Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phim chuyển thể từ văn học kinh điển: Làm sao cho khéo?

Thứ Tư 13/01/2021 | 10:32 GMT+7

VHO- Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển là một hướng đi gặt hái được nhiều thành công của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây. Đặc biệt, “cú hích” Mắt biếc của Victor Vũ đạt hơn 172 tỉ đồng doanh thu đã tạo niềm tin cho các nhà sản xuất thêm vững tâm bước vào địa hạt màu mỡ này.

 Chú chó Shiba có ngoại hình mập mạp và không thuần Việt trong vai Cậu Vàng đã gây nhiều tranh cãi

 Trong năm 2020 vừa qua, theo kế hoạch, có đến 4 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ văn học: Kiều, Trạng Tí, Cậu Vàng Số Đỏ… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mãi đến đầu năm 2021 mới chỉ có Cậu Vàng ra rạp.

Con dao hai lưỡi

Phim Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học vốn đã được khai thác từ vài chục năm trước, nhiều tác phẩm gặt hái được thành công vang dội, chính vì thế, các nhà làm phim đương đại có hướng tiếp cận dễ dàng. Bên cạnh đó, phim chuyển thể rất dễ thu hút sự chú ý bởi các tác phẩm văn học kinh điển như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng hay Truyện Kiều của Nguyễn Du… vốn đã quá nổi tiếng. Như vậy, bước đầu nhà sản xuất đã tạo được thương hiệu trong khi nhiều bộ phim khác phải dùng mọi cách để tiếp cận khán giả.

Song song với thuận lợi, việc chuyển thể từ các tác phẩm văn học vẫn luôn đặt ra cho nhà làm phim rất nhiều thách thức, nhất là khi khán giả ra rạp ngày càng khó tính. Số Đỏ tái hiện xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945, Lão Hạc kể về cuộc sống người nông dân trước Cách mạng… nếu ê kíp sai sót bối cảnh xã hội, lịch sử lúc bấy giờ thì rất dễ bị phản ứng, trong khi việc phục dựng bối cảnh xưa của các đoàn làm phim luôn “vấp” phải nhiều khó khăn. Cùng với đó, khâu tạo hình nhân vật cũng là áp lực, khi mà những hình tượng như Thúy Kiều hay Xuân Tóc Đỏ… đã quá kinh điển, nên việc diễn viên hóa thân vào nhân vật sao cho đúng nhất, hay nhất vẫn là điều mà nhiều đoàn phim trăn trở. Đặc biệt, dòng phim chuyển thể phải có kịch bản tốt thì mới có thể khiến khán giả tin và thuyết phục được họ ra rạp. Nếu làm chưa “tới” sẽ gây “méo mó” các tác phẩm văn học vốn đã “nằm lòng” công chúng lâu nay. Chính vì thế, để cho ra đời một bộ phim thành công thì các nhà làm phim phải có sự chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng và mang tính dài hơi.

Với dự án phim điện ảnh Số Đỏ đang được nhiều khán giả mong đợi, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, bởi người xem đã biết trước diễn biến câu chuyện nên khi chuyển thể luôn cần có sáng tạo mới, không thể bê nguyên xi nguyên tác lên màn ảnh rộng, nhưng cũng không thể lồng ghép vào đó những chi tiết quá xa lạ, lạc lõng so với tổng thể chung bộ phim. Anh cũng nhấn mạnh, khi quyết định đến với dòng phim này, các nhà làm phim phải thật sự tỉnh táo, nhất là khi ngày một nhiều người mang cho mình suy nghĩ táo bạo “được ăn cả ngã về không”.

Hy vọng để rồi…

Sau bao khó khăn, đầu năm 2021 này, Cậu Vàng của cố NSND Bùi Cường đã chính thức ra mắt khán giả. Tưởng chừng sẽ làm nên “chuyện”, ngờ đâu ngay khi công chiếu bộ phim đã liên tiếp bị khán giả nhặt “sạn”. Nếu như những ngày đầu dự án phim dựa trên tác phẩm gắn liền với bao thế hệ học trò là Lão Hạc (Nam Cao) nhận được nhiều phản hồi tích cực, thì ngay sau đó đã “vấp” phải những dư luận trái chiều. Từ lâu, hình tượng con chó vàng của Lão Hạc nghèo khổ, đói khát đã ăn sâu trong tâm trí người Việt, nhưng việc đoàn làm phim chọn chú chó Shiba có ngoại hình mập mạp và không thuần Việt đã khơi nguồn cho nhiều tranh cãi…

Nhìn một cách tổng quan, Cậu Vàng chỉ lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Nam Cao chứ không hoàn toàn trung thành với nguyên tác. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ nhà làm phim có quyền cải biên chất liệu văn học sao cho phù hợp với phim điện ảnh, cũng như thêm thắt, biến tấu để thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, với Cậu Vàng, mọi thứ dường như dư thừa, rời rạc và có phần lủng củng. Điểm sáng tạo mới của phim là nối dài câu chuyện về Vợ ba của Bá Kiến, cùng với đó là quá trình hoàn lương của Binh Tư. Thế nhưng, phim có quá nhiều tuyến nhân vật mà không có một nhân vật trung tâm dẫn dắt khiến cho mạch phim rời rạc hơn nữa. Những bi kịch nhỏ lẻ của Lão Hạc, Binh Tư hay người Vợ ba trở nên phân mảnh, không có mấu chốt, hay vai trò của những nhân vật như Bá Kiến, Ông giáo... càng về cuối phim lại càng mờ nhạt, và một cái kết mà khán giả không cần xem phim vẫn có thể đoán ra...

Cách xây dựng hình tượng nhân vật Cậu Vàng cũng có phần phi lý. Ví dụ trong cảnh đám người của Lý trưởng cầm gậy gộc đến nhà Lão Hạc để đòi nợ, chẳng hiểu sao chỉ cần một chú chó xông ra sủa vài tiếng là tất cả đều lùi lại và sợ hãi. Suốt bộ phim, chú chó hiện lên với “quyền lực” chẳng khác nào một vị anh hùng, một vị cứu tinh khi vừa bảo vệ chủ, cứu người, vừa thoát khỏi tay kẻ xấu và cầm đầu lũ chó hoang. Không dừng lại ở đó, xuyên suốt bộ phim là những tình tiết phóng đại quá sức đến mức phi lý về sự thông minh, gan dạ của Cậu Vàng.

Không chỉ yếu về nội dung, phần kỹ thuật cũng khiến người xem “ngao ngán”. Màu sắc lúc nóng lúc lạnh lộn xộn, hình ảnh nhiều phân cảnh bị vỡ, nhòe; đoạn kể về những khoảnh khắc tăm tối như giai đoạn người nông dân mất mùa, hay đoạn bị lũ cường hào ác bá bóc lột sưu thuế thì màu sắc và hình ảnh trong phim lại tươi sáng và thơ mộng như một hoài niệm về tình yêu…

Văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trước tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, thay vì remake lại những bộ phim của nước ngoài, thì xu hướng chuyển thể đưa các tác phẩm văn học nước nhà lên phim là điều cần thiết. Thế nhưng, để làm tốt dòng phim này, các nhà làm phim phải khai thác thật sự hợp lý nguồn “tài nguyên” để không gây lãng phí. Cốt lõi quan trọng nhất vẫn là kịch bản hay, chặt chẽ, logic và tìm được tiếng nói chung với khán giả, đặc biệt là lớp trẻ. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top