Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan

VHO- Cùng với di tích, thời gian này các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo tại các địa phương đã đồng loạt mở cửa trở lại. Ghi nhận trong những ngày đầu mới mở lại, lượng du khách đến các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo thực hiện các hoạt động lễ bái, tâm linh chưa đông. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch, lượng khách đến các chùa chiền, đền Phủ đã tăng cao và dự báo trong cuối tuần này, những con số khách hành hương sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 1

Dự kiến lượng khách hành hương đến Khu di tích và danh thắng Hương Sơn cuối tuần tới sẽ tăng cao

Khách hành hương ngày càng đông

Trên địa bàn TP. Hà Nội, cùng hệ thống giải pháp được các di tích trọng điểm xây dựng và triển khai thực hiện,  Ban Tôn giáo TP. Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) đã ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn thành phố trong điều kiện thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, các tổ chức tôn giáo, người đại diện BQL các cơ sở tín ngưỡng, người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn Thủ đô tổ chức tuyên truyền, vận động tín đồ, nhân dân thực hiện đầy đủ khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sau  khi mở cửa lại các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, vừa bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tín đồ theo chỉ đạo của thành phố.

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 2

Người đi lễ tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội)

Các nghi lễ tôn giáo tổ chức tập trung tại cơ sở cần bảo đảm quy mô phù hợp giãn cách tối thiếu 1m giữa người với người, hạn chế tín đồ đến từ nhiều địa phương, rút ngắn thời gian, chia nhỏ số lượng người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã QR code. Đồng thời, bố trí bộ phận hướng dẫn, hỗ trợ khai báo y tế; kiểm tra thân nhiệt và chuẩn bị địa điểm để bảo đảm cách ly tạm thời trong trường hợp phát hiện đối tượng có các yếu tố về dịch tễ (sốt, viêm họng, chưa hết thời gian thực hiện cách ly y tế...).

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 3

Khách đi lễ ở chùa Hà (Hà Nội)

Khảo sát thực tế tại các cơ sở đền, chùa, Phủ lớn trên địa bàn thành phố như chùa Hương, Phủ Tây Hồ, đình Kim Liên, chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Bộc..., lượng khách đến chiêm bái chỉ bắt đầu đông từ đầu tháng 2 âm lịch, trước đó rất thưa vắng. Trọng điểm là Khu di tích danh thắng  Hương Sơn, trong ngày mở cửa trở lại vào 13.3 (tức 1.2 âm lịch), đã có tới 2 vạn lượt khách đến chùa Hương chiêm bái, lễ Phật. Ngày tiếp theo (2.2 âm lịch), lượng du khách là hơn 3 vạn người. BTC lễ hội dự đoán cuối tuần tới, số lượng du khách hành hương sẽ tiếp tục tăng.

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 4

Thực hiện các biện pháp phòng dịch ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Tại Phủ Tây Hồ, trong những ngày đầu mở cửa chỉ lác đác người, không gian thoáng rộng đảm bảo các nghi lễ tâm linh được thực hiện trong điều kiện an toàn, giãn cách. Nhưng ghi nhận trong những ngày đầu tháng 2 âm lịch, rất đông người dân và du khách đã về Phủ thực hành các nghi lễ tâm linh sau những ngày cơ sở tín ngưỡng này đóng cửa phòng dịch. Nhìn chung, du khách thập phương đến Phủ Tây Hồ được yêu cầu thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống Covid-19.

Không thể chủ quan

Theo ghi nhận, các biện pháp an toàn tại di tích danh thắng chùa Hương bước đầu được chú trọng. Sau khi mở cửa trở lại, du khách, người phục vụ trong không gian chùa được yêu cầu phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khách đến chùa phải khai báo y tế trực tiếp và qua mã QR-code ... Trước đó, dự báo khách đến di tích sẽ đông bởi thời gian mở cửa trở lại vào cuối tuần, BQL di tích cho biết, phương án đảm bảo an toàn nhấn mạnh những giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh ở mỗi người dân, du khách.

 Tuy nhiên trên thực tế, một số khách hành hương vẫn thể hiện thái độ chủ quan khi không đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đã được BQL di tích nhắc nhở.

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 5

Khách hành hương đến di tích Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) phải có tờ khai báo y tế có dấu mới được vào bên trong

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, BQL di tích đền Cửa Ông  đã xây dựng và triển khai các phương án phòng chống dịch một cách bài bản. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó Phòng VHTT TP. Cẩm Phả cho biết, sau thời gian cao điểm dịch bùng phát trên địa bàn, di tích đóng cửa thì đến ngày 2.3.2021, đền Cửa Ông mở cửa đón tiếp nhân dân trong tỉnh. Thời gian này, lượng người đến di tích không đông. Bắt đầu từ sáng 11.3, di tích thực hiện mở cửa đón tiếp du khách từ các tỉnh, thành đến chiêm bái và thực hiện các hoạt động nghi lễ, tâm linh.

Tại di tích, công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thường xuyên được đẩy mạnh: tuyên truyền trên loa, tuyên truyền trực quan...  Nội dung tuyên truyền đến du khách về thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, hướng dẫn khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách với khoảng cách tối thiểu 1m tại nơi thờ tự, hành lễ... Trong những ngày cuối tuần, lượng khách đông hơn, di tích bố trí tới 6-8 bàn hướng dẫn nhân dân kê khai y tế, các số liệu được cập nhật thường xuyên.

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 6

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 7

Thực hiện giãn cách tại di tích đền Cửa Ông (Quảng Ninh)

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Bích Thương cho biết, Đền Cửa Ông đón khách sau khi đã xây dựng phương án phòng dịch được BCĐ TP. Cẩm Phả phê duyệt. Tại đây khách được hướng dẫn khai báo y tế và sau khi kê khai, đóng dấu mới được vào di tích. Trong những cuối tuần, lượng du khách thập phương đổ về di tích tăng cao, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 vì vậy tiếp tục được tăng cường. Ngày 3.2 âm lịch (15.3.2021) là lễ hội văn hóa truyền thống đền Cửa Ông, tuy nhiên năm nay các hoạt động phần hội không tổ chức, chỉ thực hiện các hoạt động nghi lễ truyền thống.

Tại điểm hành hương trọng khu di tích Yên Tử, BQL khu di tích cũng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như trang bị máy đo thân nhiệt cho du khách, bố trí dung dịch sát khuẩn, tăng cường thông báo du khách thực hiện các quy định phòng dịch…

Phòng chống dịch tại các cơ sở tín ngưỡng, điểm sinh hoạt tôn giáo: Không thể chủ quan - Anh 8

Trước sự việc đông đúc, mất an toàn xảy ra tại Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam)  cho thấy, các địa điểm thu hút đông người, di tích, danh thắng, cơ sở tín ngưỡng không thể yên tâm chỉ với các phương án phòng dịch đưa ra trên giấy

Nhiều cơ sở tín ngưỡng khác trên cả nước cũng đã được chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng  để đảm bảo an toàn cho du khách đến chiêm bái, thực hành tín ngưỡng.

Mặc dù vậy, trước sự việc đông đúc, mất an toàn xảy ra tại Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) vừa qua cho thấy, các địa điểm thu hút đông người, di tích, danh thắng, cơ sở tín ngưỡng không thể  yên tâm chỉ với các phương án phòng dịch đưa ra trên giấy. Sự chủ động, đưa ra các cấp độ kiểm soát thực tế để kịp thời có giải pháp ứng phó là điều bắt buộc phải có trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, Các BQL di tích cũng cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân và du khách, tránh tâm lý chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

BẢO ANH; ảnh: BÍCH THƯƠNG, QUANG VINH

Ý kiến bạn đọc