Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đào tạo lao động nghề du lịch:Tiêu chuẩn kỹ năng phải là gốc

Thứ Tư 07/10/2020 | 11:26 GMT+7

VHO- Lao động nghề du lịch vừa thiếu về lượng, yếu về chất, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo lao động nghề du lịch để đạt được các mục tiêu phát triển du lịch bền vững, theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và nắm bắt cơ hội khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam.

 Sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trong cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 Ảnh: VŨ AN

Những nội dung này được đề cập và làm rõ tại Hội thảo đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức ngày 6.10 tại Hà Nội.

Chỉ 45% lao động nghề du lịch đã qua đào tạo

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF): Năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam đã nâng lên hơn 10 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 75/141 lên 63/140). Tuy nhiên, chỉ số năng lực canh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động của Việt Nam vẫn xếp hạng thấp (ở vị trí 47/140) và có sự sụt giảm so với năm 2017, chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Brunei trong các nước ASEAN. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lao động nghề du lịch - nguồn nhân lực tạo nên chất lượng của sản phẩm/dịch vụ đã, luôn và cần là mối quan tâm của ngành cũng như của toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức, hội nhập và định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: “Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành Du lịch cần năm 2020 là trên 3 triệu người, trong đó hơn 1 triệu là lao động trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, con số này khó có thể khả thi và cần có chiến lược phát triển phù hợp. Bên cạnh thiệt hại nặng nề về kinh tế và sự giảm sút số lượng rõ rệt của nguồn nhân lực du lịch mà khả năng phục hồi trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Chất lượng lao động nghề du lịch ở Việt Nam cũng rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2015- 2019, chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó sẽ còn những số lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp du lịch. 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng, nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý: “So với các nước trong khu vực, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam còn hạn chế, trong đó chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam là vấn đề cần phải bàn, để đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ du lịch”.

Ngành Du lịch cũng đã tiến hành xây dựng, chuẩn hóa hệ thống đào tạo nghề du lịch đáp ứng tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia tương đương văn bằng để triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án châu Âu (EU) - ESRT, hệ thống đào tạo nghề du lịch bao gồm hệ thống Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) được duy trì bền vững và bao trùm toàn ngành Du lịch. “Tuy nhiên, chương trình đào tạo du lịch đến nay vẫn chưa được thống nhất. Tình trạng kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở rất khác nhau về tỉ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành. Có cơ sở quá thiên về trang bị kỹ năng mà không quan tâm đến trau dồi kiến thức nền, do đó chỉ đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, chưa chú ý đến những đào tạo những nhà quản lý giỏi”, bà Hương nhận định.

Cần ban hành các chuẩn kiến thức kỹ năng

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng: “Tiêu chuẩn kỹ năng là gốc của vấn đề. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề được giới chủ (người sử dụng lao động) và thị trường đặt ra rất sát. Tuy nhiên, với những hạn chế về đào tạo, về điều kiện vật chất, về nguồn nhân lực hiện nay nên chúng ta muốn hướng tới tiêu chuẩn quốc tế mà chưa đạt được. Một số nghề đã đạt tiêu chuẩn ASEAN, thậm chí cao hơn nhưng lại chưa được thừa nhận. Việc đào tạo lao động nghề du lịch gặp nhiều khó khăn do thiếu chính sách, tuyển sinh cũng khó vì tâm lý của người dân vẫn là thích học đại học hơn là học nghề.

GS.TS Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội lo ngại: Việc không có quy định đối với các cơ sở đào tạo nghề du lịch như hiện nay khiến cho tình trạng “dạy chay” khá nhiều. Điều đáng lo hơn là có thể xảy ra tình trạng lao động nước ngoài có thể vào hoạt động nghề du lịch ở Việt Nam nhưng lao động của ta thì không thể sang họ vì ta chưa thống nhất tiêu chuẩn nghề, trình độ lao động của ta cũng không đáp ứng được yêu cầu và lao động của ta không hiểu biết văn hoá nước ngoài”.

Ông Nguyễn Văn Đính đề xuất Tổng cục Du lịch và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp nhanh chóng xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức kỹ năng cho tất cả các ngành nghề trong du lịch, tương ứng với trình độ đào tạo, đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN để thực hiện thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Đồng thời cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho từng nghề. Ban hành quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảng dạy nghề du lịch, xây dựng giáo trình đầy đủ và chuẩn mực, cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, vận dụng công nghệ thông tin (cách mạng 4.0) trong giáo dục nghề du lịch…

 THUÝ HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top