Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Miếu Hải ven đầm Nại (TP Quy Nhơn -Bình Định): Cần lắng nghe tâm nguyện của dân

Thứ Hai 21/06/2021 | 11:39 GMT+7

VHO- Miếu Hải ở ven đầm Nại được cư dân tại khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn xây dựng và gìn giữ từ bao đời nay. Để triển khai công trình Nhà ở xã hội (NƠXH) của dự án Khu đô thị - thương mại Bắc sông Hà Thanh (Khu đô thị Đại Phú Gia), Miếu Hải sẽ phải di dời đến một vị trí mới để nhường lại đất cho dự án.

 Miếu Hải là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân vùng biển

Thế nhưng về việc di dời Miếu Hải đến nơi khác từ lời “đề nghị” của doanh nghiệp, người dân cho rằng chính quyền cần lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận chung.

Từ đề nghị của Công ty TNHH Phú Hiệp về việc vướng mắc đối với công trình Miếu thờ (Miếu Hải) tại đoạn bờ kè công trình NƠXH, Khu C Khu đô thị - thương mại Bắc sông Hà Thanh (gọi tắt là dự án Khu đô thị Đại Phú Gia), ngày 5.4.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo giao UBND TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét giải quyết vướng mắc đối với công trình Miếu thờ tại dự án, báo cáo UBND tỉnh. Cũng xét theo đề nghị của UBND TP Quy Nhơn, ngày 6.5.2021, Chủ tịch UBND tỉnh này lại có văn bản giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiến hành lập thủ tục để thực hiện phương án giải phóng mặt bằng, di dời đối với công trình Miếu thờ đến địa điểm phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời Miếu Hải, qua đề nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, ngày 4.6.2021, Chủ tịch UBND tỉnh này có văn bản đồng ý chủ trương cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thuê đơn vị tư vấn để lập dự toán kinh phí di dời Miếu Hải. Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét nội dung kiến nghị của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh về đề xuất vị trí để bố trí xây dựng lại Miếu Hải ở địa điểm phù hợp. Được biết, sau khi Công ty TNHH Phú Hiệp có văn bản đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn cùng các ngành liên quan tổ chức họp với người dân lấy ý kiến di dời Miếu Hải. Thế nhưng, trong cuộc lấy ý kiến này người dân không đồng tình di dời Miếu Hải đến chỗ mới.

Xưa nay, Miếu Hải là không gian kết nối tình nghĩa làng xóm của bao thế hệ người dân ở tổ 29, 30, 31 thuộc khu phố 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Cư dân xem Miếu Hải là công trình tín ngưỡng bởi mỗi khi tổ chức cúng lễ lớn tại miếu, không chỉ rất đông người dân tại khu phố 4 cùng tham gia góp tiền, công sức, mà những người dân địa phương và dâu, rể, con cháu ở xa cũng về chung vui. Người dân tin rằng, Miếu Hải là chỗ dựa tinh thần vững chắc để bà con an yên làm ăn, phù hộ sức khỏe cho mọi người... Bà Trần Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4 cho hay: “Tại những buổi tiếp xúc cử tri HĐND 2 cấp gần đây nhất, người dân đều thể hiện quan điểm và mong muốn chính quyền cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, là không dời Miếu Hải đi nơi khác”. Còn ông Nguyễn Văn Phước (90 tuổi) chia sẻ: Miếu Hải có diện tích không lớn, khoảng 150 m2 nhưng bao thế hệ của gia đình đã sinh sống, gắn bó, sinh hoạt văn hóa cùng với miếu. Dời miếu, chính quyền cần lắng nghe tâm tư ý dân, đừng nhìn từ lời đề nghị của doanh nghiệp mà dời đi. Dời Miếu Hải sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm linh, kéo theo phong tục thờ thần Nam Hải, lễ hội Cầu ngư, hát Bội… gần như sẽ mất dần nét văn hóa đối với một cư dân vùng biển.

Ông Võ Văn Lộc, thành viên trong Ban quản lý Miếu Hải cho biết, chính quyền thành phố cùng các ban, ngành tỉnh có tổ chức họp lấy ý kiến người dân về việc dời Miếu Hải đến nơi khác. Song tất cả hơn 40 hộ dân đại diện không đồng tình dời Miếu Hải và đề nghị cần để miếu vị trí cũ. “Đặt trường hợp nếu có dời thì hiện vật trong Miếu Hải ai sẽ đứng ra cất giữ, bảo quản chưa kể, có hàng trăm hũ tro cốt vong linh đang thờ tại Miếu Hải, vậy dời miếu rồi những hũ cốt này sẽ được đặt ở đâu. Trong khi đó, người dân đã thống nhất không dời miếu đi nơi khác”, ông Lộc tâm tư.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại Bình Định cho rằng, chúng ta cần tôn trọng nét sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian. Nói đúng hơn, nơi nào có miếu, có cư dân sinh sống thì chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng có nên dời miếu đến một vị trí khác hay không. Vì khi chúng ta di dời, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chuyện tâm linh, thay đổi đời sống cũng như nét sinh hoạt của cư dân tại vùng đất đó. 

CẨM THỤY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top