Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Làm sao cơn bão lũ đi qua, có thật nhiều ngôi nhà an toàn ở lại?

Thứ Tư 28/10/2020 | 10:33 GMT+7

VHO- Câu hỏi ấy đã đau đáu suốt hành trình 7 năm qua, kể từ khi chương trình Nhà chống lũ được khởi động từ năm 2013, với sứ mệnh xây dựng những căn nhà an toàn cho người dân vùng lũ. Những ngày bão lũ hoành hành miền Trung, điện thoại của những thành viên Nhà chống lũ không lúc nào ngưng.

 Nhà phao tại Tân Hóa (Quảng Bình) - Ảnh chụp ngày 18.10.2020

Chứng kiến hình ảnh hàng ngàn mái nhà đã và có nguy cơ tiếp tục bị đổ sập, cuốn trôi trong bão lũ thì khao khát nhân lên thật nhiều ngôi nhà an toàn khác giúp người dân có thể “vẫy tay chào lũ” lại càng cháy bỏng hơn với những thành viên Nhà chống lũ.

Mong cuộc sống an toàn cho người dân vùng lũ

Bắt máy với giọng nói gấp gáp, chị Phạm Thị Hương Giang (nick name Jang kều), Chủ tịch Quỹ Sống- Sống Foundation, người sáng lập dự án Nhà chống lũ nói: “Nhà chống lũ sẽ chia sẻ thông tin qua email em nhé. Chị đang bận quá, các nơi gọi về liên tục...”.

Jang kều đã thành cái tên thân quen, gợi đến hình ảnh người phụ nữ bất chấp khó khăn để lao vào những vùng tâm bão, lũ tìm kiếm giải pháp mang đến sự an toàn cho mọi người. 7 năm, 795 hộ gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang đã được sống trong những ngôi nhà “an toàn và hạnh phúc”. Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, chị Phạm Thị Hương Giang đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng nhất năm 2019. Trước đây, mỗi lần nghe tin các nơi bị lũ lụt, Jang kều lại đi cứu trợ, với quần áo, chăn màn, mì tôm, thực phẩm… Cho đến năm 2009, khi trận lũ lịch sử đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong lần đi cứu trợ ấy chị đã chứng kiến những mất mát không thể nói thành lời.

 Người sáng lập dự án Nhà chống lũ Phạm Thị Hương Giang

Bão lũ đánh sập những ngôi nhà, cuốn trôi tất cả khiến chị suy nghĩ phải mang đến một điều gì đó bền vững, ổn định hơn. Cho đến năm 2013, sau cơn lũ, thấy trên Facebook tấm hình một ngôi nhà vững chãi trên 6 chiếc cột bê tông, đã xây 11 năm mà vẫn an toàn trong bão lũ, lập tức trong đầu chị nảy suy nghĩ về Nhà chống lũ. Chị nhờ bạn bè là KTS thiết kế mô hình ngôi nhà và ngay trong đêm đã viết xong “Đề án Nhà chống lũ”. Quyết tâm theo đuổi và sau một thời gian ngắn, quỹ dành cho Nhà chống lũ ra đời. Nhóm dự án cộng đồng do chị sáng lập từ đó tập trung xây dựng những căn nhà an toàn cho người dân vùng lũ. Dự án gồm 9 mô hình nhà an toàn với các mẫu thiết kế khác nhau, được các KTS, chuyên gia địa chất trong nhóm nghiên cứu. Kết cấu nhà an toàn, chi phí chưa tới 100 triệu đồng, có thể thích ứng với các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu thường xảy ra tại miền Trung. Những năm qua, mỗi mùa bão lũ qua đi, chứng kiến hình ảnh người dân có thể “vẫy tay chào lũ” trên những nhà an toàn, người sáng lập và vận hành dự án lại cảm thấy ấm lòng hơn.

“Đợt lũ vừa qua, có những thời điểm dù nước ngập rất sâu nhưng những ngôi nhà phao, một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) một lần nữa đã phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân nơi đây”, bà Giang chia sẻ. Cùng với 795 nhà an toàn, dự án còn xây dựng 120 căn nhà nằm trong 2 làng hạnh phúc ở tỉnh Quảng Nam. Các mô hình nhà an toàn được triển khai tại một số tỉnh, thành thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ lụt như Quảng Nam, Quảng Bình... Từ các mô hình nhà an toàn này, người dân nghèo miền Trung không còn cảnh quanh năm lo lắng về an toàn tính mạng và tài sản khi mùa bão lũ tràn về.

 Trường hợp đã hỗ trợ

Cần thêm nhiều trái tim, khối óc vì cộng đồng

Nhà chống lũ hỗ trợ 50% tài chính xây dựng mỗi ngôi nhà an toàn, 50% còn lại là chi phí đối ứng mà người dân thụ hưởng cùng đóng góp. Cách làm này để người dân cùng chia sẻ trách nhiệm, cảm thấy gắn bó và thật sự thấy đó là “ngôi nhà của mình”. Tiêu chí của mô hình được đưa ra là an toàn, tiết kiệm, có thể mở rộng khi có điều kiện.

Các thành viên dự án đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu chọn vật liệu xây dựng phù hợp với khí hậu, thời tiết từng vùng miền. Nhiều năm qua, hầu hết hộ dân được dự án Nhà chống lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa. Mục đích lớn nhất mà dự án hướng đến chính là cuộc sống an toàn cho người dân. Nhà chống lũ cũng mong muốn ngôi nhà không chỉ an toàn mà người dân còn thấy hạnh phúc khi sống trong đó. Con số 795 ngôi nhà an toàn dù là một nỗ lực lớn lao nhưng vẫn còn rất nhỏ bé so với 150.000 căn nhà đã bị lũ cuốn trôi và đổ sập trong đợt lũ lụt vừa qua. Mong muốn có thêm nhiều trái tim, khối óc cùng cộng hưởng, sẻ chia để vợi bớt những khó khăn của đồng bào miền Trung theo Dự án Nhà chống lũ: “Mục tiêu của chúng tôi là có không chỉ 1 nhóm Nhà chống lũ mà có 10, 100 hay 1.000 nhóm Nhà chống lũ trên khắp Việt Nam. Như vậy chúng ta mới giúp người nghèo vùng bão lũ làm được thật nhiều nhà an toàn một cách hiệu quả và ít tốn kém nguồn lực nhất!”, Jang kều chia sẻ.

Sắp tới, chương trình Nhà chống lũ sẽ triển khai nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có Đại Nhạc hội “Lũ ơi, chào mi!” sẽ diễn ra lúc 20h ngày 30.10 để gây quỹ xây nhà an toàn và chuyến thực địa để triển khai xây nhà tại 4 tỉnh miền Trung ngay sau đợt mưa lũ sắp tới... 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top