Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thử nghiệm với Trăng: Rối biến hóa để “bắt tay” du lịch

Thứ Sáu 01/01/2021 | 09:28 GMT+7

VHO-  Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa ra mắt chương trình nghệ thuật thử nghiệm mang tên Trăng. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tìm tòi, thay đổi hình thức thể hiện nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cho sân khấu múa rối, đồng thời hướng tới đối tượng khán giả “tiềm năng” là du khách đến tham quan và tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

 Các tiết mục múa rối trong "Trăng" được tạo hình rất ấn tượng

Thông điệp văn hóa đặc trưng của các dân tộc Việt Nam được ê kíp sáng tạo đưa lên sân khấu múa rối một cách đầy bất ngờ, biến hóa với nhiều mảng miếng, trò rối kết hợp cùng dàn nhạc dân tộc và múa đã mang tới một lối trình diễn mới mẻ, sáng tạo.

Từ mong muốn có show diễn du lịch đậm đà bản sắc

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn của Trăng chia sẻ: “Chương trình được xây dựng từ mong muốn có một show diễn phục vụ du lịch mang đậm màu sắc văn hóa nghệ thuật giống một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc... Chính vì vậy, ê kíp sáng tạo đã sử dụng nhiều yếu tố trình diễn như âm nhạc dân tộc, múa kết hợp với nghệ thuật rối để tạo sức hấp dẫn. Chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào chương trình các nét riêng độc đáo của nhiều vùng miền để khán giả có cơ hội hiểu thêm về văn hóa bản địa Việt Nam”.

Lấy đề tài Trăng làm nguồn cảm hứng để xây dựng một chương trình nghệ thuật mang tính tổng hợp là cái khéo của ê kíp dàn dựng. Nếu để diễn tả không khí tưng bừng của lời ca, điệu nhạc hay những điệu múa dân tộc nhiều sắc màu tiêu biểu của các vùng miền Bắc, Trung, Nam thì nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam khó có thể vượt qua được các nhà hát ca múa nhạc chuyên nghiệp, vì vậy mà những người làm Trăng đã có một cách khai thác rất riêng. Tính huyền ảo của trăng là điều kiện phù hợp đối với sân khấu múa rối và các tiết mục được xử lý với “liều lượng” vừa đủ, hài hòa giữa tổng thể một chương trình nghệ thuật mang tính tổng hợp.

Tới xem Trăng, khán giả quả thực đã mãn nhãn khi du ngoạn cùng ánh trăng và thưởng thức những nét văn hóa của mọi vùng miền trên dải đất Việt Nam tươi đẹp. Vẫn là diễn tả vẻ đẹp miền sơn cước với các chàng trai, cô gái dân tộc trong trang phục dân tộc Tây Nguyên rực rỡ sắc màu, lưng đeo gùi nhưng lại thể hiện dưới hình thức rối và người cùng kết hợp vô cùng ấn tượng; hoặc đắm mình trong ánh trăng ấm áp của vùng đất phương Nam để thưởng thức những làn điệu dân ca ngọt ngào cùng với vũ điệu múa mâm vàng, múa hoa sen được tạo hình đẹp mắt; rồi ánh trăng trải dài miền Trung du bên tiếng suối róc rách cùng những guồng nước quay, những cánh cò rập rờn do nghệ sĩ rối nước thể hiện… Cùng với sân khấu dưới nước thì sự bổ trợ của sân khấu trên tầng 2 cũng đã tạo đất thể hiện cho các tiết mục rối cạn và cả những loại hình nghệ thuật khác như múa, trống hội...

 "Trăng" kết hợp sân khấu 2 tầng với rối nước và rối cạn

Đặt mình vào vị trí của khán giả để thử nghiệm

Âm nhạc được phối khí hiện đại, bay bổng nhưng vẫn mang đậm chất truyền thống, kết hợp với âm thanh, ánh sáng hiện đại, đặc biệt là tạo hình rối ngộ nghĩnh là một thử nghiệm thành công cho Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ở Trăng, có thể thấy sự biến hóa ngoạn mục của múa rối, có khi chỉ tạo hình con cò mặc áo tơi với động tác ngậm que vàng hoặc những con rối mô phỏng người Tây Nguyên vác trên lưng những chiếc gùi ngộ nghĩnh cũng đã đủ mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc đầy thú vị.

NSƯT Đỗ Kỷ, Quyền Trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận xét: “Trăng là một chương trình hấp dẫn bởi đã kết hợp ăn ý nghệ thuật múa rối với nghệ thuật ca, múa, nhạc. Đạo diễn đã tận dụng tốt mọi không gian và các tầng sân khấu đầy sáng tạo. Với Trăng, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thêm một lần khẳng định múa rối không chỉ phục vụ cho trẻ thơ mà cả người lớn cũng sẽ bị hấp dẫn. Điều thú vị hơn cả là lồng ghép trong một chương trình nghệ thuật tổng hợp khiến các tiết mục múa rối càng nổi trội và thu hút hơn”.

Ê kíp sáng tạo đã đặt mình vào vị trí của khán giả để muốn biết du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, mong muốn gì khi xem 1 show diễn nghệ thuật ở Việt Nam. Nếu chỉ là 1 chương trình đậm đặc các tiết mục múa rối sẽ phần nào gây nên sự nhàm chán, đó là lý do Trăng đổi mới để thích nghi và tạo sức hấp dẫn. Không quá đặt nặng các thử nghiệm phá cách của múa rối, Trăng được hoan nghênh bởi đã tạo nên một không khí giải trí nhẹ nhàng trong tổng hòa chung của một chương trình nghệ thuật đa sắc màu. 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top