Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020: Nỗ lực tối đa để khắc phục những điều đáng tiếc ảnh hưởng đến chất lượng triển lãm

Thứ Tư 09/12/2020 | 11:02 GMT+7

VHO-  Sau một tuần khai mạc, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đang là địa chỉ thu hút nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc và công chúng yêu mến nghệ thuật tạo hình. Là hoạt động định kỳ đã diễn ra từ nhiều năm nay, sân chơi lớn của nền hội họa nước nhà luôn chứng tỏ sức hút không nhỏ đối với giới nghề và công chúng.

 Tác phẩm Tích tắc của tác giả Võ Việt Dũng đoạt giải Nhì

Trước những vấn đề đặt ra về chất lượng nghệ thuật và công tác tổ chức tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm nay, ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng BTC đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa.

BTC xin nhận trách nhiệm và xin lỗi các tác giả

 P.V: Thưa ông, BTC Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã đón nhận đầy đủ thông tin liên quan đến những vấn đề về công tác tổ chức tại sự kiện này, cụ thể như những tác phẩm bị trầy xước, bị thất lạc hay chưa? Với tư cách là Trưởng BTC Triển lãm, ông có ý kiến gì trước những sự việc này?

- Ông Mã Thế Anh: Trước tiên, với tư cách Trưởng BTC Triển lãm, tôi xin nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến từng cá nhân tác giả có tác phẩm bị xước và thất lạc tại cuộc Triển lãm năm nay. Thực sự đây là những điều vô cùng đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tác giả mà uy tín chung của cuộc Triển lãm cũng đã bị mất mát rất nhiều.

Những thông tin về các tác phẩm bị hư hại, trầy xước cũng như bị mất mát, thất lạc, BTC Triển lãm đã cập nhật đầy đủ, thường xuyên trong những ngày qua. Ngay từ những thông tin đầu tiên, BTC đã tiến hành rà soát, đánh giá các mức độ hư hại, mất mát đối với từng tác phẩm. Là Trưởng BTC, cũng là một nghệ sĩ, bản thân tôi hiểu rõ mỗi tác phẩm đều là những tâm huyết, là đứa con tinh thần của tác giả. Bởi vậy, ngay khi phát hiện vụ việc, BTC đã chủ động gọi điện cho các tác giả để xin lỗi, nhận lỗi. Trong những trường hợp như thế này, tôi hiểu rằng một lời xin lỗi là không đủ, nhưng với tinh thần cầu thị và chân thành nhất, chúng tôi sẽ có cuộc gặp gỡ với từng tác giả. BTC sẽ có phương án khắc phục trên cơ sở lắng nghe ý kiến của họ. Qua đây, một lần nữa, tôi xin bày tỏ lời xin lỗi đối với các họa sĩ, nhà điêu khắc, vì mỗi tác phẩm đều là những tâm huyết không thể thay thế của các nghệ sĩ.

Ông từng nói rằng, với một triển lãm quy mô lớn gồm hơn 500 tác phẩm, cách tổ chức triển lãm như thế này rất dễ xảy ra những điều không mong muốn. Như vậy, thực tế này đang đặt ra những yêu cầu phải thay đổi cách thức tổ chức triển lãm?

- Đây là sân chơi cao nhất của giới mỹ thuật, điêu khắc trong cả nước và cũng là lần đầu tiên chúng ta quay trở lại mô hình tổ chức tại hai nơi là Hà Nội và TP.HCM. Về mặt bằng chung, triển lãm năm nay thu hút một số lượng lớn các tác phẩm tranh, điêu khắc có chất lượng nghệ thuật. BTC đã nỗ lực để khắc phục khó khăn về địa điểm và điều kiện tổ chức để Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 có thể ra mắt công chúng trong một diện mạo tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đã nảy sinh những vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Ngay khi nhận được những thông tin về các vấn đề xảy ra tại triển lãm, BTC đã tính đến phương án cần thay đổi cách thức tổ chức trong những lần sau. Mặt khác, đối với khâu vận chuyển và bài trí tranh, tượng, cần thiết phải nâng cao nhận thức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ tham gia. Những tổn thương, mất mát đối với các tác phẩm ở triển lãm phần nhiều liên quan đến công tác này. Phải thẳng thắn thừa nhận sự thiếu sót, không có những cẩn trọng cần thiết đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Những thay đổi về cách thức tổ chức chắc chắn phải có. Nhưng cụ thể như thế nào thì cần phải có những tính toán kỹ lưỡng. Tôi chỉ có thể nói rằng, trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan quản lý nhà nước về Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ nỗ lực tối đa để khắc phục những vấn đề đã xảy ra, hạn chế nhiều nhất những ảnh hưởng đến chất lượng cũng như uy tín của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.

 Tác phẩm đoạt giải khuyến khích của Đặng Thị Thu An - Ngũ sắc - Sơn dầu

Toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam đương đại

Về chất lượng nghệ thuật, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 được giới chuyên môn đánh giá đã quy tụ được nhiều tác phẩm chất lượng, chuyên nghiệp. Có thể nói, Triển lãm đã phác họa nên một diện mạo toàn cảnh nền mỹ thuật Việt Nam đương đại hay chưa, thưa ông?

- Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh rất đặc thù là đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng các tác giả ở khắp mọi miền đất nước vẫn nhiệt tình, tâm huyết gửi tác phẩm tham dự Triển lãm. Kết quả là sau hơn 6 tháng phát động, BTC đã nhận được 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. HĐNT gồm các nhà chuyên môn có năng lực, uy tín và trình độ nghề nghiệp cao đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm và chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng, gồm 6 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích.

497 tác phẩm của 483 tác giả đã được lựa chọn trưng bày tại Triển lãm. Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày và trao giải thưởng có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phong phú về ý tưởng sáng tạo; đa dạng trong hình thức biểu hiện; mang hơi thở của cuộc sống đương đại; đồng thời thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, sự tiếp nối giữa các thế hệ nghệ sĩ, giữa truyền thống và hiện đại. Chưa đầy 30 tác phẩm được trao giải trên tổng số gần 3.600 tác phẩm gửi đến cho thấy việc lựa chọn được những tác phẩm thực sự có chất lượng nghệ thuật, có yếu tố mới mẻ, sáng tạo, mang hơi thở cuộc sống đương đại... đã tạo nên những áp lực tương đối lớn đối với HĐNT trong quá trình cầm cân nẩy mực.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là một cuộc thi tài, thậm chí rất khắc nghiệt chứ không phải là một cuộc triển lãm đơn thuần. Nét mới của triển lãm năm nay là đã mở rộng đối tượng tham dự, ngoài các họa sĩ trong nước còn mời các họa sĩ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Về tổng thể, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là một cuộc biểu dương lực lượng họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam với chất lượng tương đối đồng đều, mặt bằng ngày càng được nâng cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

 Tác phẩm đoạt giải Ba của Kù Kao Khải - Chuông - Sắp đặt gỗ, sắt, sơn

Triển lãm tuyển chọn và trưng bày các tác phẩm đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại phản ánh các khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn 2016- 2020. Ông có ý kiến gì trước nhận định Triển lãm vẫn chưa hội tụ đầy đủ những gương mặt của mỹ thuật Việt Nam?

- Theo nhận định của HĐNT Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, những tác phẩm trưng bày năm nay đã phản ánh một diện mạo tương đối toàn diện của nền mỹ thuật đương đại, phản ánh những khát khao sáng tạo, tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt tình cảm của các nghệ sĩ trước những biến đổi của xã hội, của thời đại công nghệ và thế giới phẳng. Đặc biệt, những tác phẩm được lựa chọn, trưng bày tại triển lãm cũng cho thấy tính chất chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao của giới nghệ sĩ tạo hình trong nước. Phải nói rằng, những kỳ triển lãm với tầm vóc quy mô lớn sẽ là cơ hội để mỗi nghệ sĩ giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp cũng như có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đánh dấu một chặng đường sáng tác của nền mỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, HĐNT cũng nhận thấy rằng triển lãm chưa có sự hiện diện đầy đủ những khuôn mặt tiêu biểu của giới Mỹ thuật trong nước. Mặt khác, BTC cũng luôn khuyến khích sự xuất hiện của những loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, video art..., song vì nhiều lý do khách quan mà năm nay, những loại hình này hiện diện khá thưa thớt.

Tôi xin trích lời của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về diện mạo nền mỹ thuật nước nhà được phác họa qua Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020: “Đã có một toàn cảnh mỹ thuật thấp thoáng nhô ra những góc cạnh khác va đập thị giác từ muôn góc khuất của cuộc sống đương đại. Đã có những nét phác quả quyết đầu tiên từ phúc phận, dung nhan người Việt mới trong thế kỷ mới. Và nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục là cái cây lạ dự báo chuẩn xác thời tiết nghệ thuật đương thời mang đích đến đẹp đẽ, đương nhiên cho thập niên đổi mới lần thứ hai của Mỹ thuật đương đại Việt...”.

Xin cảm ơn ông!

 

 Trong những trường hợp như thế này, tôi hiểu rằng một lời xin lỗi là không đủ, nhưng với tinh thần cầu thị và chân thành nhất, chúng tôi sẽ có cuộc gặp gỡ với từng tác giả. BTC sẽ có phương án khắc phục trên cơ sở lắng nghe ý kiến của họ. Qua đây, một lần nữa, tôi xin bày tỏ lời xin lỗi đối với các họa sĩ, nhà điêu khắc, vì mỗi tác phẩm đều là những tâm huyết không thể thay thế của các nghệ sĩ.

(Ông MÃ THẾ ANH, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng BTC)

THIÊN PHƯƠNG (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top