Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Sức mạnh mới từ “Sân chơi Nỏ thần”

Thứ Hai 15/03/2021 | 11:14 GMT+7

VHO- Nằm cách di tích thành Cổ Loa 5 km, tại thị trấn Đông Anh (Hà Nội), một sân chơi cho trẻ em gắn với truyền thuyết Nỏ thần của nhà nước Âu Lạc vừa được thiết kế. Việc hình thành một không gian giải trí gắn kết với lịch sử của vùng đất, là cách để tạo ra sự tương tác mở cho cộng đồng.

 Phối cảnh sân chơi Nỏ thần

Sân chơi được kết cấu với hình ảnh cây nỏ khổng lồ được phân thành 4 phần, một phần ở giữa là sân chơi, các phần còn lại trải xung quanh, tạo thành hình cánh cung giống thứ vũ khí thiêng còn lưu trong sử cũ...

Khai thác chất liệu lịch sử

“Một ngày, tôi nhận được cuộc gọi và đầy ngạc nhiên khi được mời tham gia một dự án sân chơi. Sau thành công của dự án nghệ thuật Phúc Tân, tôi rất muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa cho trẻ em, nên tôi biết rằng đây là cơ hội hay để thử sức mình. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, ý tưởng về một tác phẩm nghệ thuật kết hợp với sân chơi như Nỏ thần vẫn chưa xuất hiện”, nghệ sĩ Ưu Đàm chia sẻ. Anh đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội, dạo quanh thị trấn Đông Anh, tới các khu di tích lịch sử, bảo tàng và nhận ra những báu vật đang “ngủ say” ở mảnh đất này. “Tôi ngồi trước bản thiết kế, câu chuyện Nỏ thần hiện ra, liên kết với hàng loạt suy nghĩ về truyền thuyết, điển tích lịch sử, văn hóa đã từng nghe qua sách vở, phim ảnh và quyết định đưa yếu tố Nỏ thần vào sân chơi. Rất mừng là khi họp với các cô bác tại địa phương, mọi người đều tán thành”, Ưu Đàm nói.

Sân chơi Nỏ thần đã chính thức khánh thành vào ngày 6.3 vừa qua, với sự hỗ trợ từ Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện. Khác với nhiều dự án sân chơi thông thường đã được thực hiện trước đây bởi Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (Think Playgrounds), Nỏ thần đặc biệt hơn khi có sự kết hợp với nghệ sĩ Ưu Đàm và lấy chính chất liệu lịch sử để làm nguồn cảm hứng xây dựng sân chơi cho trẻ em nơi đây.

Các em nhỏ khi nô đùa, leo trèo sẽ va chạm vào “móng thần” trên “nỏ thần”, qua đó gợi nhớ về tích xưa chuyện cũ. Bà Phạm Thị Thu Hồng, tổ 3, thị trấn Đông Anh hồ hởi bày tỏ: “Chúng tôi đã có một không gian ý nghĩa để bọn trẻ không chỉ vui chơi mà còn gợi nhắc, giáo dục về lịch sử dân tộc, về vùng đất địa linh nhân kiệt nơi chúng sinh ra và lớn lên đã đi vào truyền thuyết”.

Một hướng đi đầy ý nghĩa

Được biết, khi mới tiếp cận dự án, nhiều người dân tỏ ra khá ngạc nhiên, bởi mọi người đã quen với cách nghĩ về sân chơi phải có xích đu, cầu trượt... Sau khi được nghệ sĩ và nhóm thực hiện giải thích, ai nấy đều hào hứng tham gia xây dựng tác phẩm. Bởi lẽ, họ thiếu và cần một không gian có ý nghĩa giáo dục với phương châm “Học mà chơi - Chơi mà học”. Bởi lẽ, dường như vẫn luôn tiềm ẩn ở nơi đây bài học về một thời sơ khai của đất nước, vì mất cảnh giác mà để lộ bí mật quốc gia. Những người thực hiện tác phẩm hy vọng lịch sử của kinh đô Âu Lạc và những bài học của nó sẽ không bị quên lãng và để những cư dân, nhất là các em nhỏ, sẽ cảm thấy tự hào về sân chơi Nỏ thần, thay vì chỉ là một địa điểm vui chơi như rất nhiều không gian khác.

Với những ý tưởng thực hiện mới, sáng tạo, dự án sân chơi đã góp phần vào việc thực hiện mục đích thúc đẩy biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo khắp Việt Nam cũng như mang các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với công chúng. Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds Chu Kim Đức cho rằng, sự kết hợp với nghệ sĩ đã giúp định hình những giá trị sáng tạo ngầm cho sân chơi. Nhờ vậy, các sân chơi không bị lặp đi lặp lại nhàm chán, tẻ nhạt mà biến thành khoảng trời riêng cho các em, thông qua đó các em thu nhận được những kiến thức vô giá về thẩm mỹ, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. “Đến giờ, với Nỏ thần, chúng tôi rất hạnh phúc vì trong quá trình triển khai đã học hỏi và phát triển được nhiều mô hình sân chơi khác nhau. Việc tạo ra không gian kết nối, gợi mở được nhiều yếu tố như thế là một hướng đi ý nghĩa”, ông Chu Kim Đức chia sẻ.

Hướng đi ấy không chỉ ý nghĩa đối với các không gian công cộng mà còn với chính nghệ thuật, để nghệ thuật thúc đẩy thêm các ý niệm và đến gần hơn với công chúng số đông. Nói như nghệ sĩ Ưu Đàm, nghệ thuật không thể chỉ đóng khung trong tháp ngà, nghệ thuật cần khán giả, cần sự tương tác với cộng đồng, vì cộng đồng. “Nếu làm được điều đó, các công trình ở Việt Nam sẽ có sức mạnh mới. Sân chơi sẽ không chỉ là để chơi đùa một cách đơn thuần nữa. Đơn cử với sân chơi Nỏ thần, mong ước của tôi là làm sao mọi người khi đi ngang qua, có thể họ chưa từng biết về mảnh đất Đông Anh này, nhưng nếu bước vào họ sẽ hiểu đấy chính là lịch sử mà người dân nơi đây, từ các cô chú lớn tuổi đến các em nhỏ đều rất tự hào”, nghệ sĩ Ưu Đàm cho biết. 

 THU LÊ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top