Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là yêu cầu cấp bách

Thứ Sáu 02/10/2020 | 09:57 GMT+7

VHO- Đầu tháng 9.2020, dư luận bàng hoàng về hai vụ việc BLGĐ nghiêm trọng. Ở Bắc Ninh, một bé gái bị bố đẻ bạo hành đến gãy tay phải, bầm tím cơ thể và chỉ được giải cứu bởi lực lượng công an sau nhiều ngày bị đánh đập. Tại Long An, người mẹ già 88 tuổi bị chính con gái đánh đập, đổ rác lên đầu rất nhiều lần trước khi qua đời.

 Việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ngăn ngừa hành vi BLGĐ

 Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm BLGĐ xảy ra hằng ngày. Phần lớn các vụ việc trong số đó bị che giấu và không được xử lý, can thiệp kịp thời. Vai trò của các quy định pháp luật về PCBLGĐ lại được đặt dấu hỏi lớn.

Những bất cập trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình

Trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Theo đó, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm (năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 giảm xuống còn 20.108 vụ và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019). Tuy nhiên, các con số này đã phản ánh đúng tình hình BLGĐ ở Việt Nam hay chưa? Câu trả lời khó có thể chính xác được 100%, bởi hiện nay việc tổng hợp thông tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức tổng hợp theo đối tượng, chức năng, nhiệm vụ song lại không có cơ chế chia sẻ dữ liệu. Do đó, số liệu bị rời rạc, thiếu nhất quán, trùng lặp và chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ. Nguyên nhân chính của vấn đề này do những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành. Bên cạnh những mặt tích cực thì sau 12 năm triển khai, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Khoản 1 Điều 2 của Luật quy định 9 hành vi BLGĐ. Trong thực tế, các hành vi BLGĐ rất đa dạng. Nói cách khác, 9 hành vi chưa phản ánh được hết thực tiễn đã và đang diễn ra. Điều này dẫn đến cách hiểu khác nhau về BLGĐ và nhận diện hành vi BLGĐ. Không nhận diện được đúng, đầy đủ hành vi BLGĐ dẫn đến sự thiếu thống nhất khi thống kê dữ liệu cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa BLGĐ ở các cấp, các ngành và các địa phương.

Một vấn đề nữa liên quan đến khái niệm trong Luật là hòa giải. Hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa các hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều nơi người dân và cán bộ chính quyền không nắm được trường hợp nào là BLGĐ, trường hợp nào là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Nguyên nhân là do Luật PCBLGĐ chưa phân định rõ những trường hợp nào là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, những trường hợp nào là BLGĐ. Vì vậy, dù nhiều gia đình đã xảy ra bạo lực, thậm chí kéo dài trầm trọng nhưng không ít vụ việc vẫn chỉ thực hiện hòa giải mà không có biện pháp xử lý, can thiệp để chấm dứt. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 7 Điều 12 của Luật, hòa giải không được thực hiện với vụ việc BLGĐ đã xử lý hành chính hoặc hình sự. Điều này dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình không được giải quyết triệt để. Không ít trường hợp, người có hành vi bạo lực sau khi bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ.

Kết quả kiểm tra, giám sát công tác PCBLGĐ hằng năm cũng cho thấy việc can thiệp các vụ BLGĐ hiện nay vẫn chủ yếu do gia đình, cộng đồng thực hiện. Vai trò của chính quyền, đoàn thể đặc biệt là lực lượng công an ở cơ sở còn mờ nhạt, chưa rõ trách nhiệm. Điều này lý giải tại sao hơn 10 năm qua, trong tổng số 33.275 vụ BLGĐ mà người gây bạo lực được xử lý có tới 24.523 vụ (chiếm 73,6%) áp dụng biện pháp góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư, chỉ có 977 vụ áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, các biện pháp giáo dục là 5.532 vụ, tạm giữ xử phạt hành chính là 1.893 vụ và xử lý hình sự 350 vụ.

Chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên vẫn chủ yếu nằm ở các quy định pháp luật. Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật PCBLGĐ quy định điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ”. Tại Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt một số cơ sở chỉ có tên trong Luật mà chưa có ở thực tiễn sau 12 năm triển khai. Việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ trong các trường hợp khẩn cấp còn mang nặng thủ tục hành chính và không phù hợp với những trường hợp cần ra khỏi nhà để bảo vệ an toàn tính mạng.

Thực tiễn cho thấy, địa phương nào người đứng đầu chính quyền quan tâm đến công tác PCBLGĐ thì ở đó các hoạt động PCBLGĐ được triển khai và đem lại những hiệu quả tích cực. Những địa bàn có triển khai Mô hình PCBLGĐ, thì số vụ BLGĐ giảm hơn so với những địa bàn không triển khai. Tương tự, những nơi các hoạt động truyền thông PCBLGĐ được triển khai thường xuyên, sâu rộng thì ở đó các vụ BLGĐ cũng ít xảy ra hơn những địa bàn ít được tuyên truyền về PCBLGĐ. Song Luật hiện hành chưa đưa ra các quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ, cũng chưa có chế tài để xử lý các địa phương không thực hiện quy định này của Luật.

Bên cạnh đó, không ít người tham gia can ngăn hành vi BLGĐ bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí cả về tính mạng nhưng chưa có quy định về hỗ trợ cho những người này, cũng như thành viên trong gia đình họ. Công tác khen thưởng tuy đã có hành lang pháp lý nhưng chưa đầy đủ. Số người được biểu dương, khen thưởng trong PCBLGĐ còn hạn chế, từ đó dẫn đến không khuyến khích được công tác xã hội hóa PCBLGĐ. 

 NGUYỄN SƠN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top