Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng nông thôn mới là làm sao cho nông thôn trở thành nơi đáng sống

Thứ Ba 27/07/2021 | 13:58 GMT+7

VHO -  Sáng nay, 27.7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để người dân mong muốn thoát nghèo và nông thôn phải trở thành nơi đáng sống. 

Đầu tư cho con người quyết định thành công của giảm nghèo bền vững

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao về ý nghĩa của CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Một số ý kiến nêu rõ, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục tồn tại, hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, từng bước tăng tính bền vững của kết quả giảm nghèo, nâng cao đời sống của một bộ phận nhân dân; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; cũng như hiện thực hóa các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Tuy nhiên, những năm qua, chính sách giảm nghèo của chúng ta vẫn còn một số những tồn tại, trong đó yếu tố giảm nghèo bền vững còn chưa thành công, một số hộ đã thoát nghèo lại tiếp tục tái nghèo.

Để khắc phục bất cập trên, Đại biểu Nguyễn Mai Hoa, Đoàn Đồng Tháp đề xuất cần tiếp cận giảm nghèo theo tư duy: chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và quan tâm kinh tế hộ, nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Đại biểu Nguyễn Mai Hoa bày tỏ quan điểm: Cần sự đổi mới tư duy trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi là hướng phải tiếp cận. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế về chính sách nguồng lực và hướng dẫn. Bản thân hộ nghèo phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để người dân mong muốn thoát nghèo. Trong thiết kế chính sách cần quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vì có ranh giới của những hộ này rất mong manh.”

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại nghị trường

Đề xuất đổi mới xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng chú trọng đầu tư cho con người, đại biểu Quốc hội dẫn chứng: 5 năm qua đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn, 90% học viên sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Duyên, Đoàn Thái Bình kiến nghị để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đề nghị Chính phủ rà soát bổ sung bố trí đầu tư các trường nghề chất lượng cao.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị, phải có sự tính toán và mô hình đào tạo nghề phù hợp để tránh lãng phí. Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Yên Bái kiến nghị: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sụ hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần xem lại đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm ổn định sau quá trình đào tạo nên gây ra không ít lãng phí vì vậy Chương trình phải có sự tính toán, rút kinh nghiệm sâu sắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Nông thôn phải là nơi đáng sống

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến đại biểu thảo luận ở Hội trường cho rằng: khu vực nông thôn hiện đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững. 

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, thảo luận tại nghị trường.

Ghi nhận 156 ý kiến phát biểu tại thảo luận tổ và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường sáng nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thú thật đó là áp lực rất lớn. Bộ trưởng thống nhất với các đại biểu, rằng mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới của chúng ta có thể nói là chỉ tiêu này đạt được, chỉ tiêu kia không đạt được, nhưng quan trọng là làm sao nông thôn là nơi mà chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 đã tổng kết qua ba chữ "to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử", nhưng vẫn còn những bất cập như ý kiến trao đổi của các đại biểu. Tuy nhiên "sẽ không để trống các xã nông thôn mới, tức là chương trình nông thôn mới phải phủ kín tất cả 63 tỉnh, thành, không để trống bất kỳ một địa phương nào" - Bộ trưởng khẳng đinh. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan  cho rằng, xây dựng nông thôn mới là làm sao đề nông thôn là nơi đáng sống, nông dân phải là trụ cột của tam nông và phải xây dựng bản sắc văn hoá làm hồn cốt của nông thôn.

Hoàng Hương; Ảnh: Trần Huấn

 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top