"Cần tâm sự gì, các em cứ gửi thông tin cho thầy cô"

VHO- Tiết chào cờ của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) vào đầu tuần vừa qua không giống như mọi lần. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường đã dành ra tiết sinh hoạt dưới cờ này để trao đổi với học sinh của mình về một nội dung “nóng hổi”: Tình trạng bạo lực học đường với tên gọi chương trình “Sống để yêu thương”.

 

 Thầy Huỳnh Thanh Phú báo động về tình trạng bạo lực trong học đường và mong muốn các học sinh trong ứng xử phải biết nhường nhịn, yêu thương nhau

Mở đầu buổi sinh hoạt, thầy Phú bày tỏ với các học trò bằng câu hỏi: Vì sao hôm nay trường chúng ta tổ chức chuyên đề này? Đó là vì thời gian qua, đặc biệt là trong vài tháng trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau với tính chất tàn bạo, dã man, mà đáng lý ở lứa tuổi các em không thể có những hình ảnh bạo lực như vậy.

Không thể tưởng tượng được

Chuyện gì đã xảy ra khi bạo lực trong học đường đang ngày càng nhiều. “Khi xem những clip học sinh đánh nhau trên mạng xã hội vừa qua thầy đã rụng rời, không thể tưởng tượng được những nữ sinh mà có thể ra tay đánh bạn tàn nhẫn như vậy. Những hành vi này xã hội không chấp nhận, nhà trường càng không thể chấp nhận, người văn minh thì chúng ta không thể hành xử như thế”. Sau những phút ban đầu có phần ồn ào bởi các cuộc nói chuyện riêng của học sinh, không khí trở nên yên lặng và tập trung nghe thầy hiệu trưởng tiếp tục tâm sự.

Thầy Phú đọc cho học trò nghe những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời… Rồi thầy giáo giải thích, trong cuộc sống này chúng ta gặp nhau rồi kết bạn với nhau, cùng học chung một lớp thì hãy dành thời gian đó để yêu thương, trân quý nhau, chứ không phải chẳng vừa lòng thì nói xấu nhau, hiềm khích ganh đua rồi tìm những chuyện không đâu để xích mích, gây gổ… Thầy lại tiếp, “nhà thơ Tố Hữu có 2 câu thơ mà các em cũng đã được học ở cấp 2: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…, tấm lòng mà nhạc sĩ tài hoa muốn nói đến đó là tấm lòng bao dung, rộng lượng, để gió làm phương tiện giúp lòng tốt lan tỏa khắp muôn nơi.

Các em thấy đấy, các văn nghệ sĩ khi sáng tác ra một câu thơ, một nốt nhạc là đã trải nghiệm trong cuộc sống rất nhiều, điều đó đã trở thành phương châm sống đẹp đến ngày sau. Nếu sống mà không yêu đời, không yêu người thì sẽ cảm thấy lẻ loi, cô độc, thay vì vậy các em hãy sống sẻ chia sẽ thấy cuộc đời ý vị hơn”. “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân, nhường ở đây không phải mình thua bạn đâu, mà đó là thể hiện cách ứng xử văn minh, trí tuệ. Tại sao các em phải tranh giành một lời ăn tiếng nói ở trong lớp, hơn thua nhau bằng tin nhắn, bình luận trên mạng về một vấn đề nào đó để rồi xảy ra xung đột, hiềm khích và nếu không biết kiềm chế thì dẫn đến việc chửi nhau, đánh nhau, dùng những thủ đoạn tàn nhẫn để hại nhau?”, thầy giáo đặt câu hỏi.

Các em cần học những tấm gương đó

Trong câu chuyện chia sẻ, thầy Huỳnh Thanh Phú đã nhắc đến những tấm gương sáng như bạn Ngô Minh Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Triệu Sơn 5 (Thanh Hóa) đã 10 năm cõng bạn đến trường, đôi bạn cùng tiến này đều đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Rồi có một mẩu chuyện xúc động khác, là bạn Lê Viết Minh ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vừa bước qua tuổi 16 thì mẹ bị mắc bệnh ung thư. Thương mẹ và không còn cách nào khác, cậu đành bỏ học để ở nhà chăm mẹ những ngày cuối đời…

“Những tấm gương với người thật việc thật trong thời hiện đại đó các em cần phải nhìn vào để sống ý nghĩa hơn, biết giúp đỡ bè bạn, yêu thương gia đình mình. Không chỉ có vậy, các em lên trên mạng xã hội cũng sẽ thấy nhiều trường hợp như vậy, tại sao các em không học cái đó, lấy đó để chỉnh đốn bản thân. Thầy cô và cha mẹ không đòi hỏi các em làm những việc lớn lao, chỉ cần qua những phần việc có ý nghĩa trước mắt như hiến máu tình nguyện, góp phần quà ăn sáng cho các chương trình thiện nguyện, xây cầu nông thôn, ủng hộ người dân lũ lụt miền Trung,…”, thầy hiệu trưởng nói và khuyên các học trò nên sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, thể hiện con người có trí tuệ, có hiểu biết. “Các em cần phải thường xuyên đọc sách để cảm nhận cái hay, cái đẹp trong cuộc đời mà nuôi dưỡng tâm hồn mình, tránh việc bàng quan, vô cảm khi thấy những điều trái quấy trong cuộc sống, như khi nhìn bạn mình đánh nhau mà chỉ biết “làm thinh”, thậm chí còn hò hét, cổ vũ, quay hình rồi tung lên mạng. Các em có smartphone thì nên tìm kiếm những bài đọc để rèn trí tuệ, tình cảm chứ không phải để hơn thua, gây gổ lẫn nhau...”.

Trong bất cứ lúc nào, có điều gì cần tâm sự, các em cứ gửi thông tin cho thầy và các thầy cô trong trường, đừng để những u uất trong lòng rồi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hành xử thiếu văn hóa”, thầy Huỳnh Thanh Phú căn dặn học sinh. 

  Gia tăng tình trạng bạo lực học đường ở Đắk Lắk

Trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị phối hợp nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Thống kê của ngành GD&ĐT Đắk Lắk cho thấy, trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 27.2 đến 9.3) trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ liên quan bạo lực học đường trong lứa tuổi học sinh.

Cụ thể, vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 27.2, một nhóm nữ sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn rồi đánh nhau; Ngày 3.3 nam sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) bị đánh hội đồng; Tối 4.3, học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột hẹn đánh nhau, gây náo loạn cả khu phố. Công an TP Buôn Ma Thuột đang tiếp tục xác minh, triệu tập những người có liên quan để làm rõ; Tối 9.3, học sinh trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột) có xích mích với nhóm thanh, thiếu niên nên hẹn nhau đến khu vực hồ Ea Kao để giải quyết mâu thuẫn. Hỗn chiến xảy ra, nhóm này dùng dao, gạch, đá… tấn công khiến một thiếu niên nhập viện cấp cứu. Trước tình trạng trên, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có công văn về việc phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn ngừa tệ nạn xã hội vào trường học, gửi thủ trưởng các đơn vị để phối hợp, hạn chế việc học sinh vi phạm pháp luật.

Sở GD&ĐT nhận định trong thời gian vừa qua trên địa bàn gia tăng việc học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, bạo lực học đường. Sở yêu cầu các đơn vị chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm quan tâm, theo dõi sâu sát hơn nữa đối với học sinh của lớp mình, kịp thời nắm bắt các biểu hiện khác lạ của học sinh để tư vấn, uốn nắn ngay từ đầu, tránh trường hợp để xảy ra sự việc rồi mới tìm cách xử lý; Tổ chức đa dạng hơn nữa các sân chơi lành mạnh, tạo môi trường thân thiện giúp học sinh hiểu nhau hơn. Ngoài ra, các trường học cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương theo dõi, quản lý học sinh để nắm bắt kịp thời, phát hiện và có biện pháp phòng ngừa kịp thời các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học. NGỌC HÒA

 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc