Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Áo dài nam, vẻ đẹp truyền thống cần được phục hồi, tôn vinh

Thứ Hai 19/10/2020 | 10:25 GMT+7

VHO- Trang phục truyền thống là một trong những giá trị in đậm bản sắc riêng của mỗi nền văn hóa. Lâu nay, chúng ta thường dành sự quan tâm nhiều hơn tới trang phục truyền thống của phái nữ: Kimono của phụ nữ xứ sở hoa anh đào, bộ Sari trang trọng, quý phái của phụ nữ Ấn Độ, chiếc áo dài duyên dáng, thanh thoát của phụ nữ Việt Nam…

Nam công chức ngành Văn hóa Huế trong trang phục áo dài Ảnh: THÀNH PHONG

 Vượt khỏi giá trị thực dụng, những trang phục truyền thống đó đã trở thành biểu tượng văn hóa tiêu biểu của mỗi quốc gia, dân tộc. Nữ phục truyền thống thường được quan tâm hơn cũng dễ hiểu bởi phụ nữ gắn với cái đẹp, trang phục của phụ nữ thường có nhiều nét độc đáo, tạo vẻ đẹp mang dấu ấn riêng khó trộn lẫn giữa các dân tộc, tộc người.

Song, nam phục truyền thống cũng có ngôn ngữ riêng của nó, có nhiều bộ nam phục rất lạ, rất độc đáo, thậm chí “độc nhất vô nhị”, chẳng hạn chiếc Kilt (váy ca rô) của đàn ông Scotland. Duy nhất trên thế giới chỉ có đàn ông xứ này mặc váy, hình ảnh những chiến binh váy ca rô dũng mãnh (các binh đoàn cao nguyên) đã trở thành biểu tượng sức mạnh, niềm tự hào của người Scotland. Dù phải trải qua những thăng trầm, từng có thời gian đàn ông Scoland bị cấm mặc Kilt, song chiếc váy ca rô ấy vẫn tồn tại qua mấy thế kỷ. Năm 2014 được chọn là năm tìm lại truyền thống của người Scotland, chiếc Kilt đủ màu sắc mặc cùng sơ mi trắng, gilê đen kèm theo nhiều phụ kiện bộc lộ vẻ đẹp nam tính đậm phong cách Scoland đã tưng bừng thể hiện trên miền đất cao nguyên tuyệt đẹp này. Đến Scoland trong một chuyến công tác vào tháng 5.2015, người viết bài này đã được trực tiếp cảm nhận niềm kiêu hãnh của các chàng trai Scotland trong trang phục truyền thống ở nơi họ làm việc, khi đi dự tiệc cưới hoặc tham gia lễ hội mùa xuân tại thành phố Glasgow.

Ở nước ta, cặp đôi áo dài của cả nam và nữ đã ra đời từ hơn 200 năm trước như sự khẳng định cái riêng, ý thức về chủ quyền của dân tộc. Cổ phục nữ có may mắn sớm được cách tân qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ Cát Tường, Bá Phổ từ những năm 30 của thế kỷ XX (áo dài Le mur) và trở thành bộ trang phục truyền thống thanh lịch, tôn thêm nét dịu dàng duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Năm 1943, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã làm bất tử vẻ đẹp này bằng ngôn ngữ hội họa qua tác phẩm “Bên hoa huệ” nổi tiếng của ông. Sau năm 1945, một cách tự nhiên, áo dài nữ cách tân đã được xem như một di sản văn hóa đặc sắc, vừa truyền thống vừa hiện đại, được mọi thế hệ phụ nữ Việt Nam tự hào đón nhận, in dấu ấn trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt nữa, bên cạnh áo dài “Le mur”, chiếc áo tứ thân vẫn tồn tại ở nhiều vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu nhất là Bắc Ninh. Áo tứ thân, nón quai thao là hình ảnh đậm nét của các “Liền chị” tại vùng đất của “Người Quan họ” nổi tiếng này.

Nam phục truyền thống không có được cái may mắn như vậy, dường như nó bị lãng quên, bị “đứt gẫy” như cách nói của một số nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, chiếc áo dài nam chưa bao giờ vắng bóng hoàn toàn, nó vẫn xuất hiện đây đó trong những hoạt động, những sự kiện trọng đại của đời sống cá nhân và cộng đồng. Xin đơn cử: Trong các Lễ hội hằng năm trên khắp nước ta, dù nhỏ như hội làng, hay ở tầm quốc gia như Lễ hội Đền Hùng, thì chiếc áo ngũ thân truyền thống luôn được mặc như một nghi thức bắt buộc, giúp cho không khí phần “Lễ” thêm thiêng liêng, tôn nghiêm và trang trọng ; Lễ cưới là sự kiện trọng đại của một đời người, bên cạnh bộ ves lịch lãm, nhiều chú rể vẫn chọn thêm bộ áo ngũ thân lúc chụp ảnh cưới, khi làm lễ “Hằng thuận” và cả trong tiệc cưới nữa; trên sân khấu, phim ảnh, những cuộc giao lưu quốc tế, chiếc áo ngũ thân truyền thống có rất nhiều cơ hội thể hiện… Đặc biệt hơn nữa, chiều 19 tháng 11 năm 2006, cả thế giới chứng kiến những nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại phía trước tòa nhà Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Để có được 21 bộ trang phục này, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng các đồng nghiệp đã lao động miệt mài suốt 8 tháng để nghiên cứu bộ áo dài khăn đóng truyền thống cùng các mẫu dự thi, tìm chất liệu và họa tiết trang trí sao cho giữ được cái hồn dân tộc mà vẫn phù hợp với vị thế, dáng vóc của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thế giới tham gia hội nghị. Chẳng hạn: chọn chất liệu lụa tơ tằm Việt Nam với họa tiết hoa sen được thể hiện như trên không gian ba chiều sống động, thanh khiết và cao quý; tấm áo và chiếc khăn đóng vẫn thể hiện được triết lý sống của cha ông gửi lại, “mã hóa” vào từng chi tiết của bộ trang phục.

Như vậy, việc tìm lại trang phục áo dài nam truyền thống hiện nay không phải bắt đầu từ hư vô mà là dựa trên một hiện tượng đã và đang có trong đời sống. Khơi dậy, đánh thức thói quen mặc chiếc áo từng là Quốc phục ở một thời chưa xa cũng là sự tôn vinh một giá trị truyền thống vốn có của dân tộc. Bởi vậy, ý tưởng làm sống động trở lại thói quen mặc bộ trang phục này rất đáng trân trọng.

Tháng 7 vừa qua là dấu mốc thời gian đáng nhớ với việc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì Hội thảo “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Tại Hội thảo khoa học đặc biệt này, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở đã nhắc đến dấu mốc quan trọng khai sinh trang phục áo dài từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), áo dài thời ấy còn có tên “áo dài Võ Vương” là vì vậy. Tiếp sang triều Nguyễn, từ việc muốn khẳng định quyền tự chủ về văn hóa thể hiện ở lối mặc, vua Minh Mạng đã thực thi có hiệu quả việc thay đổi trang phục, tạo nên sự thống nhất giữa hai miền Nam – Bắc. Nhờ vậy, từ năm 1837, áo dài năm thân, cổ đứng, cài 5 khuy bên phải kèm với quần 2 ống được chính thức công nhận là “Quốc phục” thống nhất của nước Đại Nam (Quốc hiệu nước ta từ thời vua Minh Mạng đến Bảo Đại). Quốc phục quy định áo dài cho cả nam và nữ. Áo dài nữ đã só sự tiếp nối liên tục và khẳng định vị trí của mình, áo dài nam cũng cần được tôn vinh xứng tầm với giá trị vốn có của nó trong văn hóa trang phục Việt Nam.

 Áo dài nam – nữ truyền thống ẩn chứa nhiều “mã văn hóa” quý giá, đã được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mã văn hóa ấy nằm ngay trong tên gọi, trong các chi tiết cấu thành bộ trang phục. Từ thực tế khổ vải dệt thủ công xưa rất hẹp, khi may áo người ta phải can, phải ráp các khổ vải vào với nhau cho đủ rộng để cắt may. Áo dài ngũ thân truyền thống trong nam phục xưa được ghép bởi 5 khổ vải tạo nên 2 thân trước (phía ngực), 2 thân sau (phía lưng) và thân thứ 5 ở phía trước, bên phải phía trong thân thứ nhất. Cổ áo may đứng, cao chừng 4 cm, cắt vuông, khép kín. Áo có 5 khuy theo kiểu nút cài (một nút cài cổ áo, một nút dưới vai, một nút ở nách và 2 nút dưới eo). Từ việc làm cụ thể nhằm khắc phục cái hạn hẹp của khổ vải nói trên, ông cha ta đã biến nó thành một giá trừu tượng, mang ý nghĩa khái quát, thổi hồn văn hóa dân tộc vào bộ Quốc phục này.

Áo “tứ thân”, hoặc “ngũ thân” đều có bốn mảnh vải ghép được mang nghĩa “tứ thân phụ mẫu”, còn mảnh thứ 5 trong áo “ngũ thân” thể hiện chính “bản thân” mình. Tên gọi của loại áo này đã chuyển tải một thông điệp văn hóa: con người phải biết sống có đạo lý, giữ đúng bổn phận làm con, sao cho tròn “chữ hiếu” với hai bên ông bà, cha mẹ;

Khuy cài áo tạo sự kín đáo và giúp cho dáng áo thẳng theo cả hai chiều: chiều thẳng đứng và chiều ngang. Dáng áo mang ý nghĩa sự chính trực trong lối sống, 5 nút cài biểu hiện cho “Ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) là những phẩm chất tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức mà người đàn ông xưa cần tu dưỡng suốt đời.

Khăn xếp là bộ phận không thể thiếu của bộ trang phục nam. Quấn khăn là việc làm cần sự từ tốn, khéo léo, các vành khăn chồng xếp lên nhau cân đối, tạo thành hình chữ “nhân” hoặc chữ “nhất” ôm chặt búi tóc phía sau. Cách vấn khăn này tượng trưng cho lòng nhân nghĩa, trung hiếu phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các Nho sĩ xưa thường cài bút lông trên vành khăn, vừa tiện sử dụng, vừa là một cách thể hiện sự nho nhã của mình.

Nếu nói trang phục giúp điều chỉnh hành vi của con người thì đây sẽ là một ví dụ khá điển hình cho ý kiến này của các nhà Mỹ học về văn hóa trang phục. Mặc áo dài khăn xếp tạo cho người ta một phong thái ung dung, đi đứng khoan thai, cử chỉ mực thước, nói năng nhã nhặn… khiến người khác phải nể trọng khi giao tiếp.

Quốc kỳ - Quốc ca – Lễ phục là ba tiêu chí khẳng định dấu ấn riêng của mỗi quốc gia. Quốc kỳ và Quốc ca đã được quy định rõ trong Hiến pháp, Quốc phục là yếu tố cũng được xem trọng song chưa có quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã chú ý đến Quốc phục trong quan hệ ngoại giao. Ở nước ta, từ năm 1991, ngành Văn hóa đã tổ chức “Lễ phát động tuyển chọn mẫu thiết kế lễ phục nhà nước”; năm 2006, các nguyên thủ quốc gia thế giới dự Hội nghị APEC tại Hà Nội đã được mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Trong giao tiếp quốc tế, áo dài nữ - một cách tự nhiên, đã mang ý nghĩa Quốc phục, áo dài nam tuy chưa có quyết định về mặt Nhà nước, song đã được một số cán bộ ngành ngoại giao lựa chọn mặc nó trong hoạt động ngoại giao quốc tế. Hội thảo “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” tổ chức vào tháng 7 vừa qua tựa như làn gió thổi bùng lên ngọn lửa vốn đang âm ỉ cháy, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với áo dài truyền thống Việt Nam.

Dựa trên giá trị vốn có và sức sống của Áo dài Việt Nam gần 200 năm qua cho thấy, việc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm mặc lễ phục áo dài truyền thống đến công sở mỗi tháng một lần vào các ngày thứ Hai đầu mỗi tháng; việc một số nghệ sĩ, trí thức trẻ thành lập Câu lạc bộ “Áo dài nam đình làng Việt”; việc chiếc áo dài truyền thống lâu nay vẫn xuất hiện trong nhiều hoạt động của đời sống cá nhân và cộng đồng là những việc làm, những điểm sáng đáng trân trọng. Hy vọng những điểm sáng này sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, lan tỏa thành một phong trào rộng khắp trong cả nước, hình thành thói quen mặc lễ phục dân tộc trong những ngành, những công việc, những không gian phù hợp. Việc công nhận chính thức Quốc phục Áo dài Việt Nam cho cả nam và nữ có lẽ cũng không còn là chuyện xa xôi.

PGS.TS LƯƠNG QUỲNH KHUÊ

Hà Nội, 15.10.2020

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top