Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhập nhằng mô hình du lịch farmstay

Thứ Sáu 30/07/2021 | 10:21 GMT+7

VHO- Hiện nay, việc phát triển mô hình farmstay (du lịch nông trại) chuyên nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu tiêu chí thống nhất xác định mô hình farmstay, chưa có cơ sở pháp lý cho việc phát triển dịch vụ du lịch trên các khu vực canh tác nông nghiệp, nhiều địa phương chưa có đề án quy hoạch phát triển các dự án farmstay...

Mô hình farmstay nở rộ ở nhiều địa phương Ảnh: THỦY TIÊN

Bởi vậy mô hình này chưa có đủ điều kiện để phát triển theo đúng nghĩa, chưa hình thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng nông nghiệp có tiêu chuẩn chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Mới chỉ là các dịch vụ trải nghiệm, tham quan

Đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam xuất phát từ sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác, hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn hình thành các trang trại, nông trại chưa nhiều và đang trong quá trình chuyển đổi. Một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Ninh Bình… xác định đã có các dự án khai thác mô hình farmstay, chủ yếu hình thành trên cơ sở các khu vực chuyên canh cây ăn quả, chè, cà phê, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi (bò sữa, thủy hải sản…), dự án sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng khoa học công nghệ… Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch chỉ dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày, chưa đảm bảo các điều kiện đáp ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú qua đêm.

Theo quy định, các dự án sử dụng đất nông nghiệp không được phép xây dựng các công trình nhà ở kiên cố, do đó không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, hầu hết các dự án khai thác du lịch nông nghiệp chỉ đủ điều kiện cung ứng dịch vụ du lịch trong ngày, nên không hấp dẫn khách du lịch. Một số dự án đã “lách luật” xây dựng công trình bằng vật liệu tạm, tiền chế, cải tạo container cũ thành phòng ở với quy mô nhỏ để phục vụ khách lưu trú, tuy nhiên hầu hết các công trình không đáp ứng yêu cầu về độ bền, thiết kế, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh những hoạt động du lịch do người dân cung cấp, nhiều dự án du lịch có quy mô lớn được đầu tư trên cơ sở khai thác được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa cộng đồng, sinh thái nông nghiệp của khu vực nông thôn, cung cấp những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có thương hiệu để phục vụ khách du lịch như các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cung cấp dịch vụ giáo dục, trải nghiệm (trang trại giáo dục)… Các dự án này tập trung chủ yếu ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, gần với các điểm du lịch có khả năng thu hút khách như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Pù Luông (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam)… Phần lớn các dự án này được đầu tư bài bản, bên cạnh xây dựng các công trình dịch vụ, các nhà đầu tư còn quan tâm đến quy trình vận hành quản lý, đào tạo nhân viên, kiểm soát chất lượng dịch vụ, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thị trường, duy trì phát triển nguồn khách. Tuy nhiên, đây là các dự án du lịch độc lập được đầu tư ở khu vực nông thôn, không phải là các dự án liên kết với sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đầu tư, một số dự án gặp khó khăn do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.

Hiểu rõ về mô hình du lịch farmstay

Trong vài năm trở lại đây, mô hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với đầu tư bất động sản được gọi là dự án farmstay có xu hướng gia tăng và được các nhà đầu tư quan tâm ở góc độ thị trường và pháp lý. Các dự án tập trung chủ yếu ở những khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, có khoảng cách không quá xa với các trung tâm đô thị lớn, có hệ thống hạ tầng thuận lợi, quỹ đất lớn…

Điểm hấp dẫn của dự án này là cung cấp loại hình bất động sản nghỉ dưỡng dựa vào đặc trưng sinh thái thiên nhiên làm điểm nhấn như bố trí không gian cảnh quan, nhà vườn trồng rau sạch, cây ăn trái hữu cơ, ngoài ra còn bổ sung các dịch vụ chung như công viên giải trí, sân thể thao, hồ bơi… Các dự án được bán dưới dạng biệt thự, nhà ở phân lô, bungalow (nhà 1 tầng) và được chia sẻ các không gian chung như trang trại nông nghiệp, khu dịch vụ… Để thu hút khách hàng, chủ đầu tư đưa ra các quyền lợi và cam kết như sở hữu nhà ở cho nghỉ dưỡng du lịch, sở hữu đất trang trại có số đỏ riêng cho từng hộ, được chuyển nhượng cho bên thứ 3; được hưởng lợi nhuận từ các hạng mục sinh lời như canh tác nông nghiệp, kinh doanh cho khách du lịch thuê phòng nghỉ. Tuy nhiên, về bản chất, đây chính là các dự án đầu tư bất động sản du lịch được hình thành trên đất nông nghiệp (chứ không phải là các farmstay). Vì vấn đề quy hoạch, tính hợp pháp về quyền và mục đích sử dụng đất chưa được xác định rõ ràng nên một số chủ đầu tư chỉ được phép sử dụng đất nông nghiệp hoặc được giao quyền quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi gia súc nhưng đã lập dự án, phân lô, bán đất dưới danh nghĩa dự án farmstay.

Farmstay được hiểu là mô hình kết hợp khai thác giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Trong mô hình này, trước hết phải có hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp ở mức độ quy mô tập trung (nông trại, trang trại), được khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, sau đó kết hợp đầu tư, cải tạo xây dựng một số công trình nhà ở, tổ chức dịch vụ thành không gian phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm cho khách du lịch. Bên cạnh nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, thông qua cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, trang trại có thêm nguồn thu từ thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ đối với một số sản phẩm nông nghiệp của trang trại. Có thể hiểu, nông nghiệp là nội dung chính, sau đó mới đến kết hợp phát triển du lịch.

Mô hình farmstay đúng nghĩa phải đảm bảo 2 yếu tố cốt lõi là: Năng lực canh tác gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung bao gồm các yếu tố đất đai, kỹ thuật canh tác, người nông dân, sản phẩm nông nghiệp… có thể khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng; sau đó là năng lực cung ứng dịch vụ du lịch (dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo môi trường an ninh, an toàn cho du khách…). Để có thể vừa phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa cung ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng nên mô hình này đòi hỏi diện tích đất lớn, có không gian cảnh quan tập trung. 

 THÚY HÀ - THU HƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top