Chư Tan Kra mây trắng – Khúc tráng ca về Trung đoàn mũ sắt

VHO- “Chư Tan Kra mây trắng" là trường ca của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai viết về Chưtankra và những người Cựu chiến binh già hàng chục năm đi tìm đồng đội trên dãy núi Chư Tan Kra, trong vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Dù tháng 7 tới đây tác phẩm mới được phát hành, tuy nhiên Chư Tan Kra mây trắng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với tác giả về tập trường ca này.

Chư Tan Kra mây trắng – Khúc tráng ca về Trung đoàn mũ sắt - Anh 1

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng

P.V: Thưa Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai, chị có thể chia sẻ về sự ra đời của  trường ca Chư Tan Kra ?

Nhà thơ Lữ Mai: Đề tài về những người lính dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu cho Tổ quốc luôn là niềm trăn trở, thôi thúc trong tôi. Tôi là con của một người lính, bố tôi là bộ đội trở về từ chiến trường Cam-pu-chia. Từ nhỏ, qua những câu chuyện ký ức của bố và hiện tại đời sống người lính trong thời bình, tôi cảm nhận được phần nào nỗi ám ảnh chiến tranh, niềm trăn trở, hy sinh lớn lao mà thầm lặng. Sau này, nhờ công việc báo chí, văn chương, tôi được đến với nhiều vùng miền của đất nước, tiếp xúc nhiều thế hệ người lính và hậu phương của họ, càng cảm nhận sâu hơn và ngẫm nghĩ nhiều hơn. Trước khi trường ca này ra đời, tôi đã có những truyện ngắn, bài thơ, tập thơ về đề tài người lính, gần nhất là trường ca “Ngang qua bình minh” thể hiện hình ảnh người chiến sĩ Hải quân trên các chuyến tàu làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Từ  trường ca “Ngang qua bình minh”  đến trường ca  “Chư Tan Kra mây trắng”  hình như chỉ cách nhau nửa năm. Điều này, nói lên điều gì ?

- Đúng là nếu tính theo thời gian xuất bản, hai tập sách chỉ cách nhau khoảng nửa năm. Tuy nhiên, ý tưởng và cảm hứng cho các tác phẩm của tôi đã được hình thành từ trước đó khá lâu. Năm 2019, sau chuyến công tác Trường Sa, cảm xúc về biển được rộng mở và mạnh mẽ hơn nên sau hai tập tản văn in chung với kỹ sư Trần Thành là “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” tôi đã viết trường ca “Ngang qua bình minh”. Riêng về câu chuyện hành trình của những Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đã xuất hiện trong tôi từ khá lâu. Truyện ngắn “Đuổi theo bóng nắng” của tôi in trên báo Văn nghệ, được dịch ra tiếng Anh đăng trên Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) hay “Cánh chuồn trên vùng quai xanh” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một vài tác phẩm về đề tài này. Mỗi khi viết một tác phẩm, tôi không có dự định nào về tiến độ hay những điều kiện khác, chỉ là bản thân có nhiều cảm xúc, suy nghĩ và cảm thôi thúc muốn cầm bút sáng tác. Với tôi, tác phẩm là cơ duyên đặc biệt mà khi mình bắt đầu biết trăn trở về nó thì tác phẩm đã được hình thành tính từ thời điểm ấy.

Thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, khi viết về trận đánh Chư Tan Kra, chị gặp những khó khăn nào về sử liệu?

- Tôi không tập trung khai thác sử liệu về trận đánh Chư Tan Kra, mà lấy cảm hứng từ câu chuyện các Cựu chiến binh Trung đoàn 209 về lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Đây là dữ liệu gần gũi với tôi hơn. Việc khai thác tình cảm, tâm lý, câu chuyện của những Cựu chiến binh thời bình diễn ra khá thuận lợi. Khi viết trường ca này, tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm của các bác Cựu chiến binh, các Biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội, các đồng nghiệp trong nghề. Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng tuổi đã 70, bác vẫn dành thời gian đọc tới 5 lần bản thảo giúp tôi, đưa ra những góp ý, tư vấn cụ thể. Một trong những người bạn thân của tôi từng là biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội. Từ cách đây nhiều năm, tôi thường xuyên được chị chia sẻ về các cuộc tìm kiếm liệt sỹ, có cuộc thành công, có cuộc chưa có kết quả, có những thuận lợi và cũng có khi rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tất cả các câu chuyện đó luôn khiến tôi xúc động và mong muốn được thể hiện qua từng tác phẩm cụ thể.

Vài năm trở lại đây, đã có những tác giả trẻ xuất bản Trường ca – một thể loại được coi là khó viết, khó vượt qua “cái bóng” của thế hệ trước. Chị nhìn nhận thế nào?

- Đã có một giai đoạn, khi nhận xét về người viết trẻ, nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ chỉ sáng tác quanh quẩn về cái tôi cá nhân, những chi tiết nhỏ lẻ, hạn hẹp; chưa có tinh thần dân tộc, nhân loại, trách nhiệm công dân… Thời gian gần đây, có thêm nhiều tác phẩm mới của người viết trẻ về đề tài chiến tranh cách mạng, người lính… thể hiện phong phú qua nhiều thể loại trong đó có trường ca; một số tác giả thuộc thế hệ 8x đã xuất bản trường ca về đề tài trên, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, được đầu tư sáng tác… tôi cho là tín hiệu đáng mừng. Ở góc độ một người sáng tác và có quá trình quan sát các đồng nghiệp làm nghề, tôi thấy việc xuất hiện tác giả, tác phẩm mới đánh dấu cả một quá trình quan sát, trăn trở, nung nấu… mà đôi khi cũng cần có bối cảnh, thời điểm phù hợp cho sự xuất hiện.

Khó khăn về mặt thể loại và những “cái bóng” cũng là vấn đề khiến người viết phải suy ngẫm. Không chỉ chúng tôi mà mọi thế hệ người viết trẻ đều phải đối diện, giải quyết câu chuyện ấy. Tôi nghĩ không cách nào khác, chúng tôi phải “lên đường”, phải nỗ lực và nghiêm khắc với bản thân. Sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót, vướng mắc, non nớt, thậm chí là sai lầm, nhưng tôi tin khi người viết có tấm lòng và sự cố gắng thì sẽ nhận được niềm bao dung, chia sẻ để ngày một vững vàng hơn.

Chư Tan Kra mây trắng – Khúc tráng ca về Trung đoàn mũ sắt - Anh 2

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

Các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt phản hồi thế nào với chị về trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”?

- Điều khiến tôi xúc động nhất đó chính là tinh thần hy sinh thầm lặng của những người lính. Người lính thực thụ, họ không bao giờ nói về chiến công, đóng góp hay những việc mình đã và đang làm. Câu chuyện đi tìm đồng đội cũng thế. Hơn 10 năm qua, các Cựu chiến binh thầm lặng lên đường, kiếm tìm và thầm lặng trở về. Tôi còn nhớ, đạo diễn Vũ Minh Phương của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã rất vất vả mới thuyết phục được các bác cho đồng hành để quay phim tài liệu. Khi tôi ngỏ ý sẽ viết một tác phẩm về Chư Tan Kra, các bác ghi nhận tấm lòng của tôi, nhưng không chia sẻ gì về công việc mình làm. Tôi đã tự mày mò, viết lách, khi có khung tác phẩm cơ bản thì mang tới gặp lại Cựu chiến binh. Đọc hết tác phẩm, trò chuyện với tác giả xong, các bác mới mở lời chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ và đồng ý hỗ trợ cho tôi hoàn thiện tác phẩm. Các Cựu chiến binh rất xúc động, nhưng cũng chia sẻ với tôi rằng, sẽ đọc lại nhiều lần, ở các bối cảnh khác nhau.

Có kỷ niệm nào xúc động về Cựu chiến binh khi chị viết tác phẩm này?

- Tôi nhớ, một hôm tôi tham gia một chương trình của Kênh truyền hình QPVN, được các Biên tập viên tặng món quà là cây mù u gieo từ hạt mù u mang ở Trường Sa về. Hôm sau, rất tình cờ, tôi gặp Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng (Trưởng ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn Mũ sắt, nay là BLL Tìm đồng đội Sư đoàn 1), ông kể đã từng đi Trường Sa và rất muốn mang một vài loài cây ở biển, đảo trồng trên dãy núi Chư Tan Kra cho đồng đội được “ngắm nhìn”. Tôi tặng chú cây mù u. Thật bất ngờ, sau đó không lâu, tôi nhận được nhiều quà tặng từ các chiến sĩ đang công tác ngoài đảo Trường Sa, đó là cây Bàng quả vuông, Phong ba, Bão táp, Tra… và tôi đều gửi tặng các Cựu chiến binh. Các bác rất xúc động, gọi điện chia sẻ với cả người quản trang trong Khu tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ ở huyện Sa Thầy. Chú Mắn – người quản trang mộc mạc, hiền lành gọi điện cho tôi và động viên “Cố lên cháu!”

Với các tác phẩm về người lính: “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”… chị đều giành một phần doanh thu từ phát hành sách để đồng hành cùng người lính và hậu phương. Với “Chư Tan Kra mây trắng” thì sao?

- Đây là tập sách tôi tự túc in ấn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là các Cựu chiến binh. Họa sĩ Trần Đức Quyền hỗ trợ vẽ tranh bìa và minh họa, nhà báo Khiếu Minh trình bày bìa… và rất nhiều sự chung tay chia sẻ khác mà không thể kể hết. Sau khi sách được xuất bản, tôi có gửi tặng các Cựu chiến binh Chư Tan Kra một lượng sách để các bác đọc, tặng gia đình, đồng đội, bạn bè hoặc giữ làm kỷ niệm. Ngoài ra, một lượng sách tôi gửi một số bạn bè gắn bó với chương trình Đi tìm đồng đội phát hành, toàn bộ kinh phí thu được chúng tôi sẽ công khai chi tiết và gửi tặng lại Ban Liên lạc Cựu chiến binh tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội bởi vì hơn 10 năm nay, các Cựu chiến binh toàn tự bỏ kinh phí để đi tìm đồng đội của mình, điều đó khiến tôi rất xúc động và mong muốn được chia sẻ một phần nhỏ bé của mình. Tôi có xin phép các Cựu chiến binh và đã nhận được sự đồng ý.

Chị có hài lòng về trường ca này không?

- Tôi đã cố gắng tiếp cận vấn đề và thể hiện câu chuyện về Chư Tan Kra qua cái nhìn của một người viết trẻ. Chắc chắn, còn có những điều chưa đầy đủ, sâu sắc hoặc chính xác như thực tế từng diễn ra… Với tất cả các tác phẩm, khi viết xong, tôi thường sửa nhiều lần, song, đến khi tác phẩm được xuất bản, đọc lại tôi vẫn cảm thấy còn những điểm chưa thật hài lòng và nếu được điều chỉnh thì tôi sẽ thực hiện. Có lẽ, đó cũng là trạng thái tâm lý chung của người sáng tác. Cảm thấy chưa hài lòng về tác phẩm chính là động lực để người viết nỗ lực hơn trong sáng tạo, nhìn nhận được thiếu sót, hạn chế của mình và biết lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với độc giả.

Xin cảm ơn chị!

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa

Tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (Tiến thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Các tác phẩm chính đã xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021).

VŨ MỪNG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc