Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vài góp ý trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Thứ Sáu 30/07/2021 | 20:57 GMT+7

VHO - Theo Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa 2030, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cần tập trung xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình... Bài viết nhằm đưa ra một vài giải pháp cụ thể nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đến năm 2030.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM

Về nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo nêu 9 nội dung cụ thể trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Đó là:
1.    Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
2.    Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh đạt chuẩn thực chất về văn hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
3.    Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.
4.    Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là môi trường văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa.
5.    Gắn các hoạt động văn hóa với kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh với quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và các chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
6.    Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm, thần bí, thực hành mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự.
7.    Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của nhà nước.
8.    Đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước. Hiện đại hóa công sở và ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ hoạt động ngành văn hóa.
9.    Xây dựng một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn.

Cần xem xét tăng mức chi đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách hàng năm, trong đó, xây dựng nhiều hơn công trình văn hóa, không gian văn hóa phục vụ người dân

Nhìn chung, các nội dung nói trên đã thể hiện khá toàn diện các vấn đề cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa đến năm 2030. Để làm rõ hơn, tôi xin có một vài góp ý như sau:
-    Trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, điểm nhấn quan trọng là xây dựng nền tảng gia đình và phát huy vai trò của trường học đối với xây dựng nhân cách con người… Trong xây dựng nhân cách con người cần coi trọng giáo dục tình yêu lao động, tinh thần chịu khó học tập, rèn luyện. Mỗi người phải phấn đấu vươn lên bằng chính sức mình, không dựa dẫm, nhờ vả vào sự ban phát của người khác, hay cầu xin phép màu của thần linh… 
-    Cần gắn việc xây đi đôi với chống trong quá trình giáo dục nhân cách con người, nhất là xây tính trung thực, sự tử tế, chống bệnh giả dối, chạy theo thành tích và các kiểu chạy tiêu cực… Xã hội cần chung tay xây dựng môi trường công bằng, bình đẳng cho người trẻ phát triển lành mạnh trên con đường lập thân, lập nghiệp.
-    Trẻ em ngày nay lớn lên trong điều kiện có nhiều khác biệt so với trước, nhất là tương tác với môi trường mạng. Cha mẹ và nhà trường cần quan tâm và biết cách bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực từ mạng. Nhà nước cần có hành lang pháp lý phù hợp và kiên quyết xử lý vi phạm. Tất cả để giúp trẻ phát triển toàn diện trí, đức, văn, thể, mỹ, làm tốt bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, với quê hương, đất nước và với bản thân mình.
-    Về xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cần theo hướng tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Gia đình cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ càng cao, càng nêu gương trong việc cưới. Mặc dù đã có quy định nhưng nhiều cán bộ thiếu nêu gương, làm cho chủ trương không được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức lễ hội và hạn chế việc sử dụng ngân sách tổ chức lễ hội.
-    Xây dựng văn hóa công sở cần được coi trọng, nhất là xây dựng đạo đức nghề nghiệp gắn với nâng cao năng lực chuyên môn, nếp làm việc khoa học, có trật tự kỷ cương, tuân theo nội quy, quy định và phát huy dân chủ. Văn hóa công sở góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết, cùng nhau nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, những biểu hiện thiếu văn hóa, không thiết tha với công việc và không quan tâm đến đối tượng phục vụ, thậm chí còn có biểu hiện hách dịch, cửa quyền với dân, thiếu sự hợp tác, chia sẻ thông tin giũa các cơ quan, đơn vị… sẽ là rào cản cho sự phát triển. Xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thân thiện với Nhân dân.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cần quan tâm đến các thiết chế văn hóa, sân chơi nghệ thuật dành cho thanh thiếu nhi

-    Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được xem là yêu cầu tất yếu của phát triển, là tài sản vô hình của doanh nghiệp, cần được mọi thành viên cùng nhau vun đắp. Văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống của riêng mỗi doanh nghiệp. Cần làm cho các thành viên thấy văn hóa doanh nghiệp là niềm hạnh phúc của doanh nghiệp đồng hành cùng tuổi thọ an vui của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp điều phối và kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc… Văn hóa doanh nghiệp là chất keo gắn kết, giúp tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với nhau và tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển hài hòa lợi ích. Văn hóa doanh nghiệp giúp doanh nghiệp ứng xử tốt với môi trường thiên nhiên, xã hội, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, không vì lợi ích cục bộ làm ảnh hưởng môi trường sống, gây thiệt hại đến con người.
-    Nếp sống văn minh, thói quen lịch sự trong giao tiếp, ứng xử cần được quan tâm xây dựng gắn với đấu tranh, phê phán sớm loại bỏ những biểu hiện chưa đẹp trong cuộc sống như: ăn nhậu bê tha, cách hành xử bạo lực, nói tục, chưởi thề, chưa thực hiện tốt luật giao thông, gây ô nhiễm tiếng ồn, xả rác, làm ô nhiễm môi trường… 
-    Về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần gắn với công tác quy hoạch trong việc xây dựng các cơ sở thờ tự và sinh hoạt tôn giáo, tránh việc xây dựng tự phát và lợi dụng tự do tín ngưỡng… làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung, không phù hợp với cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, cũng như những hoạt động làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và phát triển kinh tế - xã hội.
-    Cần xem xét tăng mức chi đầu tư cho văn hóa lên trên 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Trong đó, xây dựng nhiều hơn công trình văn hóa, thiết chế văn hóa, không gian văn hóa (tại TP.HCM có quy hoạch xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh), kể cả thêm công viên, mảng xanh. Cần nhiều hơn các chương trình, các sản phẩm văn hóa và ươm mầm cho những tài năng trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật… 
Việc xây dựng môi trường văn hóa đòi hỏi sự chung tay, sự kiên trì và huy động nhiều nguồn lực. Trong từng thời gian, mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có sự tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhất định, tạo sự chuyển biến rõ nét, tránh chung chung, dàn trải. Hiện nay khoảng trống “GDP văn hóa” còn lớn, nhất là đáp ứng nhu cầu cho thiếu nhi. Nếu có sự quan tâm đúng mức, tập trung trong chỉ đạo, điều hành, nhất định sẽ tạo nên bước phát triển mới về văn hóa trong đó có xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển của con người Việt Nam.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top