Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Bình Định: Bảo tồn Võ cổ truyền, góp phần quảng bá văn hóa và phát triển du lịch

Thứ Sáu 04/06/2021 | 15:47 GMT+7

VHO - Võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp quốc gia. Bởi thế, những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định đã góp phần gìn giữ, tôn vinh các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc; đồng thời, tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa và du lịch của địa phương.

Các võ đường phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện võ cổ truyền Bình Định.

Từ năm 2006 đến nay, hoạt động võ cổ truyền tỉnh Bình Định đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực như: phong trào tập luyện võ thuật ngày càng phát triển sâu rộng đến nhiều câu lạc bộ (CLB) trong tỉnh, các đội tuyển luôn giành được nhiều huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế và khu vực… Đặc biệt, qua 7 kỳ tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa đông đảo lực lượng võ sư, võ sinh về tham dự. Đồng thời, nhiều đề tài nghiên cứu đã được triển khai thành công, như đề tài: Chân dung võ sư, võ nhân Bình Định; nghiên cứu phục hồi thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định; bảo tồn một số bài võ cổ truyền Bình Định được in thành sách võ… Nhờ vậy, các bài võ cổ truyền Bình Định được bảo tồn và lưu truyền rộng rãi trong nước và quốc tế.

“Đêm võ đài Bình Định” góp phần phục vụ phát triển du lịch.

Theo Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các võ đường, võ sư, võ sinh và từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang phục, binh khí phục vụ tập luyện, biểu diễn cho các võ đường trên địa bàn tỉnh. Cùng với công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn, công tác phát huy, quảng bá võ cổ truyền Bình Định cũng được triển khai một cách mạnh mẽ. Phải kể đến, “Đêm võ đài Bình Định” mỗi dịp được tổ chức đã thu hút đông đảo các võ đường, võ sĩ tham gia, đặc biệt hút khách du lịch đến xem và thưởng thức “món ăn” tinh thần này. Còn nữa, nhiều năm qua, phong trào tập luyện võ cổ truyền ở tỉnh Bình Định ngày càng phát triển, nhất là ở các địa phương như An Nhơn, Tây Sơn, Quy Nhơn, Tuy Phước... và số lượng các võ đường, CLB, võ sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Độc đáo bài “Thanh long độc kiếm” của võ cổ truyền Bình Định

Ông Bùi Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 98 võ đường, CLB tổ chức tập luyện thường xuyên. Phát triển phong trào tập luyện thì công tác bảo tồn được nâng cao và tạo ra một sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch. Ở giải thi đấu võ thuật cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định hàng năm có đến hơn 300 vận động viên của hơn 40 CLB tham dự. Điều này khẳng định phong trào tập luyện võ thuật ngày càng phát triển mạnh trong quần chúng nhân dân, góp phần vào công tác bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quý báu của quốc gia.

Võ cổ truyền Bình Định không ngừng hội nhập và phát triển với võ thuật các nước trên thế giới

Nhìn ở góc độ thể thao thành tích cao, võ cổ truyền Bình Định đã trở thành môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, tại các giải đấu toàn quốc như: Giải Vô địch Võ cổ truyền toàn quốc, Giải Vô địch trẻ và Thiếu niên Võ cổ truyền toàn quốc, tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc… Võ cổ truyền Bình Định luôn đạt thành tích dẫn đầu cả nước và đóng góp lực lượng thường xuyên cho đội tuyển quốc gia. Điểm sáng là tấm huy chương Vàng của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga, hạng cân 52 kg ở môn Kickboxing tại Seagame 2019 diễn ra ở Philippines. Ngoài ra, võ cổ truyền Bình Định không ngừng bồi đắp, trao truyền, hội nhập và phát triển. Võ cổ truyền Bình Định không còn giới hạn phạm vi trong nước mà đã vươn tầm quốc tế. Tính đến nay, Bình Định đã cử 3 đoàn giao lưu quốc tế tham dự liên hoan Võ truyền thống tại Hàn Quốc, Ý, Rumani và cử các võ sư dạy võ cổ truyền Bình Định tại các nước Pháp, Thụy Sĩ,…

Nhờ có định hướng, tầm nhìn nên võ cổ truyền Bình Định được bạn bè quốc tế đón nhận tập luyện

Nói về câu chuyện “đánh 1 lòi 3” trong công tác bảo tồn, phát triển phong trào tập luyện và phát triển du lịch, ông Hiếu chia sẻ: Ở địa phương, võ cổ truyền là một trong những môn mũi nhọn của tỉnh. Vì thế, thời gian qua, võ cổ truyền Bình Định là môn thể thao đạt rất nhiều thành tích cao, cho nên đã xây dựng được hình ảnh, lan tỏa đến cơ sở và lớp trẻ sẽ say sưa tập luyện võ thuật. Trong công tác đào tạo sẽ góp phần bảo tồn, phát huy cho thế hệ tiếp theo cũng như phong trào tập luyện phát triển thì góp phần phát triển du lịch. “Một hướng mới, chúng ta cần phát triển võ cổ truyền sâu rộng trong lực lượng học sinh, sinh viên. Đây là đối tượng sau này sẽ lan tỏa tốt nhất, kích thích các võ đường phát triển”, ông Hiếu bộc bạch.

PHAN HIẾU

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top