Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Trưng bày trực tuyến Thắp lửa yêu thương: Khát vọng và niềm tin giữa địa ngục trần gian

Thứ Ba 27/07/2021 | 11:00 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2021), BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã ra mắt trưng bày trực tuyến Thắp lửa yêu thương, kể lại câu chuyện về các chiến sĩ yêu nước dù bị giam cầm hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng vẫn thể hiện niềm tin, khát vọng, một lòng hướng về cách mạng, kề vai sát cánh bên nhau trong đấu tranh.

 

Hình ảnh tại trưng bày Thắp lửa yêu thương

Giữa những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, những câu chuyện cảm động, thắp lên ngọn lửa yêu thương ở nơi hà khắc, đen tối nhất của chốn địa ngục trần gian đã mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa, cho thế hệ hôm nay niềm tin và khát vọng chiến thắng được mọi gian nan, thử thách.

Lửa yêu thương nơi tù ngục

Những câu chuyện về những người chiến sĩ cách mạng kiên cường, không chịu khuất phục trước đòn roi và chế độ tra tấn, giam cầm hà khắc nhất giữa chốn địa ngục trần gian đã được Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều lần kể lại, bằng những cuộc triển lãm, trưng bày, bằng những hình ảnh, hiện vật biết nói, và bằng những hồi ức gắn liền với cả cuộc đời của nhiều chứng nhân lịch sử.

Trưng bày Thắp lửa yêu thương nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2021) một lần nữa đã mang đến cho công chúng thật nhiều cảm xúc về những câu chuyện không thể nào quên trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Quyết tâm đi theo con đường cách mạng, biết bao người con trên khắp mọi miền đất nước phải rời xa mái ấm gia đình, xa quê hương. Trong quá trình đấu tranh ấy, hàng nghìn chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Chế độ giam cầm hà khắc, với cơm hầm, rau dại, cá thối; với những trận đòn tàn ác, biết bao đồng chí đã hi sinh. Nén chặt trong tim nỗi nhớ nhà, người thân, người chiến sĩ nguyện hi sinh tình cảm gia đình, hạnh phúc riêng tư, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sống trong lao tù khắc nghiệt, người chiến sĩ luôn sát cánh bên nhau trong đấu tranh, yêu thương nhau trong cuộc sống hàng ngày, cùng hun đúc lý tưởng và nuôi dưỡng khát vọng tự do.

Một điều đặc biệt, Thắp lửa yêu thương là cuộc trưng bày đầu tiên được Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức giới thiệu qua kênh phát thanh trực tuyến tại địa chỉ https://open.spotify.com/show/5N66ouc6AjF6AFLQyCseyx. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu các hoạt động trưng bày trên fanpage: https://www.facebook.com/hoaloprisonrelic.

Hình ảnh tại trưng bày Thắp lửa yêu thương

Qua hai nội dung Mạch nguồn yêu thươngLửa thiêng cháy mãi, trưng bày là lời tri ân sâu sắc nhất của thế hệ hôm nay trước những hi sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong ngục tù thực dân, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia. Mang lại cảm xúc mãnh liệt cho người xem là những câu chuyện ngược dòng lịch sử tái hiện cuộc sống lao tù khắc nghiệt của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bước chân vào “chốn địa ngục trần gian”. Để đày đọa và dập tắt ý chí phản kháng của tù nhân, nhà cầm quyền thực dân đã thực thi chế độ giam cầm vô cùng hà khắc. Chế độ giam cầm hà khắc ấy, sinh hoạt đoạ đày, lao dịch nặng nề đã nhanh chóng vắt kiệt sức khoẻ của người tù, nhiều người thậm chí đã bỏ mạng trước khi hết hạn tù.

Nhưng chính trong những thời khắc sống giữa địa ngục trần gian, mạch nguồn yêu thương đã giúp những chiến sĩ cách mạng có thêm nghị lực để tiếp tục sống và khát vọng. Trong ký ức của những chứng nhân lịch sử, ngày ấy không chỉ khó quên bởi những trận đòn roi mà còn thấm vào gan thịt những yêu thương của tình đồng đội. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (tù binh bị giam tại căng 1, Nhà tù Hỏa Lò tháng 6.1948 – 8.1948) kể lại trong Hồi ký “Quyết tung cánh bay về bầu trời tự do” của mình: “Tôi không thể quên những lúc ốm đau tưởng chết, anh em đã vận động y tá nhà tù buộc đưa tôi đi cứu chữa ở nhà tù Nhà Tiền, đun cơm nguội thành cháo cho tôi ăn. Tình đồng chí, đồng đội chăm sóc nhau lúc đau yếu, nhường cơm, sẻ áo thể hiện cụ thể, sâu sắc thấm thía vào gan, vào thịt”.

Lửa thiêng cháy mãi

Không gian trưng bày Thắp lửa yêu thương cũng tạo trải nghiệm cho du khách với hai không gian phục dựng theo nguyên mẫu khu bể tắm hình bát giác - nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể và phòng thăm nuôi, tiếp tế của tù nhân. Ở trong tù vốn ẩm thấp, cơ thể tù nhân không lúc nào lành lặn do những trận đòn thù lại càng thêm bệnh tật, lở loét. Tù nhân nam phải tắm ở nhà tắm lộ thiên. Hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, Đỗ Nhuận, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1943- 1944 viết: "Ở nhà tắm lộ thiên, hoa sen bắt đầu phun nước, hàng trăm tù nhân tranh nhau đi tắm. Ai cũng được một phút “tráng vào” cho ướt mình, rồi lui ra kỳ cọ và giặt giũ nhờ tia nước ở trong bắn ra, khi “tráng ra” cũng chỉ được một phút. Ban Trật tự quy định: mỗi người khi tắm hoặc giặt chỉ được dùng hai “lập là” cơm (bằng một thùng xách nước).

Khu bể tắm hình bát giác, nơi các nam tù nhân thường tắm tập thể, được phục dựng lại theo nguyên mẫu

Bằng hình thức trực tuyến, những câu chuyện về đời sống sinh hoạt trong tù ngày ấy đã được Di tích Nhà tù Hỏa Lò đưa tới du khách trên kênh Spotify: Hoaloprisonrelic, qua đó giúp người nghe cảm nhận sâu sắc và hình dung rõ hơn về sinh hoạt kham khổ của tù chính trị. Tại không gian trưng bày, các tài liệu, hiện vật quý gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến công chúng.

 Trong tù ngục, mỗi sự cải thiện dù là nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt của tù nhân đều phải đánh đổi bằng máu, xương, bằng cả sinh mạng, nhưng mỗi lần như vậy là thêm một lần bản lĩnh chính trị của người cộng sản được tôi luyện, tinh thần đoàn kết càng thêm xiết chặt. Nơi lao tù khổ ải, anh chị em luôn nhường cơm sẻ áo, quan tâm, chăm sóc cho nhau khi ốm đau bằng những lời động viên chân tình, nhường cho nhau từng viên thuốc, quả bàng, bát cháo. Tình bạn, tình đồng chí trong ngục tù vẫn thắm thiết, ấm áp yêu thương đã góp phần nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt, niềm tin về ngày mai tươi sáng.

Không gian trưng bày chuyên đề Thắp lửa yêu thương

Chủ đề Lửa thiêng cháy mãi giới thiệu những hình ảnh thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống của cha anh, chung tay lan tỏa ngọn lửa của lòng yêu thương, tình tương thân tương ái trong xã hội. Ngọn lửa thiêng ấy đã góp phần thắp lên niềm tin, tạo động lực to lớn, để mỗi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, để xây dựng đất nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.

Theo BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bằng tinh thần đoàn kết, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đại dịch Covid-19 hay trong bão lũ, chúng ta được thấy nhiều hình ảnh các chiến sĩ thầm lặng không quản hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch; những chuyến bay đưa người từ vùng dịch trở về; những hoạt động sẻ chia yêu thương trong cả nước, thể hiện sự chung sức vì cộng đồng “thương người như thể thương thân”. Đó là những minh chứng của sức mạnh, của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc luôn được khẳng định và phát huy.

Trưng bày Thắp lửa yêu thương dự kiến kéo dài đến hết tháng 12.2021 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo BTC, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, kênh phát thanh trực tuyến duy nhất của Di tích Nhà tù Hoả Lò sẽ được phát hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc. Cùng với đó là những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện cảm động được thường xuyên cập nhật trên fanpage của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

BẢO PHƯƠNG, ảnh: AN MINH

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top