Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chuyện người giữ nghề cho tuổi thơ

Thứ Hai 05/10/2020 | 12:14 GMT+7

VHO- Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Năm ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) vẫn miệt mài, cần mẫn gắn bó với nghề làm “kẹo kéo”, những viên kẹo gắn liền với tuổi thơ những học trò nghèo. Với bà, làm kẹo kéo không đơn thuần chỉ là mưu sinh, mà còn là niềm vui tuổi già, niềm vui được đến với các cháu nhỏ, niềm vui giữ nghề…

 Mặc dù đã ở tuổi 87 nhưng hằng ngày bà Năm vẫn miệt mài với công việc

 Bà Năm tên thật là Nguyễn Thị Năm, 87 tuổi. Bà sống một mình trong căn nhà cấp 4 ở phường An Bình. Bà Năm kể, quê gốc của bà ở Quảng Nam nhưng theo chồng lên sinh sống tại Đắk Lắk. Ban đầu, bà làm nghề nông, sau mới đi làm thuê cho một người làm kẹo kéo. Cuộc sống vốn không khá giả gì nên bà Năm cũng muốn học một nghề để kiếm tiền nuôi nấng 7 đứa con ăn học, thế nhưng việc không hề dễ dàng. Hầu như ai cũng sợ mất nghề nên không chịu dạy cho bà. Chính vì thế, bà Năm đành phải “học lỏm” từ chủ. Ngoài ra, bà cũng tự “nghiên cứu” để mua nguyên liệu, sao cho có kẹo thành phẩm ngon và sạch sẽ nhất.

Sau khi có được thành phẩm, hằng ngày bà Năm lại đi bộ đem kẹo đến các trường học để bán. Mỗi túi kẹo chỉ có giá 1.000 đồng. “Tôi mang kẹo ra trường bán cho học sinh với giá 1.000 đồng/bịch. Khi tôi đến trường là cả nhóm học sinh ùa vào để mua kẹo, có đứa không có tiền, tôi cho luôn bịch kẹo. Cũng có nhiều người nói tôi rằng già rồi mà làm chi nữa. Nhưng nếu tôi không làm và không gặp được tụi nhỏ là tôi thấy nhớ. Nhiều đứa nhỏ nói, bà ráng sống để làm kẹo bán cho tụi con, bà mà chết thì không còn ai bán kẹo này nữa đâu. Tôi nghe mà thực sự xúc động”, bà Năm tâm sự.

Chia sẻ về bí quyết giữ nghề theo cách thủ công, bà Năm cho biết nguyên liệu làm kẹo kéo gồm có đường, đậu phộng rang giòn sau đó bỏ vỏ, một ít dầu ăn, ít bột vani là có thể làm nên món kẹo kéo nức tiếng một thời. Sau khi có nguyên liệu, bắt đầu cho đường vào nồi hoặc chảo cùng với những nguyên liệu còn lại, sau đó đun sôi lên, để lửa nhỏ và đảo đều tay cho đến khi đường tan từ từ và có độ bóng. Khi hỗn hợp đường đã được đảo đều, chín tới và chuyển sang màu nâu sẫm thì đưa xuống. Dưới đôi bàn tay khéo léo của cụ Năm với hàng chục năm trong nghề thì khối kẹo thành phẩm được trải ra mâm. Sau đó, cụ lại bắt đầu lấy khối kẹo này đập mạnh vào một khúc gỗ treo sẵn và dùng tay kéo dài ra, rồi cứ lặp đi lặp lại cho đến khi khối kẹo đạt đến độ trắng và dẻo là được. Tiếp đó, dàn khối hỗn hợp này thành tấm, cho đậu phộng rang giòn vào giữa, cuộn lại thành hình trụ dài. Rồi lại kéo khối kẹo ra từng sợi nhỏ, sau đó dùng kéo cắt ra từng miếng. “Bà làm cái nghề này quen rồi, vừa làm để duy trì nghề mình đã gắn bó hàng chục năm nay, vừa có thể giúp tay chân vận động giống như tập thể dục. Nếu ngày nào mà không làm thì y như rằng cả người lại đau mỏi”, vừa làm bà Năm vừa trò chuyện.

Trước kia, khi còn khỏe, mỗi ngày bà Năm làm cả hơn chục kg kẹo để đem bán, thu nhập của bà cũng kha khá. Nhưng rồi, năm tháng đi qua, sức bà không còn như trước nữa, nay mỗi ngày bà kéo được khoảng vài kg kẹo, thu nhập đôi ba trăm nghìn đủ trang trải qua ngày. Đôi khi may mắn, có người từ Mỹ về, do nhớ tuổi thơ, nên cũng tìm đến nhà bà Năm đặt làm kẹo để đem sang nước ngoài làm quà biếu. “Họ nói, giờ bánh kẹo ngon thì không thiếu, nhưng để tìm mua được cây kẹo kéo từ ngày xa xưa thì rất hiếm. Có thể kẹo kéo không ngon bằng thứ khác, nhưng nó chứa cả một thời yêu thương, gắn liền với tuổi thơ của họ. Nhất là những người đi làm ăn xa, mà mất bà ngoại hay bà nội, họ mua về như để nhớ lại hồi còn nhỏ được nội cho ăn vậy”, bà Năm kể lại.

Bà Năm cho rằng nghề làm kẹo kéo cũng đơn giản, chỉ cần canh đủ bột, đủ đường và đánh bột sao cho nhuyễn là được, có gừng nhiều thì kẹo sẽ thơm hơn. Mong muốn của bà là có người yêu thích nghề làm kẹo kéo để truyền lại, nhưng tìm hoài chẳng ra. “Giờ người ta muốn làm những cái nhanh có tiền, chứ làm kẹo kéo mất thời gian mà lại tốn sức lắm. Thành ra, muốn làm được thì phải kiên trì. Giờ chỉ sợ mình không sống được bao nhiêu năm nữa, nên có ai hỏi thì bà sẽ tận tình chỉ. Tụi học sinh nó cũng muốn có kẹo để ăn mỗi ngày. Bà cũng có lúc không làm được nữa, nhưng tìm người thì… không có”, bà Năm tâm tư. 

DIÊN BÌNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top