Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Một hình thức lừa đảo tinh vi từ sim 3G lên 4G

Thứ Sáu 09/04/2021 | 11:35 GMT+7

VHO- Mạo danh nhân viên các nhà mạng để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G, sau khi kiểm soát được sim thì chiếm đoạt hàng chục triệu đồng trong tài khoản của người tiêu dùng.

 Tin nhắn lừa đảo nâng cấp miễn phí lên sim 4G

 Đó là phương thức lừa đảo mới vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cảnh báo rộng rãi.

Bị lừa mất hàng chục triệu đồng trong chốc lát

Mới đây có trường hợp khách hàng tại TP.HCM đã bị lừa mất hơn 30 triệu đồng bằng chiêu thức lừa đảo đổi sim điện thoại. Cụ thể, số điện thoại 024.66704.xxx đã gọi cho khách hàng T và tự xưng là nhân viên Mobifone gọi tới để hỗ trợ sim điện thoại với việc nâng cấp từ 3G lên 4G. Đối tượng cho biết, sẽ đổi sim miễn phí và giải thích rằng do dịch bệnh Covid-19 nên không thể gặp trực tiếp trao sim cho khách hàng, nên yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn qua tin nhắn.

Chị T làm theo và khi thực hiện xong các thao tác trên để đổi sim 4G thì nhận thấy sim điện thoại của mình đang dùng không thể sử dụng được nữa. Đồng thời ngay lúc đó mail của chị T gửi tới thông báo về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với một ứng dụng tài chính mà chị thường sử dụng. Nhận thấy bất thường, chị T đã đến cửa hàng Mobifone để khóa và khôi phục sim. Tới khi sim được khôi phục, kiểm tra thì chị phát hiện hạn mức sử dụng thẻ tín dụng của chị chỉ còn 70.000 đồng. Gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ứng dụng tài chính, nhân viên cho biết thẻ tín dụng của chị đã phát sinh các giao dịch với tổng số tiền 31.190.000 đồng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi sim điện thoại bị vô hiệu hóa. Tương tự như vậy, một khách hàng khác cũng đã bị chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng...

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, gần đây đơn vị đã tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi, cũng như đơn thư phản ánh về việc người tiêu dùng bị mất quyền kiểm soát sim điện thoại, bị đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và phải thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng. Trước thực trạng một số đối tượng giả danh các nhà mạng nhắn tin hướng dẫn người tiêu dùng nâng cấp sim 4G để đoạt quyền chiếm tài sản, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra lời cảnh báo. Qua điều tra cho thấy, lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi sim 4G của các nhà mạng, những đối tượng lừa đảo đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục như thực hiện đổi sim theo cú pháp, không giao sim trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh Covid-19, đổi sim ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi. Nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ…, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Được biết, các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ ở TP.HCM mà ở các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Tháp… cũng đã xảy ra.

 Cần kiểm tra kỹ và không truy cập các đường dẫn lạ

Phòng chống hành vi lừa đảo bằng cách nào?

Để tránh sa bẫy của những kẻ lừa đảo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần chú ý để tránh bị kẻ gian lợi dụng và xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Cụ thể, người tiêu dùng cần thận trọng khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đồng thời tìm hiểu thêm thông tin trên website chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng, ngân hàng… để kiểm chứng, xác thực thông tin.

Đối với những số điện thoại được sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử… người tiêu dùng cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông, cài mật khẩu nhiều tầng... Trong trường hợp khi phát hiện thẻ sim điện thoại của mình bị vô hiệu hóa, người tiêu dùng nên liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng để yêu cầu khóa thẻ sim nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro kẻ gian sử dụng quyền kiểm soát sim, nhận mã OTP hòng chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử… thông qua tin nhắn điện thoại (SMS), người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng xác thực khác như Google Authenticator hay Authy nhằm ngăn ngừa việc bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim theo chiêu trò hoán đổi thẻ sim nêu trên. Cùng thời gian, nếu thấy cần thiết thì mọi người nên liên lạc ngay với các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng mà mình đang sử dụng, yêu cầu khóa tài khoản khẩn cấp tạm thời trong thời gian xác minh và phục hồi sim điện thoại. 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top