Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vì sao "ngọc quý" chưa thể tỏa sáng?

Thứ Hai 04/01/2021 | 10:55 GMT+7

VHO- Từ nhiều năm nay, câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó không chỉ đối với giới nghệ sĩ mà cả với những nhà quản lý văn hóa. Dù thực tế nghệ thuật dân tộc đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện nhưng dường như những “viên ngọc quý” vẫn chưa thể tỏa sáng!

 Nghệ sĩ trẻ Trần Lệ Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam), HCV Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020 với trích đoạn “Thị Màu lên chùa” 

 Trong dòng chảy như vũ bão của cơ chế thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp, sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch hát dân tộc… đang thật sự bấp bênh và “èo uột”.

Chỉ có thể diễn miễn phí

Điểm qua một số nhà hát “anh cả” cũng có thể thấy những thời khắc “đỏ đèn” vô cùng thưa thớt và hầu như đều diễn miễn phí hoặc bán vé với giá... tượng trưng. Ấy thế mà người xem cũng rất khiêm tốn! Khán giả không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống nên các nghệ sĩ không thể sống được bằng nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một vài loại hình có nguy cơ “chết yểu” do không có lực lượng kế cận.

Một trong những yếu tố khó khăn nhất để bảo tồn và phát triển những bộ môn văn hóa đặc sắc của dân tộc là nguồn lực kế cận, từ lâu vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng. Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là đơn vị đào tạo nghệ thuật truyền thống hàng đầu của nước ta cũng rất khó khăn trong công tác tuyển sinh cho ngành Kịch hát dân tộc. Từ 10-15 năm trở lại đây, bộ môn Chèo và Cải lương mặc dù có đông thí sinh đăng ký, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số 15. Để bảo đảm đầu vào, nhà trường đã kết hợp với các nhà hát xuống tận địa phương để tìm nguồn, nhưng nhiều gia đình dứt khoát không đồng ý cho con em theo học, bởi họ sợ theo nghề này thì thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống. Thực tế, các em khi ra trường chỉ có khoảng 50-60% làm nghề và theo nghề, còn sống được bằng nghề lại là câu chuyện khác.

Nhà nước cũng đã có nhiều cơ chế ưu đãi đối với nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống như: Miễn giảm học phí, tạo đầu ra, mở rộng điều kiện học tập, trau dồi nâng cao trình độ và các chính sách ưu tiên khác… Bên cạnh đó, những năm gần đây, các Sở, ban, ngành đã cùng chung tay xây dựng mô hình liên kết du lịch với nghệ thuật và đã áp dụng rất hiệu quả ở nhiều nơi. Những vở diễn sân khấu được thường xuyên tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng, chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu khán giả. Do đó, việc “trải thảm đỏ” để hút các thí sinh vẫn không mấy hiệu quả.

Một thực trạng nữa là việc tạo thương hiệu cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống còn hạn chế bởi không có rạp biểu diễn, công tác quảng cáo chưa thực sự được quan tâm. Một số đơn vị có rạp như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu với những chương trình định kỳ, ví dụ như Chiếu Chèo (tối thứ 6 hằng tuần) của Nhà hát Chèo Việt Nam đã được duy trì từ năm 2013 đến nay, Năm Cung Chèo (tối thứ 4 hằng tuần) đã được duy trì từ cuối năm 2018. Mặc dù vẫn phải bù lỗ nhưng đã tạo thói quen cho khán giả biết về lịch biểu diễn thường kỳ. Đó là ưu thế của những Nhà hát có rạp biểu diễn riêng. Còn đối với những đơn vị không có rạp, việc hình thành các chương trình như vậy quả là rất khó khăn bởi còn vướng mắc về nguồn kinh phí thuê địa điểm, liệu có thu đủ để bù chi?

Bên cạnh đó, vấn đề quảng bá hình ảnh của các Nhà hát chưa thực sự được quan tâm. Trong thời đại của công nghệ, chúng ta cần biết tận dụng những thế mạnh của Internet để kết nối với khán giả. Việc lập ra website, fanpage, kênh youtube riêng là điều cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là phải có đội ngũ làm marketing chất lượng, có tư duy và biết cách thu hút khán giả. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với các Nhà hát, bởi để có được nguồn nhân lực làm công việc này hoàn toàn không phải dễ.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng nghệ thuật truyền thống vẫn chưa thể phát triển như mong muốn. Trong ảnh: Một cảnh của vở diễn Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Không phải chuyện một sớm một chiều…

Theo quan điểm của cá nhân người viết, để bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của nghệ thuật truyền thống là việc làm không thể nóng vội, một sớm một chiều mà thành công. Với kinh nghiệm của hơn 40 năm trong nghề, xuất phát từ vị trí của một diễn viên cho đến vị trí của người làm quản lý, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước và của nghề từ khi hoàng kim đến lúc thoái trào, tôi xin đề xuất một số chính sách mà Nhà nước cần dành cho nghệ thuật truyền thống:

Một là, cần phải đặt văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống về đúng vị thế “soi đường cho quốc dân đi”, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hai là, ngành Văn hóa và ngành Giáo dục cùng phối hợp để đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào nhà trường như một môn học chính thức để tạo gắn kết và cũng là tiền đề để tìm ra những tài năng nghệ thuật cho tương lai. Ba là, cần có thiết chế “cứng” để kết hợp chặt chẽ văn hóa truyền thống với du lịch, giúp các đơn vị nghệ thuật có “đất sống”, chỉ việc tập trung nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ khán giả. Bốn là, đầu tư kinh phí hằng năm cho nghệ thuật truyền thống trong công tác truyền thông, quảng bá để các hoạt động của đơn vị được đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt là với giới trẻ. Năm là, tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống để họ yên tâm làm nghề. Sáu là, bảo trợ cho nghệ thuật truyền thống, cụ thể như hỗ trợ phục dựng các vở diễn, trích đoạn cổ, như là sản phẩm do Nhà nước đặt hàng để bảo tồn, gìn giữ, đồng thời có thể quảng bá những chương trình mang yếu tố “văn hóa thuần Việt” tới du khách trong nước và quốc tế; hỗ trợ điểm diễn thường xuyên cho các loại hình nghệ thuật truyền thống để tạo thói quen thưởng thức cũng như điểm đến quen thuộc cho khán giả.

Trong thời đại ngày nay, hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Muốn nghệ thuật truyền thống được trở về với thời hoàng kim của nó, hoặc chí ít là tồn tại và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải thực sự tận tâm, tận lực để tham mưu những cơ chế khả thi, hữu ích nhất cho Nhà nước; và quan trọng không kém là sự nỗ lực, nhiệt huyết của các nghệ sĩ và sự chung tay của toàn xã hội. 

 Để bảo đảm đầu vào, nhà trường đã kết hợp với các nhà hát xuống tận địa phương để tìm nguồn, nhưng nhiều gia đình dứt khoát không đồng ý cho con em theo học, bởi họ sợ theo nghề này thì thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống. Thực tế, các em khi ra trường chỉ có khoảng 50-60% làm nghề và theo nghề, còn sống được bằng nghề lại là câu chuyện khác.

NSND NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top