“Phú quý và lễ nghĩa” thời nay

VHO- Đạo đức xuống cấp do kinh tế hay văn hóa? Câu hỏi đã được thảo luận ở Quốc hội. Để trả lời câu hỏi này cần tìm hiểu mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa (phú quý và lễ nghĩa) ngày nay như thế nào?

Nếu cả “nền tảng của đạo đức xã hội... đang bị xuống cấp trầm trọng” - thì tại sao có những phong trào rộng lớn như: Cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung - có sự tham gia của mọi lứa tuổi, từ mọi miền đất nước? Làm sao có ATM gạo, có những phần ăn miễn phí, những cửa hàng 0 đồng cho người cách ly chống dịch, có những chương trình giúp đỡ những chiếc lá chưa lành...

 Và làm sao Việt Nam được thế giới xếp hạng là những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất? Những kẻ suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, lừa đảo, bạo lực gia đình và lối sống thác loạn... không phải là phần đông trong xã hội và quan trọng hơn, chúng không có tư cách đại diện cho cả “nền tảng đạo đức xã hội” của nước Việt Nam ngày nay. Nói theo hình tượng của nhà thơ Lưu Quang Vũ thì: “Cây táo đạo đức xã hội” Việt Nam vẫn nở hoa, mặc dù vẫn có những con sâu và những chiếc lá úa vàng.

Người xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc” nhưng thực tế cuộc sống phức tạp hơn nhiều. Nếu phú quý chỉ sinh lễ nghĩa - thì tại sao nước Mỹ giàu nhất thế giới nhưng mâu thuẫn xã hội lại phức tạp nhất - đó là nạn phân biệt chủng tộc, chia rẽ đảng phái, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, phân hóa giàu nghèo... Và tại sao nước Bhutan, GDP rất nhỏ nhưng lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới? Nếu bần hàn chỉ sinh đạo tặc - thì tại sao có những người rất giàu có như các “trọc phú” thời xưa và các “tài phiệt” thời nay, họ lại là những tên “siêu đạo tặc” vì đã chiếm đoạt tài nguyên và sức lao động của từng quốc gia.

Những nghịch lý nêu trên chứng tỏ văn hóa, đạo đức xã hội không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà còn liên quan trực tiếp đến những giá trị văn hóa phi vật thể như lịch sử, truyền thống, năng lực, tính cách mang tính đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu hoạt động văn hóa hoàn toàn dựa vào kinh phí do Nhà nước cấp thì chỉ làm được những việc “cờ, đèn, kèn, trống...”, nhưng văn hóa còn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn - đó là các loại hình sản phẩm du lịch, kể cả điện ảnh, âm nhạc, sân khấu... đều có thể tự nuôi sống và đóng góp vào GDP...

Như vậy, nâng cao mặt bằng văn hóa, đạo đức xã hội đương nhiên phải có cả hai mặt: Vừa phát triển kinh tế vừa hoạt động văn hóa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ mà còn phải có thực thi pháp luật và các quy chế hành chính chặt chẽ như những biện pháp không thể thiếu. Thực tế cho thấy, có những trường hợp vi phạm đạo đức xã hội - như nạn tham nhũng, lừa đảo, tội phạm thì không thể dùng biện pháp kinh tế và giáo dục mà phải trừng trị bằng pháp luật. Đối với những sai phạm khác như trên mạng xã hội cũng chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp hành chính nghiêm khắc mới có thể bảo vệ được những giá trị đạo đức và đời sống văn hóa lành mạnh của nhân dân.

TP.HCM, tháng 6-2021

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc