Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Tấm khiên” vắcxin ở châu Âu

Thứ Tư 28/07/2021 | 09:36 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng vọt trở lại, sau một thời gian tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh, các nước châu Âu đang nỗ lực chạy đua để “cán đích” tiêm chủng. Nhiều nước cũng đã đưa ra quy định hạn chế thông hành và sử dụng dịch vụ, việc làm đối với những người không tiêm vắcxin ngừa Covid-19.

 Nhiều nước châu Âu thúc đẩy chiến dịch tiêm vắcxin ngừa Covid-19 Ảnh: CAPITAL

 Sự lây lan nhanh của biến chủng Delta đang khiến nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca nhiễm Covid-19 mới hằng tuần tăng khoảng 64,3%. Trong đó, Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch thứ 4 với số ca mắc mới hằng ngày trên 10.000 trường hợp, còn tại Anh, số ca mắc mới tại nước ngày cũng tăng vọt. Đáng chú ý, mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại, nhưng không xảy ra tình huống số người nhập viện hoặc phải vào điều trị ICU ồ ạt, tỉ lệ tử vong cũng nhỏ hơn rất nhiều so với những đợt bùng phát dịch bệnh trước. Điều này cho thấy “tấm khiên” vắcxin đã phát huy tác dụng tích cực, trong cuộc chiến chống Covid-19 tại nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng có xu hướng chững lại, dẫn đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng của nhiều quốc gia châu Âu có nguy cơ kéo dài hơn dự kiến. Theo Euronews, Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh: “Bất chấp những nỗ lực to lớn của các quốc gia châu Âu trong việc tiêm chủng cho người dân ở khu vực, hàng triệu người vẫn chưa tiêm chủng và do đó có nguy cơ phải nhập viện”. Bởi vậy, để thúc đẩy hoạt động tiêm chủng, nhiều nước đã tính đến cả biện pháp “cứng rắn” với những người không tiêm vắcxin ngừa Covid-19.

Thực tế, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), từ đầu tháng 7 đã sử dụng công cụ giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử, để phân biệt những người đã tiêm vắcxin Covid-19 và chưa tiêm. Ban đầu, giấy chứng nhận này chủ yếu đảm bảo quyền tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối EU. Khi nguy cơ dịch bùng phát trở lại, nhiều nước đã mở rộng tác dụng của giấy chứng nhận tiêm chủng này trong các quy định thông hành và sử dụng dịch vụ. Tại Pháp, chính phủ yêu cầu từ ngày 21.7, khách tới các rạp chiếu phim, bảo tàng và các địa điểm thể thao, phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính mới được phép vào bên trong. Biện pháp này cũng sẽ được mở rộng áp dụng với các nhà hàng, quán cafe và trung tâm thương mại tại Pháp từ tháng 8 tới.

Tương tự tại Italia, chính phủ nước này cũng đưa ra một loạt các hạn chế với những người không tiêm vắcxin ngừa Covid-19. Cụ thể, từ ngày 6.8, Italia sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm chủng, từng nhiễm và bình phục, hoặc có giấy chứng nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 được phép dùng bữa bên trong các nhà hàng, chơi thể thao trong nhà, đến phòng gym, tham gia những sự kiện đông người như hòa nhạc, bất kể trong nhà hay ngoài trời. Đồng thời, các hội chợ thương mại, bảo tàng và một loạt địa điểm khác cũng nằm trong danh sách hạn chế những người chưa tiêm chủng. Các chủ nhà hàng và quán bar tại Italia có nguy cơ bị phạt tới 1.000 euro (gần 1.200 USD) nếu không thực thi yêu cầu chứng nhận tiêm chủng với khách hàng, và có thể bị buộc phải đóng cửa tối đa 10 ngày nếu bị phát hiện vi phạm 3 lần trong 3 ngày khác nhau.

Trong khi đó, Nga cũng đã áp dụng nhiều hạn chế đối với những người từ chối tiêm chủng. Nhiều quán cafe, nhà hàng tại nước này yêu cầu mã QR chứng nhận đã tiêm vắcxin đối với những khách muốn ngồi tại quán. Các bệnh viện cũng từ chối các bệnh nhân chưa tiêm chủng muốn làm phẫu thuật trong trường hợp không khẩn cấp. Một số ngành nghề yêu cầu người lao động phải tiêm chủng mới được làm việc... Còn tại Anh, bắt đầu từ tháng 9, các hộp đêm sẽ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ cho biết quy định này có thể cũng sẽ áp dụng cho những địa điểm tập trung đông người khác. Thẻ thông hành Covid-19 đã được thêm vào ứng dụng trên điện thoại của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh, giúp người dùng chứng minh tình trạng tiêm chủng.

Chính các biện pháp “cứng rắn” này đã giúp số lượng người đăng ký tiêm vắcxin ngừa Covid-19 tại nhiều quốc gia châu Âu gia tăng đáng kể. Tại Pháp, dữ liệu gần đây cho thấy, trung bình mỗi ngày có khoảng 298.000 người tiêm liều đầu tiên, trong khi con số này hồi đầu tháng là 161.000. Còn tại Italia, nhiều địa phương cũng đã ghi nhận số lượng đăng ký tiêm liều đầu tiên tăng gấp đôi so với trước đó. Rõ ràng, để tránh tình huống buộc phải tái phong tỏa, gây tổn hại nền kinh tế, việc khắc phục tình trạng đình trệ tiêm chủng là vô cùng quan trọng, giúp các nước châu Âu thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả hơn. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top