Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-28.6.2021): Hãy “dạy con từ thủa còn thơ”

Thứ Sáu 18/06/2021 | 10:14 GMT+7

VHO- Trong công tác gia đình, Bộ VHTTDL luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước đó là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Thanh niên, sinh viên diễu hành với khẩu hiệu “Vì mái ấm gia đình không có bạo lực” Ảnh: N.H

Ðây là một chủ đề xuyên suốt nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị số 55- CT/ TW ngày 28.6.2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 4.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg lấy ngày 28.6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.

Đừng vì mưu sinh mà thiếu thời gian cho con

Một trong các chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục, xã hội hoá trẻ em - quá trình bao gồm việc đứa trẻ học tập (được chỉ dẫn) về những cách thức, qui định mang tính chuẩn mực để tham gia vào các hoạt động của đời sống gia đình và xã hội. Chức năng này giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của một gia đình, một dòng tộc và của quốc gia. Dân gian có câu: “Dạy con từ thủa còn thơ”. Tuổi thơ là quãng thời gian mỗi đứa trẻ gắn bó với cha mẹ nhiều nhất từ bữa ăn, giấc ngủ đến chơi đùa, học tập hay lao động. Giáo dục gia đình trong giai đoạn này có ảnh hưởng quyết định tới việc hình thành nhân cách của một con người.

Mấy chục năm trở lại đây, dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội đất nước thay đổi theo cả chiều hướng tích cực và những thách thức. Về mặt tích cực, giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Mặt khác, những ảnh hưởng tiêu cực đã làm cho một số giá trị văn hóa gia đình, nền nếp, lối sống của gia đình truyền thống tốt đẹp bị mai một. Một số gia đình Việt Nam có biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái, chỉ muốn con học giỏi, thành đạt chứ mấy ai quan tâm dạy con nên người.

Vấn đề khác cũng cần bàn thêm là phải chăng trong những năm gần đây, không ít cha mẹ vì bận rộn với việc mưu sinh, sự thăng tiến của bản thân hoặc vì những lý do khác nên thiếu thời gian dành cho gia đình, thiếu thời gian cho con, dạy dỗ con. Phải chăng việc dạy con thành “người tử tế” gần như phó thác cho nhà trường, mà quên rằng “giáo dục của nhà trường chỉ là sự tiếp nối của giáo dục gia đình, chứ tuyệt nhiên không thể thay thế cho giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ”. Giáo dục của gia đình, giáo dục của cha mẹ mới thật sự là quan trọng.

Bắt đầu từ “xây dựng nếp nhà”

Câu hỏi đặt ra xây dựng nhân cách từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phải bắt đầu từ đâu? Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống xây dựng nhân cách con người, nên chăng cần phải bắt đầu từ “xây dựng nếp nhà” - văn hóa gia đình, phát huy giá trị gia phong của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Vì sao vậy? “Gia phong” là nền nếp giáo dục của một gia đình, gia tộc, là sự hội tụ của các giá trị văn hoá, chuẩn mực giá trị đạo đức nếp sống, lối sống được sàng lọc qua thời gian và có giá trị lâu dài. Cốt lõi của “gia phong” luôn hướng tới phẩm hạnh hiếu thảo, lòng biết ơn, coi trọng gia đình, chồng vợ thủy chung, tình nghĩa, anh em hoà thuận, “thương người như thể thương thân”, “sống ở làng, sang ở nước”... Đó là những phẩm chất đầu tiên cần có ở một con người.

Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết: “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Trong giáo dục gia đình, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ để bắt chước, học theo. Nhìn dưới giác độ khoa học về giáo dục, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, có thể coi gia phong là một trong những thành tố tạo nên “thiết chế” vô hình của văn hoá gia đình, với tất cả các đặc tính riêng và chung. Nền nếp gia phong đã trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững cho đến ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng với thời gian.

Được sinh ra và lớn lên từ “nếp nhà” chuẩn mực, những đứa trẻ của hàng chục năm về trước sẽ là những người con tử tế trong gia đình, trở thành công dân tử tế trong xã hội, người cán bộ, công chức, nhân viên… tử tế nơi làm việc. Có thể đồng thuận với ý kiến của một số chuyên gia cho rằng gia đình mà có những người con có tình cảm nhân ái, yêu thương và giúp đỡ người không may mắn, không dối trá, biết quý trọng đồng tiền, tu dưỡng nhân cách, giữgìn thanh danh của gia đình… là một gia đình có phúc. 

 THS. HOA HỮU VÂN

 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top