Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Khi học sinh say mê trải nghiệm​ di sản văn hóa

Thứ Sáu 09/02/2018 | 09:35 GMT+7

VH- Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Điều này đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa ở thế hệ trẻ, giáo dục học sinh biết trân quý những giá trị lịch sử của ông cha để lại…

Học sinh bậc tiểu học hào hứng xem nghệ nhân nghề gốm Phước Tích quảng diễn

Trải nghiệm ở làng di sản

Trong chuyến về làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) những ngày đầu năm 2018, gần 200 học sinh khối lớp 3 của Trường Tiểu học Quang Trung (TP Huế) đã có buổi tham quan và trải nghiệm những giá trị văn hóa của làng. Các em đã được đến nhiều điểm di tích như Miếu Cây thị, lò gốm truyền thống hơn 500 năm, thăm các nhà rường cổ nổi tiếng có giá trị nghệ thuật kiến trúc… Dù con đường đến làng cổ khá xa, với khoảng cách hơn 50 km nhưng các học sinh nhỏ tuổi đã rất háo hức với làng di sản. Em Trương Thụy Ánh Minh chia sẻ: “Trong chuyến về làng cổ Phước Tích lần này, em đã được tham quan và hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa của làng. Được tham quan nhà rường cổ, lò gốm xưa và trải nghiệm làm gốm từ các nghệ nhân của làng làm em rất thích thú”.

Cô Thân Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết, việc tổ chức các chương trình ngoại khóa về với các điểm di tích, di sản cho học sinh không chỉ giúp các em có thêm những hiểu biết về lịch sử, mà còn xây dựng cho các em những đức tính tốt nhằm bảo tồn, giữ gìn giá trị truyền thống của người xưa. “Không chỉ đến tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Phước Tích, chúng tôi cũng tổ chức cho các học sinh đến tham quan và dâng hương tại di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền)”, cô Thu Hà nói.

Theo anh Đoàn Quyết Thắng, Phó ban Quản lý Làng cổ Phước Tích, từ năm 2016, Ban Quản lý đã xây dựng chương trình “Học sinh về với di sản” thông qua ngành Giáo dục. Ban đầu, chương trình được triển khai cho học sinh tại huyện Phong Điền, sau đó mở rộng ra khắp tỉnh. “Các đoàn tham quan, trải nghiệm của học sinh tại làng cổ gần như được miễn phí; phụ huynh chỉ đóng kinh phí ăn uống cho con em mình”, anh Thắng nói.

Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) trong một chương trình ngoại khóa về tìm hiểu di sản tại Hoàng cung Huế

Học sinh quảng bá Nhã nhạc ra thế giới

Nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) cũng đã xây dựng đề án truyền dạy các giá trị di sản phi vật thể cho học sinh. Tại trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế), từ năm 2014 đến nay, các nghệ sĩ của nhà hát đã truyền dạy múa hoa đăng- một loại hình nghệ thuật múa truyền thống trong cung đình xưa và Nhã nhạc cung đình Huế. Lớp học ngoại khóa này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, qua đó đã phát hiện ra nhiều em có năng khiếu biểu diễn.

Biên đạo múa Mai Trung, Bí thư Đoàn cơ sở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Việc phối hợp với trường THPT Nguyễn Huệ đã đưa lại những hiệu quả tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở thế hệ trẻ. Trong 3 năm liên tục trở lại đây, các học sinh của trường này đã chọn các tiết mục biểu diễn Nhã nhạc cung đình và múa cung đình để biểu diễn tại các kỳ Festival học sinh quốc tế ở một số nước như Thái Lan, Singapore… Qua đó, đã quảng bá và giới thiệu các giá trị di sản phi vật thể của Huế đến với bạn bè quốc tế.

Ngoài trường THPT Nguyễn Huệ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cũng duy trì các lớp ngoại khóa ở trường Tiểu học Cư Chánh (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Các mô hình câu lạc bộ “Âm nhạc cung đình” và “Em yêu dân ca Huế”… của trường cũng được thành lập và hoạt động đều đặn. Theo nghệ sĩ Mai Trung, ngoài việc tổ chức các khóa dạy về múa cung đình và nhã nhạc cung đình ở trường học thì Đoàn Thanh niên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản cho học sinh các trường học gần các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Sắp tới, phía Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cũng sẽ làm việc với Trường THPT Quốc học để triển khai các lớp học truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh của trường này.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Ngành Giáo dục đã phối hợp với Sở VHTT, TTBTDTCĐ Huế và các đơn vị trường học tổ chức giáo dục di sản văn hóa Huế cho học sinh, đặc biệt là thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo. Điều thuận lợi là trên địa bàn có nhiều điểm tham quan di tích, và có chính sách miễn phí cho học sinh ở các bậc học của toàn tỉnh. Hằng năm, các trường học đều có tổ chức cho học sinh có các chuyến tham quan học tập, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích như Đại Nội Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm của Bác Hồ tại Huế, các điểm lăng tẩm… Ngoài ra, tại một số trường học còn tổ chức truyền dạy các di sản phi vật thể như: hát Chầu văn, Ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế…

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường sử dụng hình ảnh di sản trong dạy học chính khóa đối với các môn học có liên quan như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, khoa học xã hội... Việc này không chỉ giúp quảng bá di sản văn hóa Huế đến những người trẻ, mà còn tạo được niềm tin yêu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở thế hệ trẻ”, ông Tân thông tin.

Thùy An

 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top