Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài 2): Cơ hội sau đại dịch

VHO- Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát bằng sự chủ động ngăn ngừa của các địa phương với nhiều hình thức, trong đó tiêm vắcxin đồng bộ sẽ là phương án đẩy lùi dịch bệnh nhanh và hiệu quả nhất.

Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài 2): Cơ hội sau đại dịch - Anh 1

 Khách du lịch thưởng thức nho tại vườn ở Ninh Thuận Ảnh: THANH TÙNG

 Theo nhận định, sau dịch Covid-19 du lịch Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và xu thế phát triển du lịch ở nông thôn đang được rất nhiều tỉnh, thành quan tâm và là cơ hội lớn để làm bộ mặt vùng nông thôn khởi sắc.

Du lịch nông nghiệp chiếm ưu thế

Hiện nay, du lịch nông thôn có thể được chia thành 3 loại hình chính: Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cả 3 loại hình du lịch nói trên đều đang được các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chú trọng đầu tư phát triển, trong đó điển hình nhất là ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Trong 3 loại hình chính của du lịch nông thôn, thì du lịch nông nghiệp được dự báo chiếm ưu thế sau đại dịch Covid-19 và đang có những bước tiến đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hiện nay, địa phương chúng tôi có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù như vùng sản xuất nho, hành, tỏi, măng tây xanh (huyện Ninh Hải), sản xuất nho, táo (TP Phan Rang - Tháp Chàm), chăn nuôi dê, cừu (Ninh Hải), trồng rau màu (Ninh Phước)… có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện một số nhà vườn, chủ trang trại đã kết hợp giữa việc sản xuất và cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm ngay tại vườn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Nói về việc phát triển du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp - nông nghiệp Thái An (TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến tỉnh lộ 702, được ví là cung đường du lịch của Nam Trung Bộ, mỗi năm làng nho Thái An đón hàng ngàn lượt khách ghé thăm, mua sắm. Nhờ đó, nhiều hộ trồng nho đã có thu nhập khá từ mô hình sản xuất kết hợp cho du khách tham quan. Không chỉ khai thác du lịch từ các vườn cây ăn trái, hiện nhiều trang trại, cánh đồng chăn nuôi dê, cừu cũng đã được người dân, chủ doanh nghiệp ở Ninh Thuận đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Trong khi đó, Lâm Đồng lại có nhiều lợi thế bởi khí hậu mát lạnh, thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là những loại đặc sản, nông sản có ưu thế như rau, hoa, cây công nghiệp dài ngày, nuôi cá nước lạnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, dứa Ceydenne Đơn Dương, chuối La Ba, cá nước lạnh Đà Lạt... Cùng với đó là những mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương phát triển hàng đầu cả nước. Đây là những lợi thế để tỉnh Lâm Đồng phát triển du lịch canh nông thu hút khách du lịch, nhất là tại địa bàn TP Đà Lạt, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng...

Sẽ làm bộ mặt nông thôn khởi sắc

“Nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển du lịch nông nghiệp của Ninh Thuận, Sở VHTTDL đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề án phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nông nghiệp. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện sẽ làm cho việc giới thiệu sản phẩm đặc thù của vùng miền và địa phương thêm phong phú trong việc khai thác sản phẩm du lịch”, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Theo ông Hòa, để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về cách làm du lịch nông thôn. Khi người dân thấy rõ lợi ích giữa việc kết hợp các sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch mang lại, từ đó họ sẽ chủ động, tích cực tham gia. Thời gian tới, ngành cũng tăng cường mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân về cách làm du lịch; đẩy mạnh việc liên kết giữa các công ty du lịch và nhà vườn; khuyến khích, hỗ trợ mô hình du lịch nông nghiệp khởi nghiệp. Song song với đó, Ninh Thuận đang mở các tour đưa du khách khám phá làng nghề, đền tháp, di tích, các vườn nho, táo… tại các vùng nông thôn trong toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cái khó của phát triển du lịch nông thôn là sự đồng bộ, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cần sự đồng bộ về chính sách, hệ thống sản phẩm, nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Hiện chuyên môn nghiệp vụ về du lịch của người dân còn hạn chế, sản phẩm chưa rõ tính đặc trưng và chưa thu hút thật nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia, sự liên kết giữa các hộ nông dân và các đơn vị du lịch cũng chưa bền vững. Lâm Đồng đã ban hành đề án thí điểm xây dựng 2 mô hình du lịch canh nông nhằm hình thành mô hình mẫu hướng đến nhân rộng, phát triển trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Du lịch tỉnh cũng xây dựng các tour du lịch như tham quan nhà vườn, tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tham quan và trải nghiệm “một ngày làm nông dân”, “một ngày với nông nghiệp công nghệ cao”, du lịch homestay tại nhà vườn. Trước mắt, các nhà vườn được chọn sẽ vận hành thử sản phẩm, chuẩn bị các điều kiện để giới thiệu đến du khách trong dịp festival hoa sắp tới. Ngoài ra, ngành Du lịch Lâm Đồng còn khuyến khích các đơn vị du lịch nông nghiệp sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, phát triển du lịch nông thôn là xu thế tất yếu sau đại dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành nước ta. Khách du lịch cũng có nhu cầu đến các vùng quê thôn dã, khám phá đời sống của người dân, tìm hiểu văn hoá bản địa và thưởng thức đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nông thôn rất lớn, việc khai thác những tài nguyên này không chỉ giảm tải áp lực cho du lịch ở phần lớn các đô thị, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Bài 3: Những lợi ích vô giá

XUÂN HƯỚNG

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc