Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tìm lại chỗ đứng cho kịch truyền hình

Thứ Hai 26/07/2021 | 09:25 GMT+7

VHO- Đã từng một thời “làm mưa làm gió” nhưng rồi kịch truyền hình dần yếu thế khi nhiều loại hình giải trí mới mẻ ra đời. Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của Covid-19, giải trí trên các kênh online, chương trình truyền hình… là sự lựa chọn của hầu hết khán giả. Nắm bắt cơ hội, nhiều nghệ sĩ tâm huyết, có kinh nghiệm làm kịch truyền hình đã chung tay góp sức với mong muốn đưa loại hình này trở lại thời hoàng kim.

 Những vở hài kịch trên sóng truyền hình sẽ giúp cho người dân bớt lo âu, căng thẳng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 (trong ảnh là vở diễn “Vui thôi đừng vui quá” của HTV)

 Những vở kịch vui phát trên màn ảnh nhỏ sẽ giúp cho người dân bớt lo âu, căng thẳng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, qua đó nâng cao tinh thần phòng, chống dịch.

Bắt nhịp nhanh với đời sống

Với khẩu hiệu Ở nhà xem kịch, né Covid-19, để phục vụ công chúng xuyên suốt mùa dịch, một loạt vở kịch xã hội đã lần lượt được phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 của Đài TH TP.HCM và tạo nên những khởi sắc mới. Là hai chuyên đề kịch thu hút người xem hiện nay của sân khấu HTV, Siêu thị cười Chuyện bốn mùa đã mang lại những thông điệp bổ ích, có giá trị và tính thời sự rõ rệt. Nếu Siêu thị cười (30 phút/tập) dùng hình thức hài kịch để châm biếm thói hư, tật xấu từ đầu làng đến cuối xóm, thì Chuyện bốn mùa (60 phút/tập) lại mang đến một chút bi, một chút hài, gửi gắm đến khán giả thông điệp hãy biết quan tâm đến mọi người xung quanh, với Xem bói online, Ngày về, Nhà tôi ba đời, Cha nuôi con nuôi, Làm mẹ trên mạng, Tiện chưa chắc lợi, Nhậu sinh thái, Nước đục thả câu, Hoa phong ba, Người giúp việc, Tứ đại đồng đường, Nhà phải có nóc, Con heo đất, Bữa cơm thời hiện đại, Quan mùi may áo, Phép tính trong tình yêu, Khu phố 4G… đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc với ngồn ngộn vấn đề. Hay mới đây nhất, vở kịch Con đò của mẹ do Nhà hát CAND tổ chức dàn dựng cũng đã chính thức lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1.

Với độ dài từ 30-60 phút, các vở diễn đi sâu vào nhiều vấn nạn xã hội như xem bói trên mạng, lừa đảo trong điều trị bệnh, cách giáo dục con cái thời công nghệ 4.0, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm… những vấn đề dân sinh liên tục được cập nhật qua lăng kính sân khấu, đòi hỏi các nghệ sĩ phải vào vai nhanh chóng. Thế nên, đa số diễn viên tham gia hai chương trình này, từ trẻ nghề cho đến gạo cội đều phải đọc báo, xem đài, nhìn nhận đúng đắn các vấn đề “nóng” để chuyển tải đến khán giả những thông điệp có giá trị qua vai diễn của mình. Bên cạnh một số tác giả kịch bản tên tuổi, các cây bút trẻ có tiềm năng cũng được Nhà đài khai thác để làm đa dạng nguồn kịch bản và dễ dàng tiếp cận khán giả. Hiện trong dàn đạo diễn đang hoạt động tích cực có những gương mặt nổi bật như Hoàng Duẩn, Thu Hồng, Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh, Vũ Huân… cùng sự tham gia của các đạo diễn điện ảnh trẻ đã giúp sân khấu truyền hình thêm nhiều màu sắc.

Giờ nào cũng chiếu… trừ giờ vàng

Hiện các đài truyền hình tạo dựng và duy trì hoạt động những kênh nội dung dành cho nhiều đối tượng khán giả, từ kênh thiếu nhi, gia đình, kênh thể thao, giải trí tổng hợp, kênh phụ nữ, mua sắm tiêu dùng, du lịch cuộc sống…, tuy nhiên vẫn chưa có một kênh riêng biệt dành cho loại hình sân khấu. Bên cạnh đó, chương trình sân khấu cũng không được phát sóng vào các khung giờ vàng hằng ngày bởi hầu hết đều dành cho gameshow, truyền hình thực tế và phim truyện. Nhìn vào lịch phát sóng của VTV và HTV dễ thấy có quá nhiều khung giờ phát sóng khiến sân khấu yếu thế và khó tiếp cận với khán giả. Trong tuần, VTV có những giờ phát sóng chương trình sân khấu vào 1h25’, 1h30’, 1h50’, 10h, 14h… Hai kênh chính của HTV lâu nay duy trì thực hiện các chương trình sân khấu Chuyện bốn mùa, Nghệ sĩ và sàn diễn, Siêu thị cười... nhưng giờ phát sóng cũng rơi vào những thời điểm khán giả khó đón xem như 23h, 23h30’, 1h , 3h, 14h30’... Chưa kể một số chương trình chỉ phát sóng mỗi tháng một lần, vào Chủ nhật giữa tháng hay Chủ nhật tuần thứ 3, thứ 4 trong tháng. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, người dân quay trở lại với những công việc thường ngày, thì việc theo dõi kịch truyền hình vào các khung giờ “oái ăm” sẽ là điều khó có thể.

Thời gian tới, sân khấu HTV lên sóng chương trình Hài kịch 5 phút, phát sóng hằng đêm trên HTV9 lúc 20h50’ và phát lại trên HTV7 vào sáng hôm sau. Đây là một bước đi quan trọng và cần thiết trong giai đoạn kịch truyền hình đang trên đà khởi sắc. Các tiểu phẩm hài ngắn đều dựa vào sự kiện nổi bật được dư luận quan tâm và thông qua những tình huống vừa lạ vừa quen, đây sẽ là “liều thuốc bổ” giúp cho người dân bớt lo âu, căng thẳng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, qua đó nâng cao tinh thần phòng, chống dịch. Hiện các tiểu phẩm Nhậu online, Khúc ca ơn đời, Không gian này là của ai?, Đánh cờ online, Tin vịt, Tưởng không vui... vui không tưởng… đã được ghi hình và chờ ngày lên sóng.

Thế nhưng, để kịch truyền hình tìm được chỗ đứng thì bên cạnh khung giờ phát sóng thuận lợi, nội dung vở diễn có hấp dẫn hay không mới là điều kiện tiên quyết để giữ chân khán giả. Nếu vở diễn thật sự thu hút thì khán giả sẽ nhiệt tình ủng hộ, đón xem, bất kể giờ giấc nào. Chính vì vậy, để các tác phẩm sân khấu rút ngắn khoảng cách với công chúng màn ảnh nhỏ, rất cần chú trọng đến nhu cầu thực tiễn của người xem là họ đang cần gì, muốn gì, để từ đó tìm ra “chìa khóa” mở lối cho loại hình này trở về thời kỳ hoàng kim như nó vốn có. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top