Giới làm phim tương trợ lẫn nhau qua mùa dịch

VHO- Rạp chiếu đóng cửa, phim đã làm thì “đắp chiếu”, phim mới thì không thể bấm máy… đó là tình trạng của điện ảnh Việt suốt nhiều tháng qua. Đời sống của không ít nghệ sĩ, nhân viên, hậu đài... rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thay vì “ngồi yên chịu trận”, giới làm phim đã cố gắng tìm cách đùm bọc, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để vượt qua dịch bệnh.

Giới làm phim tương trợ lẫn nhau qua mùa dịch - Anh 1

 Phía sau thành công của mỗi bộ phim là cống hiến thầm lặng của nhân viên trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh, ánh sáng, hậu đài...

 TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những công nhân trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh, ánh sáng của các đoàn phim bế tắc vì không còn phương tiện mưu sinh. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Đa phần họ là lao động tự do, lĩnh lương ngày, lương tuần theo từng công việc, nhất là bộ phận ánh sáng, thiết kế, phục vụ hiện trường… Dịch bùng phát, nhiều người phải chạy ăn từng bữa, rồi lo tiền thuê trọ hằng tháng. Thế nên tôi quyết định kêu gọi sự chung tay của mọi người”. Anh đã khởi xướng ý tưởng thành lập một nhóm kêu gọi các nhà sản xuất, đạo diễn giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong ngành phim và lập ra Quỹ hỗ trợ FILMMAKER.

Ban đầu, anh đăng một đường link để những người có hoàn cảnh khó khăn vào đăng ký, đã có hơn 1.100 trường hợp liên hệ xin được giúp đỡ. Chỉ sau 5 ngày kêu gọi, Quỹ nhận được sự hưởng ứng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Võ Thanh Hòa, diễn viên Phương Anh Đào, MC Liêu Hà Trinh, người mẫu - diễn viên Chế Nguyễn Quỳnh Châu, diễn viên Trương Quỳnh Anh... cùng nhiều vị khán giả với số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng. Trước đó, anh dự định gửi voucher siêu thị trị giá 1,5 triệu đồng cho từng người nhưng sau đó lại quyết định chuyển khoản tiền mặt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xúc động: “Thật lòng mới đầu chỉ nghĩ mình và vài người bạn có thể chia sẻ khó khăn với khoảng 100 đồng nghiệp đang khó khăn theo khả năng của nhóm. Khi nhận thông tin đăng ký cần hỗ trợ lên đến cả nghìn người thì mình hơi hoảng. Nhưng thật sự trân quý khi có nhiều đồng nghiệp, Mạnh Thường Quân, khán giả đã nhiệt tình ủng hộ, đóng góp nên hiện chúng mình có thể chia sẻ khó khăn với khoảng hơn 500 người”. Và đạo diễn cũng xin lỗi những ai chưa nhận được hỗ trợ vì kinh phí của Quỹ có hạn, tuy nhiên nhóm có thể làm cầu nối gửi link tìm việc làm tạm thời để những người đang khó khăn có thêm thu nhập và sớm quay trở lại công việc.

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim gần như tê liệt do phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Doanh thu từ chiếu và phát hành phim gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gồng gánh đủ loại chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên... Mới đây, nhiều “ông lớn” trong ngành điện ảnh đã cùng nhau ký vào văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có kiến nghị hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt, giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi rạp hoạt động trở lại...

Chỉ tính 10 năm từ 2010-2019, thị trường điện ảnh phát triển sôi động và đã tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm, từng bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: “Ở thời điểm dịch Covid-19 còn đang phức tạp, đề xuất cho mở cửa rạp chiếu phim là không phù hợp, bởi không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Cục sẽ thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại bằng cách phối hợp tuyên truyền kích cầu, tạo điều kiện thẩm định và phân loại phim nhanh hơn để sớm đưa phim ra rạp…”. Xung quanh kiến nghị về tài chính hỗ trợ kinh doanh, lãnh đạo Cục nhắc lại, các biện pháp cụ thể về tài chính như thuế, nguồn vốn, bảo hiểm sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 30 ngày 10.3.2021 của Chính phủ.

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên khắp các tỉnh, thành nước ta. Với tâm nguyện “cộng đồng nhỏ giúp sức cho cộng đồng nhỏ”, giới làm phim đã cố gắng tìm cách đùm bọc nhau bằng cả vật chất lẫn tinh thần, nương tựa vào nhau, động viên nhau để cùng đồng bào cả nước vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất. 

 BÁ TRƯỜNG

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc