Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bài toán cho phát triển Du lịch cộng đồng (Bài 3): Cùng chia sẻ lợi ích

Thứ Hai 18/01/2021 | 11:50 GMT+7

VHO- Du lịch cộng đồng ít phát triển ở các thành phố lớn, những nơi đô thị hóa cao vì tại đó thiếu sự gắn kết giữa các cá nhân, các hộ gia đình. Vì thế, ý nghĩa và lợi ích của du lịch cộng đồng ngày càng được thể hiện, khẳng định rõ nét tạo động lực cho người dân chủ động tham gia vào các mô hình du lịch cộng đồng.

 Khách tham quan vườn hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)

 Tài nguyên của hoạt động du lịch cộng đồng rất đa dạng, tập trung chủ yếu là ở vùng nông thôn, gắn với cuộc sống sinh hoạt lâu đời của người dân bản địa, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cá nhân trong cộng đồng. Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa quan trọng nhất chính là sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán của người dân sở tại và có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch nông nghiệp.

Sự hài lòng của du khách, người dân và doanh nghiệp

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây nhưng bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa tỉnh Đồng Tháp. Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp cho biết: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Hoạt động du lịch này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương”.

Tỉnh Đồng Tháp tập trung lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, văn hóa bản địa Đồng Tháp là quan trọng để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng. Hiện nay, địa phương đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch tham quan trải nghiệm ở các khu nông trại, trang trại, vườn cây ăn trái… gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa Đồng Tháp, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. “Có thể thấy, lợi ích của các bên được chia đều đó là khách du lịch có thêm trải nghiệm, người nông dân có thêm thu nhập, doanh nghiệp du lịch đông khách và thương hiệu du lịch, thương hiệu nông sản địa phương cũng được nâng lên, quảng bá khắp cả nước, tới cả các thị trường quốc tế”, ông Ngô Quang Tuyên nói. Doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh cũng đã phối hợp với nhiều Công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn để phục vụ khách du lịch nội địa, đặc biệt trong tình trạng bình thường mới, khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại.

Có thể kể đến hoạt động du lịch cộng đồng ở cánh đồng sen bạt ngàn Đồng Tháp Mười, thời điểm bắt đầu chỉ có 5 hộ dân tham gia khai thác loại hình du lịch cộng đồng, đưa khách đi trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đến nay đã có 9 hộ tham gia khai thác du lịch cộng đồng. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, dịp lễ Tết lượng khách tăng gấp 3 lần. Ở huyện Lai Vung, các hộ dân có vườn cam, quýt, thanh long cũng đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Với 9 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long khai thác phục vụ khách tham quan du lịch, chỉ trong 1 năm gần đây, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 39.000 lượt khách, tổng thu đạt trên 12,5 tỉ đồng.

Đặc biệt mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp phát triển nông nghiệp thành công nhất là thành phố Sa Đéc. Được định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam Bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài, làng hoa Sa Đéc là điểm đến, điểm lưu trú hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Ngoài việc được tận hưởng vẻ đẹp các loài hoa, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng, thưởng thức những món ăn ngon, nhiều loại bánh được chế biến từ bột gạo Sa Đéc.

Đa dạng hóa sản phẩm của địa phương

Là một trong những địa phương theo đuổi phát triển du lịch cộng đồng đã lâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, phát huy thế mạnh của tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có nhiều tài nguyên, giàu bản sắc văn hóa nhưng nhiều năm nay du lịch Nam Định vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định, hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu diễn ra tại 2 huyện ven biển Giao Thủy và Hải Hậu.

Tại huyện Giao Thủy, mô hình du lịch sinh thái ở đây dựa vào cộng đồng tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy” được triển khai từ năm 2006 với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD). Còn ở huyện Hải Hậu, mô hình Ecohost Hải Hậu đã được triển khai tại trung tâm thị trấn Yên Định là mô hình kinh doanh chú trọng việc nâng cao trải nghiệm ở homestay tại địa phương, phát triển công tác quản lý hệ thống lưu trú tại nhà dân, đưa khách tham quan làng nghề, làng hoa cây cảnh Vị Khê, rối nước Hồng Quang (Nam Trực), ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), làng kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu), làng nghề làm muối Bạch Long (Giao Thủy)…

Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, du lịch cộng đồng đã tạo việc làm, giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, giúp bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, quan trọng nhất là có những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút khách. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái Triệu Bích Ngọc cho biết: “Tính đến nay tỉnh Yên Bái có 186 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Nhiều khu du lịch cộng đồng đã nằm trong bản đồ du lịch cầm tay của khách ngoại quốc như: thôn Ngòi Tu, huyện Yên Bình; bản Đêu, Sà Rèn, Chao Hạ, thị xã Nghĩa Lộ; Giáp Luồng, Giáp Chảy, Tát Én, huyện Lục Yên; Ao Luông, Gốc Bục, huyện Văn Chấn; Bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Dền Thàng, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải… hằng năm đón trên 20.000 lượt khách”.

Trong thời gian tới, để du lịch cộng đồng phát triển và đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo được các điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu tỉnh Yên Bái sẽ tập trung hỗ trợ một số điểm như bản du lịch cộng đồng tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải gắn với truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc Mông và di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; bản Sà Rèn xã Nghĩa Lợi, bản Đêu xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ gắn với văn hóa đồng bào dân tộc Thái.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, làm du lịch cộng đồng cần hướng tới tư duy sáng tạo, chứ không chỉ suy diễn logic và suy luận quy nạp theo kiểu làng nào, thôn bản nào có gì thì làm nấy hoặc mô hình này đang thịnh hành thì chỉ cần làm theo là sẽ sinh lời. Tư duy sáng tạo sẽ giúp đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên là những thứ bằng mọi giá phải giữ, nếu để mất đi bản sắc văn hóa thì coi như bỏ, không còn là du lịch cộng đồng, cũng không còn sự khác biệt nữa.

BÀI 4: Thiếu định hướng, thiếu chính sách

THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top