Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

“Vải thưa” không che được con mắt “xịn”

Thứ Sáu 16/07/2021 | 11:59 GMT+7

VHO- Với sự hỗ trợ của cộng sự “ảo” đắc lực là mạng xã hội, không biết do vô tình hay cố ý mà hàng loạt góc khuất của nhiều nghệ sĩ được lộ ra. Không một điều gì mà người ta không sẵn sàng bày lên, từ chuyện dĩ vãng đến đời tư cá nhân, từ phát ngôn đến hành động, từ chuyện làm từ thiện đến các vụ kiện tụng, tranh chấp tình - tiền... khiến công chúng cảm nhận được chuyện đời, chuyện nghề của nghệ sĩ đầy rẫy những mảng tối đến giờ mới được “khui ra ánh sáng”. Thông tin sâu kín, thậm chí rất riêng tư được khai thác triệt để, những cuộc đăng đàn khẩu chiến, thanh minh và thách đố nhau... khiến cho người trong cuộc thì “bấn loạn” tìm cách đối phó; cộng đồng mạng thì dậy sóng bình luận, chia sẻ đến chóng mặt...

 Có thể nói, khi xuất hiện những tin giật gân về nghệ sĩ này, “drama” đình đám của nghệ sĩ nọ, một bộ phận cộng đồng không nhỏ “khắc khoải” mong chờ diễn biến tiếp theo trong livestream của những nhân vật “hot”, rồi đoán già đoán non phản ứng của họ ra sao trong livestream tiếp theo... Đó dường như là bộ phim dài tập được “đạo diễn” bởi những cư dân mạng, phủ sóng ở khắp mọi nơi từ nhà ga, sân bay, trên xe bus, công viên, trong công sở và ngay cả smart phone trên tay những đứa trẻ cũng văng vẳng giọng livestream quen thuộc. Cộng đồng mạng càng cổ xúy thì những người trong cuộc càng có thêm động lực để nói nữa, nói mãi…

Thực tế, trong chuỗi khẩu chiến bất tận ấy có cả chủ ý tạo scandal của một số nghệ sĩ tự “dìm” mình xuống để cộng đồng “kéo” cho nổi lên. Thậm chí, trong một số gameshow, các nhà sản xuất cũng cố tình tạo ra những “nút thắt” giật gân bằng phát ngôn của những người tham gia hoặc vô tình hay cố ý để lộ những thông tin đời tư của nhân vật, hoặc “tạo sạn” để gây sự chú ý, tạo drama cho chương trình. Nhưng không thể phủ nhận rằng, chính cộng đồng mạng là tác nhân chính đẩy những kịch tính đó lên đến cao trào, tạo thành những thứ “hỗn tạp” khiến văn hóa nghe nhìn bị “nhiễm độc”, vẩn đục bởi những thông tin lãng xẹt, vô bổ.

Và thế là không gian mạng không còn chỗ cho những lời hay, ý đẹp, những thuần phong mỹ tục, nghĩa cử cao đẹp hay gương người tốt... dẫn đến hệ lụy là ngay cả những đứa trẻ còn chưa thuộc hết bảng chữ cái đã thuộc làu tên ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng với những phát ngôn shock, những bê bối tai tiếng chứ không phải những sản phẩm nghệ thuật chân chính. Mạng xã hội phát triển phản ánh một khía cạnh mới của văn hóa nhưng những thông tin xấu, độc lại trở thành “phản văn hóa”, “phản giáo dục” khiến nền tảng tinh thần xã hội đang bị đe dọa nghiêm trọng. Phải chăng cộng đồng quá dễ dãi? Hay một bộ phận nghệ sĩ Việt lắm chiêu trò với những sản phẩm chất lượng thì ít mà lố lăng thì nhiều? Câu trả lời chưa có hồi kết, song chắc chắn rằng, để những nội dung phản văn hóa đó lan truyền, sinh sôi, nảy nở và phát triển rầm rộ như hiện nay một phần lỗi là do sự đồng thuận, “tiếp tay” từ cộng đồng.

Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng đã nêu rõ, trong xây dựng con người phải “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”... Xét đến cùng, văn hóa là nghệ thuật của cái đẹp, mọi hoạt động của văn hóa cũng đều vận động theo quy luật của cái đẹp. Muốn hiểu đúng cái đẹp cần phải giáo dục để mọi người dân nhận biết đúng đắn chuẩn mực, giá trị của cái đẹp. Hơn bao giờ hết, cộng đồng hay những người của công chúng hãy xây dựng, tạo lập cho mình một “màng lọc văn hóa”, không cho phép, không cổ xúy những thứ “rác” văn hóa được phép tồn tại, lưu hành. Khi mỗi cá nhân tự thanh lọc được chính mình, tự tạo “kháng thể” trước những thông tin xấu độc thì ắt sẽ góp phần “giải độc” cho không gian mạng hiện nay. Những nghệ sĩ phải tạo cho mình thứ “màng lọc” trong cuộc sống, trong ứng xử, phát ngôn, trong hoạt động nghề nghiệp để trở thành người của công chúng ở khía cạnh là sứ giả truyền bá những giá trị văn hóa chứ không phải “người của số đông” bởi chính những chuỗi bê bối của mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các nhà đài, các đơn vị báo chí, truyền thông cũng cần một "màng lọc" dày hơn, nhiều lớp hơn, hiệu quả hơn để kịp thời thanh lọc “vi khuẩn”, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn. 

MINH TÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top