Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Di tích ở Hà Nội lại “kêu cứu”... (Bài 2): "Rất nguy hiểm, không có nhiệm vụ cấm vào"

Thứ Tư 07/04/2021 | 10:28 GMT+7

VHO- Như đề cập ở số trước, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Cam Đà không phải là ngôi đình cổ duy nhất trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) đang khắc khoải chờ được tu bổ. Ở vùng đất được mệnh danh sở hữu cả “kho tàng” di sản với di tích phân bổ dầy đặc này, dường như nỗi lo vẫn thường trực về những ngôi chùa, đình, đền cổ kính ngày càng già cỗi, yếu ớt...

 Đình Phương Châu xuống cấp phải dựng cột chống đổ sập

Xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất mát cùng với sự eo hẹp về kinh phí đầu tư... là những liệt kê quen thuộc đối với nhiều di tích tồn tại lâu đời ở các miền quê. “Đụng đâu khó đó”, bài toán loay hoay chống xuống cấp di tích tại Ba Vì được xem là một trong những điển hình của tình trạng di tích “kêu cứu” trên địa bàn Hà Nội.

Sau Cam Đà, cán bộ Phòng VHTT huyện Ba Vì tiếp tục đưa chúng tôi đến khảo sát thực tế tại đình Phương Châu (thôn Phương Châu, xã Phú Phương). Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia này cũng được liệt vào danh mục di tích xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng xuống cấp của ngôi đình diễn ra từ lâu, và ngày càng trầm trọng hơn. Mưa làm đình dột, gió làm đình rung. Những cây cột gỗ mục rỗng. Các cấu kiện rời rạc, bung gẫy. “Sự tồn tại mong manh của di tích khiến người dân địa phương sốt ruột lắm. Nhưng không là ngoại lệ, di tích quốc gia đình Phương Châu vẫn đang trong quá trình chờ đợi được tu bổ...”, bà Lê Thu Hà, Phòng VHTT huyện Ba Vì nói.

Di tích được khởi dựng từ khoảng thế kỷ thứ XVII - XVIII, được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1994. Hiện di tích còn tồn tại các hạng mục kiến trúc đại đình, nhà hữu vu, nghi môn, sân, tường bao. Ông Phạm Quang Thọ, Ban Khánh tiết đình Phương Châu chia sẻ, trải qua nhiều năm tồn tại, ngôi đình làng đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần mái đại đình bị xô, sụt, dột nhiều sau mỗi lần mưa lớn. “Mùa mưa năm ngoái, những trận mưa lớn đã khiến cho đầu đao phía trước bên phải đại đình bị gãy, rơi sụp xuống vườn đình. Đầu đao bên trái tình trạng cũng chẳng khá khẩm hơn, đã nứt và có nguy cơ gãy sập...”, ông Thọ cho biết. Quan sát khuôn viên đình, đập vào mắt chúng tôi là biển cảnh báo màu đỏ: “Khu vực đình hiện đang xuống cấp. Rất nguy hiểm. Mọi người không có nhiệm vụ cấm vào”. Ông Thọ nói, tấm biển này được treo để cảnh báo mức độ nguy hiểm sau khi đầu đao bên phải đình bị sụp đổ. Còn một bên đang nứt gãy nặng, được các cụ trông nom đình làm cột gia cố, chống đổ sập.

Không chỉ mái đình, toàn bộ cấu kiện gỗ trong đình đều đã bị mục rỗng, tiêu tâm, kết cấu chịu lực kém. “Các bọng cửa, xà cột lâu năm đều bị di chuyển, rời, há mộng. Phần mái xô vỡ cũng ngày càng lớn, giờ không ai dám trèo lên để sửa chữa vì sợ rằng càng vá víu thì càng hỏng nặng hơn”, ông Thọ cho hay. Bí thư chi bộ thôn Phương Châu Đỗ Trọng Yên cho biết, di tích đình Phương Châu có lịch sử lâu đời, đây cũng là ngôi đình được phong nhiều đạo sắc phong nhất tại Ba Vì với 19 đạo sắc phong vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn. Hằng năm, ở đình thường diễn ra hoạt động tế lễ vào ngày Rằm tháng 2 và Rằm tháng 11. Ba năm sẽ tổ chức đại lễ một lần. “Tuy nhiên, lần đại lễ gần nhất vào năm 2020 và các dịp tế lễ thường niên gần đây đã không được tổ chức bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình. Đây là những dịp mà những người con xa quê cùng tụ hội, nhưng tình hình ngôi đình bị xuống cấp nặng nề khiến cho những sinh hoạt văn hóa, tế lễ tâm linh đều phải dừng lại. Người dân đến dự cũng chỉ được ngồi ngoài sân, một số bậc cao niên trong làng thực hiện nghi lễ mới được vào bên trong đình”, theo ông Đỗ Trọng Yên.

Trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của di tích, ông Hoàng Cao Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phương cho hay, địa phương vẫn thường xuyên báo cáo về tình trạng của ngôi đình với cơ quan quản lý các cấp. Đặc biệt khi đầu đao phía trước bên phải đại đình bị đổ sụp từ năm ngoái, cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng ở ngôi đình, chính quyền địa phương đã báo cáo và đề nghị được hỗ trợ kinh phí cũng như các phương án cấp thiết để thực hiện chống xuống cấp, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Mang câu chuyện các di tích Cam Đà, Phương Châu tới lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận: “Đụng đâu khó đó”. Cái khó của “con nhà nghèo” phải lo “ăn đong” lý giải cho tình trạng kho tàng di tích quý giá trên địa bàn qua nhiều năm “kêu cứu” vẫn đang phải xếp hàng chờ được tu bổ. Kinh phí mỗi năm mà Ba Vì có thể bố trí cho công tác tu bổ di tích chỉ từ 5-8 tỉ đồng, trong khi số di tích xuống cấp ngày càng nhiều hơn, mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

 Biển cảnh báo nguy hiểm, đình Phương Châu dừng hoạt động tế lễ tập trung đông người

“Trong tổng số 397 di tích trên địa bàn, Ba Vì có 123 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt là đình Tây Đằng, 44 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 61 di tích xếp hạng cấp thành phố. Theo thống kê, có 29 di tích trong danh mục xuống cấp, trong đó di tích quốc gia chùa Đông Viên hiện có nguy cơ đổ sập; di tích quốc gia đình Cam Đà trong tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Các di tích xuống cấp nghiêm trọng gồm Miếu Đông Viên, Đình và chùa Phú Hữu (Phú Sơn); Đình Vân Sa (Tản Hồng), Đình và Miếu Kiều Mộc (Cổ Đô); Đình Phương Châu (Phú Phương). Còn lại là những di tích được đánh giá tình trạng đang xuống cấp...” , Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Anh cho biết.

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, với danh mục di tích xuống cấp xếp hàng ngày càng dài, địa phương nhiều năm nay đã phải loay hoay mà khó thì vẫn luôn chồng khó. Các di tích đều có niên đại khởi dựng từ lâu nên hầu như đều xuống cấp nghiêm trọng. Hai di tích đình cổ mà Văn Hóa đề cập là Cam Đà và Phương Châu là những ví dụ điển hình. Chia sẻ về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, ông Anh nói thêm, trong những năm qua đã có 44 di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Các dự án, công trình tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được thực hiện lồng ghép bằng các nguồn vốn khác nhau. Cùng với nguồn vốn của Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội, các di tích cũng được thực hiện tu bổ bằng nguồn vốn hỗ trợ của huyện và vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Riêng về trường hợp của hai ngôi đình cổ Cam Đà, Phương Châu, huyện Ba Vì đã trình UBND thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Đây là di tích đặc biệt có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Nếu không kịp thời cứu thì những giá trị vô giá đang tồn tại một cách mong manh sẽ mất đi mà không có cách nào lấy lại được. Các địa phương đều có nguyện vọng tha thiết được đầu tư, tu bổ tổng thể, hạn chế tình trạng vá víu dễ gây nên những tác động không mong muốn đối với tuổi thọ của những ngôi đình”, ông Nguyễn Đức Anh khẳng định.

Những khó khăn thực tế đã được nhìn nhận rõ ràng. Tuy nhiên, để những mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương trở thành hiện thực lại là vấn đề nan giải. Một phép tính đơn giản cho thấy, với 5-8 tỉ đồng nguồn vốn mỗi năm dành cho các di tích thì Ba Vì chỉ có thể bố trí đầu tư tu bổ cho 3-4 di tích một năm. “Số tiền này không thể rải mành mành ra chừng ấy di tích đang bị xuống cấp, sẽ như muối bỏ bể và không thấm vào đâu”, bà Lê Thu Hà chia sẻ. 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top