Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Một đời tâm huyết với di sản võ cổ truyền

Thứ Hai 19/07/2021 | 11:57 GMT+7

VHO- Là truyền nhân của đường roi nghịch nức danh của dòng họ Hồ, bằng tình yêu, tâm huyết với võ cổ truyền, đại võ sư Hồ Sừng (Hồ Văn Sừng, SN 1938) ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã phát dương quang đại võ thuật Hồ gia, góp phần gìn giữ và truyền dạy võ cổ truyền đến các lớp trẻ.

Suốt bao năm qua, võ đường Hồ Sừng là nơi trao truyền võ cổ truyền cho nhiều thế hệ

Ông cũng là 1 trong 4 Nghệ nhân Ưu tú của Bình Ðịnh được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021.

Nối nghiệp cha ông, năm 1976, ông mở võ đường để truyền dạy võ thuật. Song, những năm đầu lập nghiệp sau ngày đất nước thống nhất, võ đường gặp không ít khó khăn, thế nhưng sau đó võ sinh tìm đến học và dần ổn định, phát triển cho đến ngày hôm nay.

Nhắc đến đường roi làm nên thương hiệu của họ Hồ lừng danh, đại võ sư Hồ Sừng khiêm tốn cho hay: “Roi thường làm bằng gỗ dẻo, tre đặc, to nhỏ tùy theo người sử dụng. Một bài roi gồm lời thiệu và động tác. Động tác là các đòn thế công, thủ theo các phách cơ bản như bát, bắt, triệt, chận… nhằm triệt phá các đòn tấn công của đối phương; và hoành, khắc, lắc, tém… vừa thủ vừa công”. Ông cho rằng, cái đặc biệt của roi Hồ gia là có thể vừa thủ vừa công, trong thủ có công, trong công có thủ, linh hoạt ứng biến. Thủ thì kín kẽ, ngầm ẩn sự chuẩn bị phản kích bất ngờ, công thì nhanh, hiểm hóc. Dù vậy tất cả đều đòi hỏi sự rèn luyện nghiêm khắc. Có tinh thông, nhuần nhuyễn thì đòn roi mới chính xác, hiệu quả. Mà thật ra, đòn roi hay bất kỳ binh khí, quyền cước nào khác cũng thế thôi, đều đòi hỏi khổ luyện và sáng tạo.

Suốt bao năm qua, không chỉ ở huyện Tây Sơn, mà nhiều địa phương khác, nghe danh võ đường Hồ Sừng nhiều môn sinh cũng lặn lội tìm đến bái sư. Là người luyện võ, đại võ sư Hồ Sừng không muốn các môn sinh, cháu con của mình nặng cái chất võ biền nên ông chú trọng việc học văn hóa, lễ nghĩa, cách ứng xử của học trò. Khi nhận học viên, lão võ sư luôn chú ý mà xem tướng xem tâm, nếu ai đó hung hăng thì có cách kết hợp với gia đình để uốn nắn. Ông luôn căn dặn học trò mình, học võ phải giữ cái tinh thần thượng võ, trước là phòng thân, rèn luyện sức khỏe, sau là làm việc có ích cho người, cho đời chứ không phải ỷ mình có chút ngón roi, đường quyền mà càn quấy.

Được biết, võ đường Hồ Sừng hiện có 1 đại võ sư, 1 võ sư cao cấp, 26 võ sư và 400 HLV xuất phát từ võ đường, hằng năm có từ 500 - 600 võ sinh trong và ngoài tỉnh đến thụ giáo. Đến nay, võ đường Hồ Sừng do võ sư cao cấp Hồ Sỹ (Hồ Văn Sỹ) làm chưởng môn đời thứ sáu. Có thể nói, trong những năm qua, Võ đường Hồ Sừng là một trong số các võ đường tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, là vệ tinh cung cấp cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định nhiều VĐV có tố chất tốt. Hoặc con cháu của ông tham gia dạy võ tại Bảo tàng Quang Trung, làm huấn luyện viên võ thuật... tất cả đều có điểm chung vì sự nghiệp, chung tay góp sức phổ biến, lan tỏa tình yêu võ cổ truyền.

Không những thế, để bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Bình Định - Tây Sơn nói riêng, thời gian qua, các cấp các ngành đã đầu tư nâng cấp tuyến đường vào võ đường Hồ Sừng. Đại võ sư Hồ Sừng được chọn là một trong những võ sư tiêu biểu cung cấp các bài võ cổ truyền và các bài thuốc gia truyền độc đáo cho Hội đồng nghiên cứu - bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh; được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lich tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa; được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều Bằng khen, giấy khen do có đóng góp xuất sắc trong gìn giữ di sản.

Võ sư Hồ Sỹ, chưởng môn Võ đường Hồ Sừng bộc bạch: “Ngày nay, việc giữ gìn và phát huy võ cổ truyền không phải chỉ là chuyện riêng của Võ đường Hồ Sừng chúng tôi nữa, mà là của đông đảo người mộ võ Bình Định. Bởi, võ cổ truyền đã là di sản văn hóa phi vật thể. Ý thức được điều này nên anh em, con cháu Hồ gia nỗ lực truyền dạy rộng rãi những tinh hoa võ thuật để gìn giữ di sản nói chung, bồi đắp cho truyền thống võ đường nói riêng”. 

THUẬN NINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top