Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội tìm giải pháp khôi phục và phát triển du lịch

Thứ Ba 19/01/2021 | 17:01 GMT+7

VHO- Sáng 19.1, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Du lịch và ngành Du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016- 2020; kết quả của ngành Du lịch Thành phố năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025.

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ yêu cầu ngành Du lịch Thành phố phải thực hiện những giải pháp đột phá nhất, cấp bách nhất để khôi phục và phát triển

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Tham dự có Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình và lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố, các sở, ngành trực thuộc.

Ngành Du lịch và dịch vụ chiếm tỷ trọng 63% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Năm 2019, riêng du lịch trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho GRDP thành phố 12,54%. Năm 2020, cả khách quốc tế và khách nội địa đều sụt giảm mạnh (đều giảm khoảng 70%), thiệt hại của ngành du lịch rất lớn. Tổng lượng đóng góp của ngành Du lịch thành phố cho GRDP chỉ còn khoảng 3,4%.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Giai đoạn 2016- 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 10,1%/năm. Riêng năm 2019, lượng khách đến Hà Nội đạt gần 29 triệu lượt, trong đó khách quốc tế trên 7 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân giai đoạn 2016- 2019 đạt 17,6%/năm, trong đó, năm 2019 đạt 103.812 tỉ đồng. Công suất sử dụng buồng phòng năm 2019 cũng đạt 67,9%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 06 đề ra.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên trong năm 2020, tất cả các chỉ tiêu của ngành Du lịch đều giảm mạnh. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế giảm 84,2%; khách nội địa giảm 65,6%; tổng thu từ khách du lịch giảm 73%; công suất sử dụng buồng phòng giảm 38% so với năm 2019; ngành Du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ.

Để khôi phục và phát triển du lịch năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô xây dựng 3 kịch bản. Trong đó, đặt kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, phấn đấu thu hút 15,34 triệu lượt khách nội địa, bằng 70% năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết năm 2020 ngành Du lịch Thủ đô thiệt hại khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Hà Nội chưa thực sự là nơi hút khách du lịch, mà là nơi trung chuyển, phân phối khách. Để hút được khách du lịch, nhất là khách nội địa phải tổ chức các sự kiện lớn; có các trung tâm giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần phát triển các loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng); phát triển các trung tâm mua sắm lớn, các trung tâm outlet (bán các sản phẩm tồn kho, giảm giá hoặc hết mùa) để phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng để phát triển du lịch thời gian tới, cần tập trung quy hoạch; kêu gọi các nhà đầu tư lớn phát triển các dự án du lịch; xác định thứ tự ưu tiên các dự án du lịch trung hạn để báo cáo thành phố phê duyệt...

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhận định, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ mạnh hơn những điểm yếu của ngành Du lịch Hà Nội. Với diễn biến dịch như hiện nay, dự báo sớm nhất phải đến năm 2022 trở đi thì khách du lịch quốc tế mới phục hồi lại như thời điểm trước đại dịch, do vậy, nhiệm vụ giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Thủ đô hiện nay rất hạn chế: Du lịch làng nghề Vạn Phúc chưa rõ; điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gần như “dậm chân tại chỗ”; thiếu địa điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ; chưa tổ chức được sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế mang tính thương hiệu... Kết quả thực hiện những giải pháp lâu dài theo Nghị quyết số 06-NQ/TU cũng còn nhiều thiếu sót, chưa đạt yêu cầu. 

Ghi nhận sự phát triển của du lịch Thủ đô giai đoạn 2016- 2019 nhưng Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng trăn trở việc những điểm yếu của Du lịch Hà Nội hiện nay phải chăng do công tác tổ chức, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 06 không nghiêm; tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành chưa có nhiều chuyển biến, vẫn xếp du lịch vào khối văn xã, chưa coi là một ngành kinh tế tổng hợp; quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch chưa được nhiều, còn nhiều việc dở dang; các doanh nghiệp du lịch chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, chưa có các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt? Đặc biệt, sản phẩm du lịch còn đơn chiếc, thiếu đặc sắc để phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch...

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng Hà Nội mới chỉ là trung tâm phân phối khách

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Sự phục hồi của ngành Du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với tăng trưởng của Thành phố trong năm 2021, dù là kịch bản cơ sở tăng 7,5% hay các kịch bản khác”. Vì thế, cần phải đề ra và thực hiện những giải pháp đột phá nhất, cấp bách nhất, đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành Du lịch thành phố trong năm 2021 bằng 50- 70% của năm 2019.

Trong năm 2021, Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức SEA Games 31, Sở Du lịch cần phát huy hiệu quả sự kiện thể thao lớn này; có kế hoạch để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động festival, ẩm thực... để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, cần phát triển các loại hình du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ. 

Ngành Du lịch phải chuẩn bị tâm thế để khi hết dịch Covid-19 mở cửa trở lại thì Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch đẳng cấp khác để thu hút khách quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động du lịch; rà soát, tính toán lại các loại giá, phí tham quan, phân biệt rõ đối tượng miễn, giảm và mức giá hợp lý với các đối tượng khác, không làm giảm giá trị di tích, danh lam, thắng cảnh... Bên cạnh đó, phải nâng cấp các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, nghiên cứu phát triển thêm các loại hình du lịch đường sông, du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cần nghiên cứu để xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố, có thể kết nối lên đến Ba Vì. Ngoài ra, cần phát triển mạnh loại hình du lịch ẩm thực; hình thành các khu ẩm thực, làng ẩm thực ngoài khu phố cổ, lựa chọn một số tuyến phố có không gian phù hợp để phát triển loại hình này. Cần quan tâm để phát triển mạnh hơn các loại hình du lịch làng nghề; đồng thời, phát triển du lịch học đường; thực hiện dự án Ki-lô-mét số 0; phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ; kết nối với các ngành kinh tế khác như văn hóa, công thương, nông nghiệp... để phát triển du lịch.  

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đánh giá thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy theo hướng ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU hoặc ban hành một nghị quyết chuyên đề mới để chỉ đạo phát triển du lịch với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.

NGUYỄN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top