Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Quyết tâm đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội

Thứ Năm 11/01/2018 | 16:04 GMT+7

VH- Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác VHTTDL năm 2018 do Bộ VHTTDL tổ chức vào sáng 11. 1 tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề chống xuống cấp đạo đức xã hội. Khẳng định vai trò nòng cốt của ngành VHTTDL trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Phó Thủ tướng cho biết, những giá trị nhân văn cao đẹp sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức.

Chủ trì và tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Lê Khánh Hải, Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái. Đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT và Sở Du lịch 63 tỉnh, thành trong cả nước… đã tham dự hội nghị.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác VHTTDL năm 2018 Ảnh: Tr. Huấn

Xây dựng đạo đức từ nền tảng văn hóa gia đình

Đánh giá cao những thành tích của ngành VHTTDL trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo để đóng góp vào thành tích chung của đất nước. Ông cho rằng, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành có tính bao quát rộng, do đó phải có sự tập trung, ưu tiên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần quyết tâm thực hiện là xây dựng đạo đức xã hội, đẩy lùi sự xuống cấp.

“Những chuyển biến tốt sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, phát huy những yếu tố tốt đẹp. Chẳng hạn, trong hoạt động lễ hội, năm nay phải quyết tâm chấn chỉnh những hiện tượng gây bức xúc, phản cảm. Bộ phải sớm tổ chức thanh, kiểm tra một số địa phương thường xảy ra sự cố để có giải pháp chấn chỉnh. Kiên quyết không để xảy ra thương mại hóa, ngăn chặn mọi hành vi có thể khơi dậy lòng tham của con người, những yếu tố sai lệch bản chất truyền thống trong lễ hội…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

 Bộ trưởng phát biểu tại hội nghị

Đồng thời ông đặt câu hỏi: Phải làm gì khi có quá ít tác phẩm VHNT có giá trị? Bộ VHTTDL phải tiên phong, làm mẫu cho các địa phương trong công tác đặt hàng đào tạo với các chuyên ngành truyền thống, ít người theo học. Đây là việc cần làm ngay trong năm 2018. Sự ra đời của các tác phẩm VHNT chất lượng cao, hàm chứa những giá trị nhân văn cao đẹp sẽ góp phần đẩy lùi sự xuống cấp của đạo đức xã hội. “Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những lệch lạc trong đời sống văn học nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, thời trang…, ngành VHTTDL cần có định hướng chấn chỉnh, khắc phục”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến tích cực. Đối với những lình xình trong hoạt động quản lý văn hóa năm 2017 như cấp phép phổ biến ca khúc, các cuộc thi người mẫu, sắc đẹp…, cần lưu ý giải pháp hài hòa giữa vận động, thuyết phục với siết chặt kỷ cương pháp luật. Các văn bản pháp quy nếu có vấn đề gì chưa theo kịp thực tiễn thì cần tham mưu sửa đổi ngay…

(Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM)

Trao đổi thêm với đội ngũ trong ngành, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là gốc rễ nền tảng của mỗi dân tộc. Cần chú trọng sự hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và tiếp thu các yếu tố hiện đại. Điều này đòi hỏi những người làm văn hóa phải kiên trì, tỉ mỉ, vừa lý trí, vừa tình cảm và tâm huyết. Ông thẳng thắn: “Du khách đến Việt Nam để khám phá, tìm hiểu các giá trị truyền thống mà các khu du lịch cứ được làm mới thì rõ ràng tự ta đang đánh mất đi lợi thế. Bên cạnh đó, ngành cũng cần có giải pháp, xây dựng tiêu chí mới cho các phong trào thi đua, trong đó có Phong trào TDĐKXDĐSVH, tránh bệnh hình thức. Làm tốt được điều này chính là làm du lịch, góp phần giải quyết nỗi “sợ hãi” của du khách, tạo sức thu hút hơn cho du lịch Việt Nam…”.

Đối với nhiệm vụ quan trọng là đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần chú trọng công tác xây dựng văn hóa gia đình, cội nguồn của các giá trị đạo đức, nhân văn trong mỗi con người.“Có những thứ tưởng lớn nhưng thực ra chỉ là ngọn, có những cái tưởng nhỏ nhưng lại là gốc. Nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà tập trung khai thác, quên đi những yếu tố cội gốc thì vô cùng nguy hiểm…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị

Bộ trưởng hứa với Phó Thủ tướng sẽ hành động quyết liệt

Cảm ơn chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu và triển khai quyết liệt trong toàn ngành. Theo đó, tập trung vào các mục tiêu mũi nhọn, với nhiệm vụ bao trùm là triển khai Nghị quyết 33 về Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bộ trưởng hứa với Phó Thủ tướng sẽ quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống nhằm tạo chuyển biến tích cực. “Đây là vấn đề khó và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Không phải cứ làm là sẽ có kết quả ngay, tuy nhiên những việc làm của hôm nay sẽ để lại “tài sản” vô giá cho các thế hệ sau…”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

​Sẽ quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống nhằm tạo chuyển biến tích cực. Đây là vấn đề khó và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Không phải cứ làm là sẽ có kết quả ngay, tuy nhiên những việc làm của hôm nay sẽ để lại “tài sản” vô giá cho các thế hệ sau…

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

Bộ trưởng khẳng định, sẽ không tái diễn những tồn tại của năm 2017 trong năm mới. Ở lĩnh vực lễ hội, Bộ sẽ có hội nghị chuyên đề bàn những vấn đề cụ thể liên quan đến công tác quản lý và tổ chức, kiên quyết khắc phục những hạn chế, phản cảm. Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ được tập trung chỉ đạo nhằm khắc phục những tồn tại trong năm qua như việc cấp phép bài hát, thi hoa hậu, biểu diễn phản cảm...

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2018, ngành VHTTDL sẽ tập trung khắc phục những bất cập do sự thiếu hoàn thiện, không theo kịp thực tiễn của các văn bản pháp quy. Thực tế này chính là nguyên nhân dẫn đến lình xình trong công tác quản lý ở một số lĩnh vực cụ thể trong năm qua.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì Hội nghị tại đầu cầu TP Đà Nẵng Ảnh: Ngọc Hà

Động lực cho năm 2018

Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành VHTTDL vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn như công tác thể chế hóa, xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, biến dạng… Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; bạo lực gia đình vẫn xảy ra phức tạp và nghiêm trọng.

Thứ trưởng Vương Duy Biên trao Cờ Thi đua của Bộ VHTTDL cho các đơn vị xuất sắc tại đầu cầu TP. HCM Ảnh: Lê Hải

Cơ sở vật chất về TDTT phục vụ tập luyện cho quần chúng ở các địa phương còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên TDTT ở cơ sở còn thiếu. Du lịch gặp nhiều khó khăn khi năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực. Môi trường kinh doanh du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng khẳng định, với những kết quả đạt được trong năm 2017, toàn ngành đã có động lực mới để bước vào năm 2018. Trong đó, trọng tâm số một là triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động của ngành VHTT­DL thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 102 ngày 31.12.2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trao tặng 74 Cờ Thi đua của Bộ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2017. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng đã phát động phong trào thi đua của ngành VHTTDL trong năm 2018 với 9 nội dung quan trọng.

 ​Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động: “Xây dựng Người Hà Nội văn minh góp phần đẩy lùi lối sống ích kỷ, vô cảm”

Được xác định là khâu đột phá của Hà Nội trong nhiều năm tới, đề án xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là một giải pháp thiết thực nhằm chắt lọc, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn Thủ đô. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mục tiêu này đã bước đầu tạo được chuyển biến, góp phần đẩy lùi lối sống ích kỷ, vô cảm, không chấp hành nghiêm pháp luật cũng như chưa tạo ra nét đặc thù của văn hóa Hà Nội.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội sẽ tập trung vào công tác giáo dục, xây dựng đạo đức trong mỗi con người từ trong gia đình, nhà trường và ra ngoài xã hội. Năm nay sẽ tổ chức mời chuyên gia văn hóa nói chuyện, thông qua những câu chuyện cụ thể để tạo sức cảm hóa, giáo dục, tuyên truyền…

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ​: “Quyết liệt khắc phục yếu kém để thúc đẩy phát triển du lịch”

 Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn dành phần lớn thời gian nói về những nhiệm vụ sẽ thực hiện trong năm 2018 nhằm khắc phục yếu kém, hạn chế của ngành và đạt được mục tiêu đón 15- 17 triệu lượt khách quốc tế mà Chính phủ giao.

Nhiệm vụ quan trọng nhất năm 2018 là tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 103 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Đề nghị tỉnh, thành nào chưa có kế hoạch triển khai Nghị quyết 08 cần xây dựng và thực hiện ngay. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ thực hiện Luật Du lịch 2017 với các nội dung có nhiều thay đổi như: bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch; quản lý lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở lưu trú du lịch; thành lập và vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch… Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch 2017 đã được trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch 2017 cũng sẽ được trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL, ban hành ngay trong tuần này.

Ngoài việc cơ cấu lại ngành Du lịch; điều chỉnh Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; ngành Du lịch cũng quyết liệt khắc phục những hạn chế trong quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, quản lý điểm đến; tạo môi trường du lịch sạch sẽ, thân thiện, triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong đó, sẽ có 2 vấn đề cụ thể được chọn là điểm tạo đột phá: Cơ bản hoàn thành nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm dừng nghỉ, khu, điểm du lịch trên toàn quốc và khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên bằng việc huy động sinh viên, người lớn tuổi có ngoại ngữ tốt làm hướng dẫn du lịch, nhất là với những thị trường tiếng hiếm.

Năm 2018 ngành Du lịch phấn đấu đạt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách, trong đó khoảng từ 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế; khách du lịch nội địa đạt khoảng 78 triệu; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỉ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: “4 nhiệm vụ của ngành thể thao ”

Trong năm nay ngành thể thao sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TDTT, sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; phát triển phong trào thể thao quần chúng trong đó tiếp tục chú trọng đẩy mạnh Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, tổ chức tốt Đại hội TDTT các cấp hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc, tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân…

Với thể thao thành tích cao, ngành sẽ tập trung chuẩn bị lực lượng vận động viên cho các đại hội thể thao quốc tế trong năm 2018, đặc biệt là Asian Games 2018. Tại kỳ Asian Games gần đây nhất, thể thao Việt Nam chỉ đoạt 1 HCV nhưng tại kỳ Đại hội năm nay, mục tiêu phấn đấu, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, sẽ là giành được 3-4 HCV Asian Games. Ngoài ra, ngành cũng chuẩn bị cho 6 đội tuyển bóng đá lọt vào VCK châu Á, đội tuyển bóng đá nam dự AFF Cup. Nhiệm vụ quan trọng nữa của ngành thể thao trong năm nay là tổ chức tốt Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8...

Phương Anh- Thúy Hà- Thu Sâm; ảnh: Trần Huấn

  

 

 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top