Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phát huy và bảo tồn giá trị âm nhạc dân tộc trong học đường: Cải tiến nhưng vẫn là tiếng nói của người Việt

Thứ Tư 21/10/2020 | 10:59 GMT+7

VHO- Khi cuộc sống hội nhập mang đến nhiều dòng âm nhạc hiện đại, mới mẻ, hấp dẫn người nghe, thì nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc dân tộc (ANDT) dường như đã không còn phù hợp với thị hiếu đương đại. Có hay không việc ANDT đang thiếu chỗ đứng trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ?

 NSƯT Ngô Tuyết Mai cho rằng người trẻ không hề quay lưng với âm nhạc dân tộc

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận với các thể loại nghệ thuật truyền thống, vừa qua, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm mang chủ đề “Âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên”, với sự tham gia của các đơn vị và chuyên gia có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các thể loại âm nhạc truyền thống như: NSƯT Ngô Tuyết Mai, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng, TS Mai Mỹ Duyên…

Chưa hiểu nên... khó yêu

Tại buổi tọa đàm, TS Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó Trưởng khoa Sau ĐH, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng, quan điểm giới trẻ ngày nay quay lưng với ANDT là oan cho họ: “Người trẻ không quay lưng với ANDT, chỉ là họ chưa hiểu nên khó lòng mà yêu được. Vì những người có nhiều trải nghiệm mới thấu cảm được những xúc cảm thăng trầm mà các nghệ sĩ đang chuyển tải. Còn người trẻ, muốn họ thích thì trước tiên phải giúp họ hiểu. Muốn bảo tồn hay phát huy các dòng âm nhạc, văn hóa dân tộc cần phải có thời gian.”

Thật vậy, chỉ có số ít các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình nghệ thuật được thẩm thấu từ nhỏ, còn lại đa phần là chưa có cơ hội được tiếp xúc với ANDT. Vô hình chung, các loại hình nghệ thuật hiện đại phát triển như vũ bão đã lấn át, che mờ đi nghệ thuật truyền thống. Theo một khảo sát của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thì chỉ có 17% sinh viên yêu thích ANDT, 61% yêu thích nhạc trẻ, số còn lại là những thể loại khác. Các lý do được sinh viên đưa ra thường là: dài dòng, mất thời gian, nhàm chán và lỗi thời, kịch bản không hấp dẫn… TS Mai Mỹ Duyên cũng thừa nhận, ANDT rất khó nghe, muốn tìm hiểu phải trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi lâu dài và phải có trải nghiệm sống mới cảm nhận và yêu thích nó được. Chính vì thế, đi xem cải lương, đờn ca tài tử phần đông là giới trung niên, người cao tuổi.

Cũng theo NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa ANDT, Nhạc viện TP.HCM, có nhiều lý do khiến giới trẻ không mặn mà với loại hình này, và đây cũng là xu thế chung của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Khi thời hoàng kim của nhiều loại hình nghệ thuật qua đi, nó sẽ bước vào giai đoạn thoái trào và nhường chỗ cho những loại hình hiện đại hơn. Thế nhưng, nếu thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng mới, ANDT vẫn có chỗ đứng trong thời hội nhập.

Vài năm trở lại đây, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình biểu diễn, giáo dục ANDT với mong muốn thay đổi cách nhìn của người dân, truyền lửa cho thế hệ trẻ để thu hẹp dần khoảng cách với nghệ thuật đương đại. Đặc biệt là chuỗi chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” từ năm 2015 đến nay được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, chú trọng nâng cao cả về chất và lượng của Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM.

Vẫn hiện hữu những giá trị tích cực

Còn với NSƯT Huỳnh Khải, nhiều loại hình nghệ thuật xưa cũ đã có sự thay đổi để thích nghi với thị hiếu khán giả hiện đại và ANDT cũng vậy, cần có sự sáng tạo, đổi mới để phù hợp hơn. Những tác giả cần phải nắm bắt được hơi thở của cuộc sống để viết lên những bài ca, giai điệu khiến khán giả đương thời đồng cảm. Cùng với đó, cần thay đổi cả nghệ thuật ca, cách đờn và nhiều thứ khác thì mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người nghe trong thời kỳ mới, chứ không phải cứ chăm chăm biểu diễn, làm theo cái cũ vì lẽ có những tiết mục đã trở thành “huyền thoại” thì khó lòng mà làm hay hơn được. Thế nhưng, sáng tạo ở đây không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn mà là phải dựa trên nền cái cũ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng sáng tạo, cải cách ANDT đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho việc lai căng làm mờ dần bản sắc dân tộc, làm biến chất, biến dạng các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc… Tại buổi tọa đàm, NSƯT Hải Phượng nhấn mạnh: “Trước kia, nhiều nghệ sĩ đã loay hoay trước vấn đề cải tiến hay giữ nguyên “hồn cốt” của ANDT? Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Khê, cải tiến ANDT là cần thiết và phải dựa trên 4 nguyên tắc, đó là: Phải đẹp hơn cái cũ; Phải hiệu quả hơn cái cũ; Vẫn mang tính cốt lõi; Và quan trọng nhất, vẫn nói lên được tiếng nói của người Việt.”

Bên cạnh đó, NSƯT Tuyết Mai cũng cho rằng, tổ chức các cuộc thi là vẫn chưa đủ, cần có nhiều hơn những buổi tọa đàm, giao lưu giữa các chuyên gia với người trẻ. Từ đó, kích thích sự tò mò, mong muốn tìm hiểu để họ dần dần trở thành yêu thích. Và đừng bao giờ nói người trẻ quay lưng với ANDT khi họ chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận. Cô cũng chia sẻ thêm: “Tại nhà mình đã mở lớp học nhạc cụ dân tộc miễn phí hơn 10 năm nay và không bao giờ vắng học sinh, họ ở đủ độ tuổi khác nhau, điều này cho thấy ANDT vẫn hiện hữu những giá trị tích cực.”

Trước đây, ANDT luôn là “món ăn” tinh thần, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Để ANDT Việt Nam thực sự có sức sống giữa dòng chảy hội nhập, bên cạnh những con người tâm huyết, đam mê và nỗ lực gìn giữ giá trị vốn có của nó, thì người trẻ cũng cần phải có trách nhiệm để bảo tồn những di sản mà ông bà ta đã dày công nghiên cứu, tạo ra. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top