Di tích hồ Văn có 200 ngày để “hồi sinh”

VHO- Câu chuyện “hồi sinh” cho di tích hồ Văn (thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội) đã được rập rạp từ năm 2017, nhưng mãi gần đây mới sắp thành hiện thực. Sẽ có 200 ngày để hoàn thành việc tôn tạo, tu bổ di tích. Không gian sĩ tử bình thơ từ xa xưa đang được mong chờ sẽ sớm được hồi sinh.

Di tích hồ Văn có 200 ngày để “hồi sinh” - Anh 1

 Phối cảnh dự án tu bổ, tôn tạo hồ Văn

Hồ Văn vốn được xem như Minh đường án ngữ trước nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thế nhưng rất nhiều người dân Hà Nội còn không biết đây là bộ phận không thể tách rời của khu nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị hồ Văn đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, một thời gian dài, di tích này bị xao lãng, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất di tích và hiện tượng xây nơi thờ trái phép...

“Dự án tu bổ, tôn tạo hồ Văn có ý nghĩa quan trọng để trả lại cảnh quan di tích. Hồ Văn sau khi được tu bổ, tôn tạo sẽ tác động lớn đối với phát triển của tổng thể di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh. Đầu năm 2017, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương lập báo cáo kinh tế kỹ thuật phục dựng tòa Phương đình trên gò Kim Châu (hồ Văn). Qua quá trình lấy ý kiến cộng đồng, hoàn thiện phương án, đến tháng 5.2021, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo Sở VHTT Hà Nội, Công an thành phố, UBND quận Đống Đa, Ban Tôn giáo thành phố về việc đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trong những năm qua, bên cạnh những kết quả tích cực, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang phải đối mặt với sự xâm hại di tích, đặc biệt là khu vực gò Kim Châu nằm giữa hồ Văn.

“Chúng tôi có 200 ngày để hoàn thành công việc tôn tạo, tu bổ hồ Văn”, ông Kiêu cho biết. Sẽ có nhiều công việc triển khai như chỉnh trang đường đi lối lại trong khu vực hồ Văn, thi công các công trình làm đẹp hồ. Trước khi dự án chính thức được triển khai, hiện trạng các công trình trên gò Kim Châu được xây dựng tạm bợ, không phù hợp với kiến trúc truyền thống và thiếu ăn nhập với phong cách kiến trúc chung của di tích. Các vấn đề tồn tại trên gò làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan chung của khu di tích, làm sai lệch các giá trị vốn có của tổng thể khu di tích, ảnh hưởng đến hoạt động phát huy, khai thác giá trị hồ Văn nói riêng và di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung. Ngoài việc tổ chức một số sự kiện dịp lễ tết thì khu vực hồ Văn vẫn chưa thực sự được tham gia vào như một thành phần quan trọng của khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đáng chú ý, hiện trên gò Kim Châu còn tồn tại một gian thờ tự phát và 2 cây hương. Theo PGS Trần Lâm Biền, đây là những thành phần mới được đưa vào trong không gian gần đây, không nằm trong yếu tố gốc của di tích, cũng không liên quan đến lịch sử hình thành và phát huy giá trị của hồ Văn. Nếu cho tồn tại sẽ cổ xúy cho hành động mê tín dị đoan. Vì vậy, lần tu bổ này, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan di dời các thành phần trên đến một nơi thích hợp…

Thời gian qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã chủ trì nhiều cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng cư dân, các nhà khoa học về phương án di dời công trình tự phát, nhằm trả lại mặt bằng để phục vụ cho dự án bảo quản, tu bổ di tích. Theo dự án tu bổ, đáng chú ý là cây cầu đá sẽ được xây dựng dẫn sang gò, tòa Phương đình. Trước đây, mỗi khi di chuyển sang gò đều phải dùng thuyền. Sau khi tạm dừng hoạt động khu thờ tự phát, Trung tâm đưa thuyền lên bờ để tránh rủi ro. Cầu đá là giải pháp tối ưu khi tu bổ hồ Văn, được đặt ở phía Tây bắc hồ. Cầu xây bằng đá xanh Thanh Hóa, có chiều dài gần 17m, rộng hơn 2m chia làm 5 nhịp lớn, 4 hàng chân cột. Mảng trang trí cầu gắn với truyền thống dân gian, lan can cầu cao 0,95m được bọc toàn bộ đá xanh đục thô.

Công trình kiến trúc duy nhất trên gò là tòa Phương đình, xưa kia là không gian vịnh thơ của sĩ tử. Phương đình ở vị trí trung tâm của gò, nằm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Kiến trúc Phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái, đặt trên nền cao hơn so với mặt sân 0,45m. Kết cấu bộ khung gồm 16 cột gỗ, cột cái đường kính 320, cột quân bằng chất liệu đá để giảm thiểu các tác nhân gây hại như nắng, mưa cho hàng cột ngoài cùng; nền lát gạch Bát Tràng phục chế; chân tảng, bậc cấp bó vỉa chế tác bằng đá xanh Thanh Hóa; mái lợp ngói mũi hài... Bên cạnh đó, cảnh quan sân vườn ở khu vực hồ Văn cũng sẽ có diện mạo mới.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, việc phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu là hết sức cần thiết đối với tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng với khu vực hồ Văn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo một điểm thu hút du khách, nơi tổ chức các sự kiện liên quan tới các hoạt động chung của khu di tích. Với việc di dời gian thờ tự phát trên gò Kim Châu, sau khi phục dựng, tại Phương đình sẽ không có sinh hoạt tâm linh.

Các chuyên gia về di sản lưu ý, để hồ Văn thực sự được hồi sinh, ngoài các hạng mục tu bổ thì cần tính tới các hoạt động văn hóa, giáo dục gắn liền với di tích. Ở góc nhìn khác, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng, không gian hồ Văn hoàn toàn có thể trở thành một không gian sáng tạo đặc thù và cuốn hút của Hà Nội trong tương lai. Theo ông Thế, con đường chia đôi nội tự Văn Miếu với hồ Văn hiện nay đang khiến cho hai không gian mất đi sự gắn kết. Hà Nội có thể thí điểm biến đoạn đường này trở thành phố đi bộ ở một vài thời điểm trong năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa ở cả hồ Văn lẫn Văn Miếu. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu này đề xuất, Hà Nội cần có chính sách ưu đãi để tạo ra không gian sinh thái phù hợp cho khu vực Văn Miếu và vùng phụ cận, thay đổi diện mạo các cửa hàng dọc tuyến phố đối diện với Văn Miếu. 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc