Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Khởi động “Tủ sách Huế” và ra mắt ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế

Thứ Tư 17/03/2021 | 14:54 GMT+7

VHO- Ngày 17.3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức công bố đề án “Tủ sách Huế” và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế. Công trình Địa chí Thừa Thiên Huế- phần Văn hóa (hay Địa chí Văn hóa Huế) với nhiều nội dung đặc sắc, góp phần giới thiệu đến bạn đọc gần xa những nét văn hóa độc đáo của kinh đô Huế xưa và nay.

Ông Phan Ngọc Thọ (bên phải)- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu ra mắt ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế

Địa chí Văn hóa Huế là phần cuối cùng trong 5 ấn phẩm của bộ địa chí Thừa Thiên Huế. Bộ địa chí  này được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên; Lịch sử; Dân cư- Hành chính; Kinh tế; Văn hóa. Đây là công trình được UBND tỉnh giao cho Sở KHCN triển khai từ nhiều năm trước; lần lượt hoàn thành và xuất bản các hợp phần, gồm: Địa chí Thừa Thiên Huế phần Tự nhiên và Lịch sử, xuất bản năm 2005; phần Dân cư- Hành chính, xuất bản năm 2013; phần Kinh tế, xuất bản năm 2014; và địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa vừa được xuất bản vào cuối năm 2020.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Việc hoàn thành hợp phần cuối cùng- phần Văn hóa của bộ địa chí là một dấu mốc quan trọng, qua đó đem đến cho bạn đọc và cộng đồng những nội dung đặc sắc, chuyên sâu về văn hóa của một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa của cả nước.

Ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa vừa được xuất bản

Địa chí Văn hóa Huế là một công trình khoa học đồ sộ, quy mô, tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa. Công trình gồm 2 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, được in khổ 16x24cm, bao gồm 14 chương và phần phụ lục. Các nội dung chính của ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế, gồm: ẩm thực; trang phục; y dược cổ truyền; phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự; trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian; tín ngưỡng, tôn giáo; ngôn ngữ; giáo dục; văn học, báo chí- xuất bản; nghệ thuật diễn xướng, tạo hình và nhiếp ảnh, điện ảnh; di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, nhân vật văn hóa… Mỗi một nội dung đều được một nhóm nhà nghiên cứu phụ trách biên soạn, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi như: Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Bình, Trương Thị Cúc, Phan Tấn Tô, Nguyễn Đình Sáng, Dương Bích Hà, Phan Thuận Thảo…

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tặng ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế cho các chủ thể quản lý và sử dụng ấn phẩm Tủ sách Huế

“Ẩn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế- phần Văn hóa được công bố hôm nay là ấn phẩm đầu tiên, khởi động cho đề án Tủ sách Huế. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thời gian tới Tủ sách Huế sẽ quy tụ, đón nhận nhiều ấn phẩm, công trình có giá trị nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc và hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục, văn hóa của vùng đất Cố đô”- ông Hồ Thắng bày tỏ.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: việc xây dựng đề án Tủ sách Huế với những mục tiêu rõ ràng, đó là phải sưu tầm và tái bản, xuất bản sách quý về Huế; giới thiệu đến bạn đọc xa gần những tinh hoa về Huế trên tất cả các lĩnh vực; khơi dậy văn hóa đọc đang bị mai một trong thế giới hiện đại…Qua đó, dựng được nguồn kho tàng văn hóa rất ý nghĩa, nhân văn của Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lưu ý các đơn vị liên quan cần tập trung các nội dung để phát triển và nâng tầm Tủ sách Huế trong thời gian tới. Cụ thể, cần sớm thành lập quỹ phát triển sách Huế từ những nguồn tài trợ, hỗ trợ của những người yêu sách Huế, yêu Huế và quan tâm đến văn hóa Huế. Hiện đã có một số nhà xuất bản và phát hành đặt vấn đề hỗ trợ cho việc xuất bản, phát hành ấn phẩm trong Tủ sách Huế, mỗi năm có từ 3-5 ấn phẩm được lựa chọn xuất bản, tái bản.

Việc thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định để lựa chọn đầu sách cũng cần được đẩy nhanh, trước mắt là tư vấn về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Thừa Thiên Huế. Hiện nay sách Huế quý hiếm còn rất nhiều ở các thư viện gia đình, thư viện Nhà nước, ở ngoại tỉnh và cả nước ngoài, ước tính khoảng 2.500 đầu sách; do đó, cần sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhằm đảm bảo chất lượng để đưa vào Tủ sách Huế, giới thiệu cho bạn đọc những công trình nghiên cứu về Huế, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và qua đó cũng tôn vinh những tác giả đã có những tác phẩm giá trị. Đồng thời cũng cần tính đến việc đấu giá sách Huế hay, sách quý hiếm để có nguồn kinh phí vào quỹ phát triển Tủ sách Huế về lâu dài.

Trong khuôn khổ sự kiện, UBND tỉnh đã tổ chức tọa đàm "Định hướng phát triển Tủ sách Huế"

Ngoài những tác phẩm tái bản, ông Phan Ngọc Thọ cũng lưu ý các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đề án Tủ sách Huế trong thời gian tới cũng cần quan tâm đến những ấn phẩm xuất bản mới. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang “đặt hàng” Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế thực hiện ấn phẩm Bách khoa toàn thư về văn hóa ẩm thực Huế. Đây cũng là công trình nằm trong việc xây dựng đề án “Huế-Kinh đô ẩm thực”. Kỳ vọng, thời gian tới, ấn phẩm này sẽ sớm đưa vào Tủ sách Huế.

“Tôi nhận thấy những ấn phẩm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rất có giá trị, đều thực hiện từ những “đơn đặt hàng” của Nhà nước. Các đơn vị chuyên môn cần xem xét để đưa các ấn phẩm này vào đề án Tủ sách Huế”- ông Thọ nhận định.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin rằng, để Tủ sách Huế phát triển và đến gần với cộng đồng, tỉnh đã giao UBND TP.Huế khảo sát tuyến đường Nguyễn Huệ nhằm chọn không gian đẹp để hình thành không gian sách Huế, làm nơi giới thiệu và triển lãm sách thường xuyên.

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top