Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ở địa phương

Thứ Năm 29/07/2021 | 16:26 GMT+7

VHO- Hiện nay, số lao động trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 12.000 lao động, trong đó số lao động đã qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành du lịch chiếm 65,8%. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành phối hợp triển khai thực hiện nhiều nội dung liên quan đến công tác phát triển nguồn nhân lực.

Đỉnh núi Lò Vôi, một trong những thắng cảnh của Côn Đảo

Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở đào tạo về du lịch, hàng năm cung cấp khoảng 1.000 sinh viên cho ngành du lịch chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý, lễ tân, buồng, nhà hàng. Số lao động nói trên chỉ đáp ứng được trước mắt nhu cầu thực tế của địa phương, nhưng với tốc độ phát triển và nhu cầu lao động cho các dự án mới ngày càng cao thì chưa đáp ứng được thực tế. Với đặc thù của ngành du lịch đòi hỏi nhân lực sử dụng được ngoại ngữ khá cao, ngành du lịch địa phương cũng đang tập trung khai thác khách từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… Thế nhưng, trình độ ngoại ngữ của người lao động tại doanh nghiệp hiện chưa đáp ứng tốt định hướng phát triển của ngành. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, sinh viên chưa có nhiều cơ hội cọ xát thực tế trong các môi trường chuyên nghiệp. Doanh nghiệp du lịch chưa thật sự có chiến lược đầu tư, phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản lý có kinh nghiệm còn thiếu và yếu.

 Hành khách lên tàu cao tốc ( khi chưa có dịch) từ Côn Đảo về Vũng Tàu

Để có được đội ngũ lao động đáp ứng cả về chất lượng và số lượng cho ngành du lịch đảm bảo về trong thời gian tới, Sở Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, có các giải pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực du lịch qua nhiều hình thức khác nhau; từ hướng nghiệp đến tổ chức đào tạo gắn kết với bên sử dụng lao động; linh động đổi mới giáo trình trong các lĩnh vực đào tạo về du lịch, khách sạn… phù hợp với tình hình thực tế. Thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình đào tạo du lịch, tạo thêm cơ sở thực tập thực tế cho sinh viên...  Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư cho đào tạo, phát triển nhân lực du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh để quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, hàng năm, địa phương mở nhiều lớp bồi dưỡng cho đội ngũ lễ tân khách sạn, nghiệp vụ buồng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ năng nghiệp vụ… cho đội ngũ lao động trong ngành. Cụ thể, Sở Du lịch mở các lớp đào tạo về kỹ năng giao tiếp, công tác cấp cứu thủy nạn, văn minh ứng xử trong du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động du lịch… Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) mở các khóa đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên các khách sạn.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ở địa phương

Với nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, tỉnh đã xác định 8 loại hình du lịch chính để phát triển; bao gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử và tâm linh, du lịch MICE, du lịch gắn với hoạt động thể dục – thể thao, vui chơi giải trí và du lịch gắn với sức khỏe…

Trong đó, thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của địa phương đã được khẳng định với hệ thống các khách sạn, resort tiêu chuẩn chất lượng cao. Riêng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội đã thu hút lượng lớn khách tham quan. Sản phẩm du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên hệ sinh thái tại các Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu... đã được đầu tư, nâng cấp để phục vụ du khách tham quan. Những năm gần đây, sản phẩm du lịch MICE bước đầu phát triển, các cuộc hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện được tổ chức thường xuyên tại địa phương nên các công ty du lịch đã tổ chức các loại sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách đến tham dự, kết hợp tham quan du lịch. Đây cũng là loại hình có mức chi tiêu cao, sử dụng rất nhiều dịch vụ tại điểm tham dự nên hiệu quả mang lại cho các công ty du lịch tương đối cao. Hệ thống khách sạn, điểm đến cung ứng dịch vụ đã khai thác hiệu quả loại hình du lịch MICE này.

 Tấp nập du khách đến Côn Đảo (khi chưa có dịch)

Đối với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, làng chài, các trang trại nông nghiệp… có sự tham gia trực tiếp của người dân, kết hợp phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương đã thu hút đáng kể lượng du khách và kéo dài thời gian khách lưu trú tại địa phương. Riêng tại huyện Côn Đảo đang thí điểm các hộ nông dân phát triển sản phẩm rượu nho rừng, sâm đất Côn Đảo để phục vụ cho khách du lịch; trồng rau sạch, trái cây tại Khu du lịch Sixsenses để du khách tự chăm sóc. Tại huyện Châu Đức cũng bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch nông nghiệp như Binon Ca Cao, Green farm, cà phê Đồi Cừu, Nấm linh chi Ông Tiên...

Du lịch thể thao gắn với biển cũng là một sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Các khu du lịch trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư một số loại hình thể thao, giải trí trên biển phục vụ du khách yêu thích vận động, ưa cảm giác mạnh như lướt ván diều, lướt ván buồm, mô tô trượt nước (jetski), thuyền buồm… Bên cạnh đó, còn có các hoạt động thả diều, bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển… Đáng chú ý là sản phẩm dịch vụ gắn liền với chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe dựa vào các ưu thế sẵn có mà thiên nhiên ban tặng đã hình thành những điểm đến lý tưởng, mang đến cho du khách những trải nghiệm và thư giãn cùng gia đình, bạn bè và người thân, thúc đẩy các dự án lồng ghép du lịch với sức khỏe... Về hoạt động du lịch gắn với hoạt động vui chơi giải trí, ngoài các sản phẩm hiện có như đua chó Lam Sơn, khu du lịch Hồ Mây vừa đưa một số sản phẩm mới vào khai thác như khu trình diễn nhạc nước 5D, khu du lịch Minera. Sắp tới, dự án Novaland Hồ Tràm cũng sẽ đưa vào khai thác các hoạt động du lịch gắn với hoạt động vui chơi giải trí tại huyện Xuyên Mộc.

Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tập trung hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch được khẳng định trong 8 loại hình du lịch chính của địa phương. Do đó trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đạt được kết quả khả quan, dần dần khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh đối với du khách trong và ngoài nước.

 Bãi Nhát, Côn Đảo

Giải pháp để phát triển thị trường nội địa

Theo thống kê, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có xu hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng giai đoạn sau có xu hướng chậm hơn so với giai đoạn trước. Vì vậy, việc mở rộng thị trường để thu hút khách du lịch là vấn đề quan trọng đối với du lịch của tỉnh nhà.

Thị trường khách du lịch nội địa chiếm 72% trong tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh. Lượng khách chủ yếu đến từ TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến địa phương chủ yếu từ thị trường khách du lịch của TP.HCM và khách du lịch đi bằng tàu biển. Nên thị trường khách trung chuyển TP.HCM có tầm quan trọng đối với phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, lượt khách quốc tế cũng như khách có lưu trú tại địa phương chiếm tỷ lệ còn thấp, mức chi tiêu của du khách chưa cao. Để tạo sức cạnh tranh trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chiến lược du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, quảng bá xúc tiến dài hạn; chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường; xây dựng cơ chế liên kết phối hợp với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để chia sẻ thông tin xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực… Thu hút các hãng lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng địa phương và đáp ứng nhu cầu du khách; tập trung nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho ngành du lịch.    

TRỊNH HÀNG - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top