Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Phở - Gói văn hóa Việt vươn tầm thế giới

Thứ Hai 14/12/2020 | 08:34 GMT+7

VHO- Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè 5 châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất chữ S.

Từ 1 đất nước nhỏ bé, Phở - một món ăn đậm quốc hồn quốc túy của Việt Nam đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Phở - đã tự tạo cho mình 1 danh từ riêng trong từ điển Oxford của Anh. Làm được điều này, phở không đơn giản là món ăn ngon với câu chuyện ẩm thực – mà còn là câu chuyện về việc lưu giữ tinh hoa, cốt cách của người Việt để vươn ra thế giới. 

(Ảnh minh họa)

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khởi đầu một ngày mới bằng tô phở bò đặc biệt. Tô phở nóng làm tan cái lạnh trong ngày đông Hà Nội và giúp ông có thêm năng lượng cho một ngày làm việc. Ngay từ lúc ăn tô phở đầu tiên khi đặt chân đến Hà Nội, ông Saadi Salama đã đem lòng yêu phở Việt và thừa nhận mình là người nghiện phở: 

"Lần đầu tiên tôi nhìn người ta ăn phở và thấy thái độ của người ăn đối với món ăn thì tôi quyết định thử xem thế nào. Tôi bắt đầu thử ăn phở, tôi thấy nó quá ngon, quá thú vị. Và từ ngày đó tôi đã đồng hành với phở. Giờ tôi đã trở thành một người nghiện phở. Đối với tôi phở là 1 thức ăn không thể thiếu trong gia đình. Thậm chí, tuần nào không ăn phở là tôi thấy thiếu gì đó".

40 năm gắn bó với Việt Nam, gần 20 năm sinh sống ở  Hà Nội, ông Salama luôn tin rằng phở chính là 1 cơ duyên níu giữ ông lại dải đất xa về địa lý, nhưng gần về tình cảm đối với quê hương của ông. Phở không còn đơn thuần là một món ăn, Phở trở thành một dấu ấn, một kỷ niệm về Việt Nam đối với những người nước ngoài như ông: "Ở Việt Nam, phở đã trở thành một món ăn đặc trưng và rất nhiều người trên thế giới đều biết đến. Khi người ta đến Việt Nam thì họ cũng sẽ tìm đến chỗ bán phở. Tôi tin chắc rằng, những người được ăn những bát phở ngon thì họ sẽ mang theo họ một kỷ niệm tuyệt vời để kể lại đất nước Việt Nam, một nền ẩm thực của Việt Nam".

(Ảnh minh họa)

Phở ra đời cách đây cả trăm năm, là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Phở có mặt ở mọi ngóc ngách của Việt Nam, từ bếp trong nhà ra ngoài phố, từ những quán phở gánh vỉa hè xưa cũ đến những quán phở lớn sang trọng ngày nay. Theo dòng chảy thời gian, phở theo chân người Việt đi khắp năm châu 4 bể như 1 hành trang tinh thần đậm hồn cốt dân tộc.

Như nhà sử học Dương Trung Quốc ví von, phở là đại sứ Việt Nam thân thiện, gần gũi nhất ở nước ngoài: "Phở đã quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi. Vì thế tôi nghĩ rằng, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gần gũi nhất thân thiện nhất với mọi người".

Chính cái tên của phở cũng khiến người ta nhớ mãi. Không có ngôn ngữ nào thay thế cho từ phở và thậm chí nó có mặt trong mọi loại từ điển. Ở Việt Nam, đã có một ngày riêng dành cho phở, dành cho những người yêu thích phở, dành cho người làm ra phở, ngày 12/12. Nhưng làm sao để phở vươn xa hơn nữa, để phở thực sự trở thành “hộ chiếu của ẩm thực Việt” - đó cũng là nỗi trăn trở của những người làm ra phở.

Ông Nguyễn Kim Hoàng – chủ cửa hàng phở Hà Nội đã mang theo gánh phở của mẹ từ Bắc vào Nam hơn 40 năm qua, cho rằng, với thời cuộc hiện nay, việc đưa văn hóa ra thế giới cũng là 1 phần để khẳng định vị thế của ẩm thực Việt. Ông đã truyền lại cho học trò công thức gia truyền của món Phở xứ Bắc để mang đến nước Australia xa xôi.

Chị Vũ Kiều Trang, con gái của nghệ nhân làm phở Phạm Thị Ánh Tuyết, chia sẻ: "Tôi cũng như mọi người Việt, cũng có mong muốn quốc hồn quốc túy của Việt Nam sẽ được mở rộng tới nhiều nước khác và phải được giữ nguyên bản. Tôi sẽ không thay đổi chỉ để chạy theo số đông".

Nhà thơ Tú Mỡ từng có câu: “Phở - quà đáng quý trên đời – Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi – Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ”. Chính từ những cái giản dị nhưng đậm chất của phở Việt, món ăn này hiện đã ghi danh mình trong thực đơn nhiều nước trên thế giới. Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè 5 châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất chữ S.

VOV.VN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top