Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát gói hỗ trợ Covid-19

Thứ Tư 21/07/2021 | 12:34 GMT+7

VHO - Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) đề nghị cần có kịch bản phù hợp với việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó nên bố trí nhân sự tham gia các Đoàn giám sát, lãnh đạo Đoàn giám sát phải có danh sách mở để có thể thay thế khi cần thiết.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng nay (21.7) thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tóm tắt tờ trình về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ảnh: Quốc hội

Đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 127 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. 

Theo đó, UBTVQH đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. 

Chuyên đề 1, giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01.7.2016 đến ngày 01.7.2021.

Riêng chuyên đề 4 về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Chuyên đề này chưa được lựa chọn.

Các Đại biểu thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022

Cũng theo Tờ trình, đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, UBTVQH sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp.

Đóng góp ý kiến vào dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị cần có kịch bản phù hợp với tình hình thực tế khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch

“Việc đi lại sẽ khó khăn giữa các vùng bị phong tỏa, nên QH cần có kịch bản cho từng tình huống có thể xảy ra. Đề nghị cần có danh sách mở khi bố trí nhân sự tham gia Đoàn giám sát, lãnh đạo Đoàn giám sát. Từ đó có thể thay thế khi cần thiết. Có thể thực hiện theo phương án: Lãnh đạo Đoàn giám sát ở địa phương nào thì phân công giám sát luôn ở khu vực đó.”- Đại biểu Ngân đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận

Quan tâm đến vấn đề hậu giám sát, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu thực tế, các báo cáo hậu giám sát rất ít, không biết sau giám sát, các địa phương, đơn vị thực hiện thế nào. UBTVQH cần phân tích vấn đề này để lưu ý triển khai. Cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu, tổ đại biểu muốn thực hiện quyền giám sát của mình. Cần cơ chế, hướng dẫn để khi đại biểu QH thấy vấn đề nóng bỏng, thì có thể hợp sức để giám sát ngay. 

“Về 4 chuyên đề UBTVQH đưa ra, tôi đồng tình. Hai chuyên đề đầu về tiết kiệm chống lãnh phí, quy hoạch rất cần thiết giám sát tối cao. Hai chuyên đề sau có thể giám sát chuyên đề. Tuy nhiên, tôi có thêm suy nghĩ, thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, từ năm 2020 và hiện đang bùng phát tại nhiều địa phương và có thể kéo dài đến năm 2022. Ngoài Chiến dịch tiêm vaccine, vấn đề án sinh xã hội rất quan trọng để ổn định đời sống của người có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ đã có gói hỗ trợ 62.000 tỷ và năm nay 26.000 tỷ đồng. Tôi đề nghị cần giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ này…”- Đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định), việc giám sát tối cao của QH rất cần thiết. Theo đề nghị của các Đoàn đại biểu QH, có rất nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực được đề nghị giám sát. Trước nhiều đề nghị như vậy, phải “liệu cơm gắp mắm”. 

Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu tại phiên thảo luận

“Vấn đề tồn tại chưa quan tâm từ trước đến này là hậu giám sát. Đề nghị lần này, QH quan tâm khi lập chương trình thì có việc hậu giám sát để giao cơ quan đơn vị nào, cá nhân nào thực hiện theo dõi báo cáo QH. Các địa phương, đối tượng được giám sát có kết quả gì, thực hiện ra sao? Nếu không, sẽ như “lưỡi dao chặt xuống nước” thì không hiệu quả. Tổ chức giám sát công phu nhưng kết quả thực hiện kiến nghị thế nào phải rõ.”- Đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Cho rằng, việc xây dựng Chương trình giám sát của QH đang “ăn đong” hàng năm, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phân tích: Việc xây dựng Chương trình giám sát của QH được xây dựng theo chuyên đề hàng năm. Với cách làm như vậy, QH sẽ chọn được những vấn đề cấp thiết, bức xúc mà thực tiễn đặt ra để giám sát. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết những vấn đề ngăn hạn. Đại biểu đề nghị UBTVQH cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của QH và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ.  

Đại biểu Hoàng Đức Thắng  phát biểu tại phiên thảo luận

 “Đề án cần định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa 15. Trên cơ sở đó, hàng năm, QH sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định những nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, đảm bảo tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong tình hình phát sinh đột xuất thì UBTVQH xem xét báo cáo với QH để điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát phù hợp hơn.”- Đại biểu Hoàng Đức Thắng kiến nghị.

Theo UBTV QH, bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 14, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế như: thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động “hậu giám sát” còn hạn chế, chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá... 

Nguyên nhân là do một số nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát…

HOÀNG HƯƠNG

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top