Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn tới

Thứ Sáu 30/07/2021 | 23:26 GMT+7

VHO- Sở Du lịch TP.HCM cơ bản thống nhất các nội dung theo dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch mà Bộ VHTTDL đề ra, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc trước tiên cần phải có các chính sách hỗ trợ thiết thực để cứu doanh nghiệp, hóa giải các điểm nghẽn.

Các khu du lịch vắng khách, doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19

Chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, chúng tôi đề xuất các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ chủ trương sử dụng vốn ngân sách Nhà nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch để trả lương cho người lao động. Cần phải có các chính sách hỗ trợ cho các bảo tàng, khu di tích thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhằm hỗ trợ kích cầu du lịch giai đoạn dịch Covid-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, triển khai ưu tiên tiêm vắcxin phòng dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch; thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân để sớm mở cửa du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong nước.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất sử dụng kinh phí Nhà nước, tập trung xây dựng các chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn lao động trực tiếp tại chỗ trong ngành Du lịch như: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân, buồng, bàn,… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự phục vụ tái khôi phục hoạt động sau dịch bệnh. Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, ưu tiên chương trình kích cầu nội địa, phát huy hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VHTTDL sau khi dịch được kiểm soát tốt.

Số hóa đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) năm 2021

Để thích ứng với tình hình mới, cần có những nghiên cứu, xây dựng hệ thống du lịch trực tuyến, áp dụng các phương pháp công nghệ thực tế ảo, 360o triển khai tại các khu, điểm du lịch tiếp cận và đáp ứng nhu cầu du lịch tại nhà cho du khách. Tiếp tục xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính thu hút du khách trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Nghiên cứu phát triển các tuyến, chương trình du lịch mới gắn liền với phát triển bền vững, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào làm du lịch, đảm bảo tốt về kinh tế và môi trường du lịch tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền, doanh nghiệp du lịch, trường đào tạo về du lịch và cộng đồng địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân địa phương muốn tham gia làm du lịch, cung ứng các sản phẩm về du lịch, kích thích sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ cho du khách.

Quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức, nền tảng mạng 

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước thông qua các chương trình hội chợ du lịch, diễn đàn du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kích thích nhu cầu du lịch của du khách. Đồng thời, phát động phong trào kích cầu du lịch, giảm giá mạnh các dịch vụ du lịch (ăn, ở, đi lại,…). Thực hiện liên kết, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch.

Tăng cường hợp tác liên ngành để phục hồi và phát triển du lịch

Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, chúng tôi đề xuất xây dựng, triển khai chương trình, thống kê, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và Quy hoạch phát triển tái cấu trúc nguồn nhân lực du lịch đến năm 2030. Xây dựng, triển khai Chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và đào tạo lực lượng lao động nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN. Chuẩn hóa chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch từ trung cấp đến đại học và sau đại học ngang trình độ khu vực/quốc tế. Xây dựng bộ tiêu chuẩn chương trình đào tạo nghề du lịch ASEAN và ký kết các thỏa thuận, công nhận lẫn nhau về các loại bằng cấp, chứng chỉ, chương trình đào tạo nghề du lịch để tạo điều kiện cho người học có thể làm việc ở các nước trong khu vực ASEAN hoặc có thể học chuyển tiếp chương trình tương đương ở các cơ sở đào tạo du lịch trong ASEAN.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN, đủ sức cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực

Đề nghị các Bộ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 và các năm tiếp theo (khi tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát) để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19.4.2021 của Chính phủ, các doanh nghiệp chỉ được gia hạn tiền nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021 (theo quy định Thông tư 112/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính). Chủ động nghiên cứu các giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch. Quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Có các giải pháp tận dụng xu hướng dịch chuyển sản xuất của các nước phát triển để thu hút đầu tư và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ về chính sách thu hút, khuyến khích hoạt động của người nước ngoài vào góp vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch của Việt Nam. Có biện pháp quản lý hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ các vấn đề mua bán, thuê, mượn tư cách pháp nhân để đầu tư trái phép đang diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về du lịch.

Sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện các chương trình kích cầu du lịch nội địa

Xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý chặt chẽ và giải pháp bền vững để hoạt động của các chương trình du lịch giá rẻ (còn gọi là tour 0 đồng), mang lại hiệu quả cho ngành Du lịch. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch theo đúng quy định của pháp luật. Thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng, kinh doanh, quản lý các dự án, công trình du lịch, nhất là tại khu vực biên giới, ven biển, hải đảo, các công trình, dự án hỗn hợp, đa chức năng đa sở hữu có mục đích kinh doanh du lịch phù hợp mục đích sử dụng đất và quy định pháp luật.

Quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại các khu vực, địa điểm du lịch, các sự kiện lớn của ngành du lịch theo quy định. Kiện toàn cơ cấu tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

Nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng tàu, cảng hàng không để hỗ trợ, tạo động lực phát triển du lịch

Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa nhằm hỗ trợ và tạo động lực phát triển du lịch. Cho phép các phương tiện vận chuyển khách du lịch được tạm nhập, tái xuất tại các cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường biển).

Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch, ứng phó với sự cố môi trường có thể xảy ra; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường; tuyên truyền việc ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng vật liệu tái chế góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Chủ động đánh giá, kiên quyết xử lý đối với các dự án đầu tư du lịch có nguy cơ cao phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên du lịch và đời sống xã hội.

Quản lý chặt chẽ lĩnh vực lưu trú du lịch mới như condotel, trang trại du lịch

Tăng cường quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch, nhất là với các loại hình lưu trú du lịch như: căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, condotel, trang trại du lịch… Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Tham mưu trình Chính phủ xem xét, áp dụng hộ chiếu vắcxin, tạo điều kiện đón khách quốc tế từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên trao đổi với các nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng, hoàn thiện cơ chế hợp tác, tạo thuận lợi cho việc di cư quốc tế và ngăn chặn các hoạt động di cư trái phép, đặc biệt là các hình thức du lịch trá hình. Đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách miễn thị thực phù hợp cho công dân nước ngoài vào Việt Nam du lịch; quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch.

Rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động vi phạm pháp luật về thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các hình thức cung ứng dịch vụ xuyên biên giới trên môi trường trực tuyến, các đại lý du lịch trực tuyến. Xây dựng chính sách giảm giá tiêu thụ điện trong các cơ sở kinh doanh du lịch (khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp du lịch, nhà hàng phục vụ du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn phục vụ du lịch…).

Tăng cường công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ tình trạng lợi dụng du lịch để lao động trái phép.

Xây dựng chính sách giảm giá tiêu thụ điện lâu dài trong các cơ sở kinh doanh du lịch

Xây dựng quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tài hoạt động khi gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng và kéo dài. Điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng góp bảo hiểm tự nguyện.

Hiện nay, xu hướng thương mại điện tử sẽ thay thế thương mại truyền thống, vì thế, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý hiện quả hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ đối với các dịch vụ xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam; tăng cường các biện pháp phòng chống rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp. Có chính sách và hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại Việt Nam cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử được cấp phép hạn chế tối đa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền, ngoại tệ của khách hàng và đối tác qua thanh toán điện tử; tăng cường rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay cho doanh nghiệp lữ hành ký quỹ “khống”. Chỉ đạo các ngân hàng tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, ATM, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.

NGUYỄN THỊ ÁNH HOA

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top