khảo cổ đồ đá, đồ đồng, đặc biệt là trống đồng Đông Sơn cùng vốn văn học, nghệ thuật dân gian, những phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… tất cả rõ ràng đã tạo ra những nền tảng văn hóa vững chắc, góp phần minh chứng cho các “chiến lược văn hóa” của dân tộc vốn đã “sâu rễ bền gốc” ngay từ thuở ban đầu. Nối tiếp các triều đại phong kiến từ Lý, Trần cho đến Lê, Nguyễn…, tuy có những bước thăng trầm khác nhau, nhưng mọi chủ trương, chính sách hợp lòng dân, mọi khả năng tập hợp, huy động sức dân trong sự nghiệp xây dựng nhà nước phong kiến vững mạnh lúc hòa bình cũng như khi đối đầu với các thế lực ngoại xâm, tất cả đều có liên quan đến vai trò của văn hóa - được “quan tâm” khai thác, phát huy theo cách có vẻ rất tự nhiên (tự phát) nhưng vẫn đảm bảo tính “chiến lược” nhất quán vì đại cuộc của dân tộc. 
Bước vào thời kỳ hiện đại từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng phong trào Duy Tân - Đông Du (1905-1908) với những "thủ lĩnh" nòng cốt như Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vốn được xem là “ba nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử cách mạng hồi đầu thế kỷ XX”, những người dù đứng giữa, hoặc nghiêng theo phái “ôn hòa”, hoặc “bạo động” cũng đều hết lòng vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục, nhằm đào tạo nhân tài, tuyên truyền vận động tinh thần canh tân đất nước… Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động của nhiều con người tâm huyết trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nhau như báo chí, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… tất cả đều thực sự hết lòng “quan tâm” vì một “chiến lược văn hóa” cho dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới! 

Trong nền cảnh chung như vậy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, sau 30 năm gian khổ đi “tìm đường cứu nước” (1911-1941), qua nhiều vùng đất trên thế giới đã trở về lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi “30 năm kháng chiến” chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975). Để sau đó, với danh hiệu được UNESCO phong tặng là “Anh hùng giải phóng dân tộc” đồng thời là một “Danh nhân văn hóa văn hóa” thế giới, bên cạnh sự nghiệp cách mạng to lớn, di sản của Người để lại còn là “Tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh” - vốn thực chất là sự hội nhập những giá trị văn hóa dân tộc và thời đại được hội tụ, tỏa sáng thông qua một con người cụ thể, mà theo như cách nhà báo Liên xô Ôxíp Manđenxtam đã từng nói: “Từ Nguyễn Ai Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…”. 
Nối tiếp bước chân Hồ Chí Minh, kế thừa dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc kết hợp tầm nhìn khoa học cách mạng của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi vừa thành lập cho đến mãi sau này đã luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với các “chiến lược văn hóa”. Cụ thể như Đề cương văn hóa (1943) với phương châm “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” đã được đề ra ngay khi Đảng còn đang trong quá trình đấu tranh hết sức cam go để giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Tiếp theo, qua nhiều giai đoạn trong thời kỳ khốc liệt của cuộc chiến tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như sau năm 1975, trong tiến trình xây dựng một đất nước Việt Nam mới, “chiến lược văn hóa” luôn được quan tâm xây dựng thành nghị quyết chuyên đề hoặc đề cập trong hầu hết văn kiện của các đại hội Đảng toàn quốc cũng như các hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng ở nhiều nhiệm kỳ khác nhau, tiêu biểu như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (1998), hoặc Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014)… Đặc biệt từ năm 2010,“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” đã được triển khai thực hiện, và đến nay, sau khi “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030” của đất nước vừa được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, dự thảo “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã được xây dựng, đang đưa ra trưng cầu ý kiến và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành.

Sự “quan tâm” để văn hóa như là một “chiến lược” nhất quán trong lịch sử dân tộc đã trở thành nét truyền thống, là quán tính tự nhiên của tính cách Việt Nam

Thế nào là “quan tâm văn hóa” thực sự để thực hiện tốt “chiến lược văn hóa” giai đoạn hiện nay?
Qua khảo sát thực tế cho thấy, sự “quan tâm” để văn hóa như là một “chiến lược” nhất quán trong lịch sử dân tộc đã trở thành nét truyền thống, là quán tính tự nhiên của tính cách Việt Nam. Đến nay, do yêu cầu của thực tế lịch sử giai đoạn mới, sự “quan tâm” đối với các “chiến lược văn hóa” cũng đang có những yêu cầu mới, đòi hỏi phải mang tính tự giác nhiều hơn, tính chủ động cao hơn và ý thức phải đầy đủ hơn.
Hiện nay, nếu “chiến lược văn hóa” được xem là tầm nhìn nhất quán, là sự quan tâm đặc biệt để nó luôn có vai trò, vị trí quyết định căn cơ đối với cuộc sống con người và xã hội thì “quan tâm văn hóa” chính là điều kiện cụ thể hiện thực hóa các mục tiêu lâu dài của chiến lược ấy, dựa trên cơ sở tự giác, tích cực thực hiện một cách chủ động và xuyên suốt trong thực tế. Điều đó có nghĩa quan điểm, mục tiêu của “chiến lược văn hóa” phải rõ ràng, chuẩn mực và phải được hiểu đúng để triển khai thành hành động chính xác, có hiệu quả vào thực tiễn. Chẳng hạn, chúng ta nhận thức như thế nào về nội dung “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (một phần của quan điểm đầu tiên trong “Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đang được trưng cầu ý kiến rộng rãi hiện nay)? Khái niệm “đặt ngang hàng” giữa văn hóa với kinh tế… hình như trong thực tế phải được xem xét kỹ (?). Ví dụ, liên hệ ca từ trong bài hát Tấm áo mẹ vá năm xưa do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác, có những câu như: “Tấm áo ấy, bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo” (vì) “con mang theo cả tình thương của mẹ” (và vì) “lạ kỳ thay con đi như thế, bỗng khi nào chợt nhớ hậu phương thì đường đang xa đôi chân thêm khỏe, trái tim này rực cháy yêu thương. Mọi gian lao mẹ con ta san sẻ… nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương”(!?). Hoặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật… không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, đồng thời “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận…”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… 

"Quan tâm văn hóa” chính là điều kiện cụ thể hiện thực hóa các mục tiêu lâu dài của chiến lược phát triển văn hóa


Tương tự và cụ thể hơn, các văn kiện, nghị quyết của Đảng sau này còn khẳng định quan điểm phát triển “đồng bộ”, “tương xứng” giữa văn hóa với kinh tế… Như vậy, phải chăng “đặt ngang hàng” ở đây cần được hiểu rằng không phải là xếp hàng ngang nhau để cùng nhau “nhảy cóc” từng bước, kìm hãm sự phát triển của nhau giữa văn hóa và kinh tế…! Vấn đề đặt ra là sự “tương tác” (tác động tương hỗ nhau) nhằm tạo ra sự phát triển “tương ứng” giữa kinh tế với văn hóa và văn hóa với kinh tế bằng nguyên lý “phát triển kinh tế” theo định hướng “phát triển bền vững”, đồng thời, “phát triển văn hóa” phải đi trước một bước để làm “nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển” như quan điểm, đường lối chung của Đảng đã xác định...
Nhìn xuyên suốt lịch sử và bao quát đời sống xã hội hiện tại, mối quan hệ “quan tâm văn hóa” và “chiến lược văn hóa” là hai mặt của một vấn đề, đó chính là sự chủ động, tích cực vừa mang tính thường trực vừa mang tính lâu dài của con người đối với việc chủ động khai thác, phát huy những thành quả sáng tạo văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc và nhân loại, nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả cho cuộc sống. Theo cách như vậy, có thể xem “chiến lược văn hóa” là kết quả và sự thể hiện cụ thể của “quan tâm văn hóa” trong một giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử nhất định. Ngược lại, “quan tâm văn hóa” phải được cụ thể hóa bằng chương trình hành động bài bản thông qua “chiến lược văn hóa” với những định hướng hành động bằng quan điểm, mục tiêu và những giải pháp căn cơ, thể hiện tầm nhìn nhất quán trên cơ sở luôn xem văn hóa có vai trò, vị trí quyết định lâu dài đối với cuộc sống con người và xã hội. Đó là về nhận thức, còn về thực tế mục đích cuối cùng của “quan tâm văn hóa” chính là mục tiêu, nội dung đặt ra của “chiến lược văn hóa” phải được hiện thực hóa tốt nhất nhằm đem lại chất lượng, hiệu quả thiết thân - đó là hạnh phúc thực cho con người ngay trong đời sống thật!
Tất cả đặt ra vấn đề chung nhất trước hết phải có những điều kiện, giải pháp căn cơ liên quan các nhân tố chủ quan (cá nhân, tập thể, cộng đồng), chẳng hạn đó là nhận thức, tư tưởng, hành vi xử sự, lối sống, nếp sống của con người cụ thể; là nội quy, quy chế, những giềng mối luật pháp, những phong tục, tập quán tốt đẹp được tuân thủ thực hiện một cách tự giác trong toàn xã hội… Bên cạnh đó, các điều kiện khách quan cụ thể cũng rất cần thiết, chẳng hạn như các cơ chế, chính sách, thể chế và thiết chế văn hóa; là giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội; là trình độ khoa học về văn hóa và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quản lý văn hóa…

PGS.TS HUỲNH QUỐC THẮNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top