Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hội nhập quốc tế và thông tin đối ngoại về văn hoá phải coi trọng chất lượng và hiệu quả

Chủ Nhật 01/08/2021 | 12:01 GMT+7

VHO- Ngày nay, xu thế hội nhập đang nắm giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng rõ nét thì chủ động hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng trở nên quan trọng và được quan tâm hơn bao giờ hết. Quảng bá văn hoá nhằm tăng cường “sức mạnh mềm” ngày càng được các nước khai thác triệt để nhằm tạo dựng nền móng và điều kiện để thể hiện uy lực trên trường quốc tế. Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, góp phần hoà giải các xung đột, mâu thuẫn, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển.

Những dấu ấn định vị

Những năm qua, quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có văn hoá, đã góp phần đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới. Việt Nam là nước chủ nhà cho một loạt các sự kiện quốc tế lớn và quan trọngnhư Đại hội đồng liên Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132) năm 2015; Năm APEC Việt Nam 2017; Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF 26) năm 2018;Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN2018; Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) 2018;Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 2019; Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019, Năm Chủ tịch ASEAN 2020; Đại hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) năm 2020 …Trong đó, dấu ấn văn hoá Việt Nam với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim, thiết kế trang phục cho lãnh đạo cấp cao… đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của thế giới về một Việt Nam bên cạnh sự năng động trong phát triển kinh tế, xã hội, những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở; một Việt Nam với vị thế mới, thể hiện vai trò của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đó còn là một Việt Nam có lịch sử văn hiến lâu đời, văn hoá đậm đà bản sắc, có nhiều di sản thiên nhiên thế giới, cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng, con người thân thiện, một điểm đến hấp dẫn tại Châu Á…Nhờ văn hoá, Việt Nam trở nên thân quen, được bạn bè quốc tế thêm hiểu, thêm yêu mến và cảm phục Việt Nam.

Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam biểu diễn tại Triều Tiên

Trong thời gian thực hiện Chiến lược văn hoá đối ngoại, Bộ VHTTDL đã chủ trì gần 20 chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước, điển hình như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến LB Nga năm 2016 và năm 2019, đến Hàn Quốc năm 2019, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2019, một số chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao đến khu vực châu Âu, châu Mỹ. Chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại Triều Tiên - món quà tinh thần đặc biệt của BCHTW ĐCSVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến các nhà lãnh đạo và nhân dân Triều Tiên (sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019). Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm… đã góp phần vào thành công của các chuyến thăm cấp cao, thổi luồng sinh khí mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Hình ảnh Việt Nam thông qua nét đẹp văn hóa, con người, du lịch, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn… là một nhận thức trở nên rất phổ biến trong bạn bè quốc tế qua các sự kiện, lễ hội văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. 45 chương trình Tuần/Ngày văn hóa Việt Nam được Bộ VHTTDL tổ chức tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục.Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Lào và tại Pháp tiếp sức bằng việc kết nối con người, văn hoá Việt Nam với đất nước sở tại qua những chương trình giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá đa dạng.

Bộ VHTTDL duy trì ngày một lớn mạnh Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam thường niên tại nhiều thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc, thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự tại mỗi Lễ hội hàng năm và tạo thành thương hiệu đặc biệt của văn hóa Việt Nam với công chúng tại các quốc gia này, góp phần quan trọng tăng trưởng thu hút khách du lịch từ 2 địa bàn trọng điểm thuộc top 3 của du lịch Việt Nam.

Việt Nam đã xây dựng hồ sơ, đệ trình thành công UNESCO công nhận 10 danh hiệu thuộc các loại hình(Di sản văn hóa phi vật thể: Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt (2016), Bài Chòi Trung Bộ (2017), Hát Xoan Phú Thọ (2017) (chuyển từ di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang di sản đại diện nhân loại), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (2019); Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới: Châu bản Triều Nguyễn (2017), Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (2018)), trong đó đáng chú ý là loại hình danh hiệu mới (Hà Nội được công nhận là thành phố thiết kế sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2019).

Cũng trong những năm qua, điện ảnh Việt Nam đạt được một số giải thưởng khu vực và quốc tế quan trọng; một số bộ phim có giá trị kinh tế-xã hội-giải trí đáng ghi nhận, với doanh thu cao kỷ lục, tạo cảm hứng cho một thế hệ những nhà làm phim trẻ tài năng và khát khao chinh phục nghề; gần 200 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và làm phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Lần đầu tiên một bộ phim chi phí cao củaHollywood- “Kong: Đảo đầu lâu” với 70% cảnh quay tại Ninh Bình, Quảng Ninh và Quảng Bình, tạo hiệu ứng thu hút các nhà làm phim lớnnước ngoàichọn bối cảnh Việt Nam để làm phim; hơn 20 Tuần phim và chuỗi các hoạt động giới thiệu điện ảnh Việt Nam, 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức với 186 lượt đầu phim; tham gia 148 Liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim; tổ chức thành công Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các liên hoan phim Việt Nam, tạo dấu ấn và diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam.

Thành công của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch nỗ lực xây dựng và đóng góp thành công của “thương hiệu Việt Nam” trên trường quốc tế,thể hiện ở mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam,từ 8 triệu khách quốc tế năm 2015 lên 18 triệu năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về tăng trưởng du lịch với nhiều giải thưởng do World Travel Awards trao tặng: Giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á (2018 và 2019), Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019 và 2020), Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (2019 và 2020), Điểm đến di sản hàng đầu châu Á (2020), Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2020); World Golf Awards trao tặng:Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2019), Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (2019); Những kỳ tích của thể thao Việt Nam trong 5 năm qua trên các đấu trường lớn thế giới và khu vựcnhư Huy chương vàng tại Olympic Rio 2016, thành tích ấn tượng tại Asiad 2018, giải vô địch U23 Châu Á, ASIAN Cup, AFF Cup và gần đây nhất là thành tích của đội tuyển quốc gia bóng đá Nam tại vòng loại World Cup 2022… đã mở ra một thời kỳ mới chưa từng có cho hội nhập văn hoá,thể thao, du lịch và cho thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trên thế giới.Các điểm đến nổi bật trong nước liên tục được xếp hạng trong Top những điểm đến hàng đầu thế giới tại hầu hết các trang tin, tạp chí và hệ thống truyền thông chuyên ngành quốc tế lớn như National Geographic, Code Nast Traveler, Travel and Leisure… Cũng ở địa hạt quảng bá hình ảnh quốc gia, hàng năm chúng ta đón trung bình 25-30 đoàn làm phim, các hãng truyền hình quốc tế vào Việt Nam làm phim, đưa tin, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam lên sóng các kênh truyền thông hàng đầu thế giới như BBC (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), ARD (Đức), RT (Nga), KBS (Hàn Quốc)....Truyền thông quốc tế liên tục điểm tên Việt Nam gắn với những thành tích cá nhân của các VĐV thể thao, các nghệ sỹ âm nhạc tham gia thi quốc tế, các nhiếp ảnh gia đạt giải cao, các bộ phim Việt Nam đoạt giải quốc tế v.v… Những sàn đấu giá tranh quốc tế uy tín cũng ghi nhận các tác phẩm tranh của nghệ sỹ Việt Nam bắt đầu có giá trị cao, một số tranh đã được bán với giá kỷ lục.

Kết hợp công tác quảng bá văn hóa đối ngoại với xúc tiến du lịch, Bộ VHTTDL đã triển khai công tác bổ nhiệm, phát huy vai trò của các Đại sứ Du lịch. Hoạt động của các Đại sứ Du lịch Việt Nam đã góp phần quan trọng trong công tác quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và du lịch Việt Nam, khuyến khích và mở ra cơ hội cho những tổ chức, cá nhân ưu tú mong muốn có đóng góp cho công tác quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Văn phòng đại diện Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc (năm 2019) và Văn phòng Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại London (Anh-2019) lần đầu tiên được thành lập với mô hình kết hợp công hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hoá;

Tháng 10.2020, Bộ VHTTDL triển khai Chiến dịch quảng cáo trên kênh CNN Asia với chiến dịch mang tên “Why not Vietnam” (Tại sao không chọn Việt Nam!) trong 06 tuần (từ ngày 15/10/2020) bằng video clip 30s gợi ý du khách lựa chọn Việt Nam cho chuyến du lịch đầu tiên sau Covid-19 đã thu hút lượng lớn người xem…

Giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hoá mang tính hai chiều, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, người dân, nghệ sỹ Việt Nam có cơ hội tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại qua hàng chục chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đương đại, chiếu phim, triển lãm, giới thiệu sách, ẩm thực của nước ngoài được tổ chức…, Nhiều hoạt động lớn,có quy mô đã trở thành sự kiện thường niên được công chúng mong đợi như: LHP châu Âu,  LH Âm nhạc châu Âu, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu,  LHP Mỹ-Latin, Lễ hội Hoa anh đào (Nhật Bản), Hòa nhạc Toyota, chương trình nghệ thuật K-pop (Hàn Quốc)…Chương trình biểu diễn mang tính kinh điển, của nghệ sỹ hàng đầu thế giới trình diễn tại Việt Nam đã trở nên vô cùng phổ biến. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những sự kiện văn hóa quốc tế do Việt Nam tổ chức được bạn bè quốc tế tham gia đông đảo như Festival Huế, LHP Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Rối quốc tế …

Việc truyền tải thông tin văn hóa đối ngoại không chỉ được triển khai trên các kênh truyền thống và phiên bản điện tử, mà còn được phát hành trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok,các ứng dụng công nghệ số của các cơ quan truyền thông. Mới đây, Bộ VHTTDL cùng các địa phương (Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế…) phối hợp với Hãng Google triển khai dự án "Google Arts and Culture"giới thiệu về các kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá, con người, nghệ thuật, ẩm thực và lễ hội truyền thống đặc sắc của Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên nền tảng trực tuyến nhằm quảng bá du lịch và hình ảnh đất nước Việt Nam.

Đoàn Phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017 tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ấn tượng với những bức tranh thêu tay trên lụa và những tà áo dài thêu_Ảnh: Tư liệu

Cần đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hợp tác văn hóa và coi trọng chất lượng, hiệu quả

Nhìn lại những dấu ấn đã đạt được trong quá trình  thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế của ngành văn hoá, thể thao và du lịch, chúng ta tự hào đã có đóng góp tích cực cho thành công chung của vị thế đất nước hôm nay. Rất nhiều cơ hội và cả thách thức,dự liệu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài và đỏi hỏi ta phải có thay đổi, thích nghi nhanh chóng. Áp lực về hạ tầng, nguồn nhân lực để thích ứng, tiếp nhận, phát huy những cơ hội mới của quốc tế mang đến cũng là thách thức không nhỏ.

Thời đại cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh của cuộc sống, sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ như đường truyền tốc độ cao, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, cung ứng theo yêu cầu... đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi lĩnh vực mà hội nhập văn hoá không thể nằm ngoại lệ. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy những hạn chế nhất định của ta trong việc thực hiện chuyển đổi số và tương tác trên các nền tảng số, cũng như khả năng tận dụng triệt để tiến bộ của công nghệ hiện đại; Dự liệu sau giai đoạn Covid-19, thế giới sẽ có bước chuyển dần xu thế hưởng thụ, giao lưu văn hoá qua nền tảng mạng xuyên quốc gia đã được khởi động mạnh mẽ và trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong 2 năm qua sẽ đặt ra những thách thức vô cùng lớn.

Tháng 10.2021 tới đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tham dự một trong những sự kiện triển lãm lớn nhất toàn cầu - EXPO Dubai, UAE. Sự kiện được đánh giá ngang tầm ảnh hưởng với Olympic và World Cup này mang một chủ đề rất đáng suy ngẫm: “Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai”, hướng đến giải pháp bền vững mang tính thời đại cho cácvấn đề toàn cầu, tìm kiếm sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và các nền văn hóa. Chủ đề EXPO không ngờ lại phản ánh chính xác thế giới ngày hôm nay đến vậy, cả thế giới cần những kết nối, thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi phát triển với tốc độ nhanh và chưa từng thấy trước đây. Nó được lấy ý tưởng từ tiêu đề: Món quà từ lịch sử, cùng nhìn lại lịch sử và truyền cảm hứng tới tương lai. Lịch sử đã chứng minh, qua từng thời kì vớicả thuận lợi và khó khăn không ngờ, nhân loại đều vượt qua nhờ những sáng tạo vượt bậc. EXPO sẽ là sự kiện toàn cầu lớn tiếp theo sau Olympic Tokyo như để minh chứng cho sức mạnh của con người trước khó khăn đại dịch 2 năm qua, và phải chăng thông điệp quan trọng cho thời kỳ mới làsự “kết nối” giữa con người, tri thức và văn hoá.

Trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, xét cả về vị trí địa lý, lịch sử giao thương và giao lưu văn hoá, lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước cho đến vị thế của đất nước ngày hôm nay, Việt Nam là nơi kết nối, hội tụ của nhiều nền văn hoá đa dạng, một trong những điểm trung chuyển của giao thương quốc tế, cùng những đặc điểm văn hoá bản địa, đất nước và con người Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, bao dung, cởi mở để hội nhập và phát triển. Sức mạnh văn hoá, tiềm năng đất nước và những chính sách thời kỳ mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang là nền tảng, tạo đà cho sự thành công của một thời kỳ mới, làm giá đỡ và bệ phóng cho sự cất cánh của dân tộc, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TRẦN NHẤT HOÀNG ( Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top