Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Youtuber: Nghề thời thượng và những hệ lụy

Thứ Tư 30/09/2020 | 11:12 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, Youtuber trở thành một nghề thời thượng, đặc biệt “hot” và thu hút đông đảo người tham gia, từ nghệ sĩ, người nổi tiếng cho đến những bạn trẻ, thậm chí bà nội trợ, lão nông dân… Đủ các tầng lớp đã chọn “mảnh đất” màu mỡ này để phát triển bản thân cũng như kiếm thêm thu nhập.

Những gương mặt Youtuber được cộng đồng mạng yêu thích

 

 Thế nhưng, không phải ai cũng thành công bởi đây là nghề dễ làm nhưng... thật khó “xơi”.

Có cầu thì ắt có cung

Youtube là cái tên quen thuộc đối với mọi tầng lớp trong xã hội, từ nam, phụ, lão, ấu, không phân biệt công việc, giới tính, lứa tuổi... hầu hết đều đã tiếp cận, làm quen với trang chia sẻ video lớn nhất hành tinh này. Ở đó, họ có thể tìm kiếm hàng trăm, hàng nghìn video với nhiều chủ đề khác nhau chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Có cầu thì ắt có cung, nghề Youtuber dần dà hình thành và phát triển. Ban đầu, có nhiều bạn trẻ làm chỉ vì đam mê nhưng về sau nó đã thật sự trở thành một nghề kiếm sống, bởi lẽ nguồn thu mà Youtube mang lại là không hề nhỏ. Thế nhưng, để kiếm được tiền từ “mỏ vàng” này thì hoàn toàn không đơn giản. Các cá nhân, ê-kíp phải có đầu tư về mặt nội dung lẫn hình ảnh thì mới có được những video triệu view, lọt top thịnh hành. Hiện nay, các nội dung được Youtuber khai thác nhiều nhất là hài chế, thử thách, ẩm thực, làm đẹp, du lịch… Bên cạnh đó, họ cũng phân loại từng đối tượng khán giả riêng để tìm ra những nội dung phù hợp, như người trung niên thích xem clip chia sẻ về cuộc sống, văn hóa, đất nước, con người; giới trẻ lại dành sự quan tâm cho thời trang, học tập, ẩm thực, trải nghiệm... Do vậy, dù mỗi năm có hàng nghìn kênh Youtube xuất hiện nhưng mỗi kênh đều có “đất sống” nếu nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Nhắc đến nghề Youtuber với sự đầu tư kỹ lưỡng cả về chất và lượng thì phải kể đến Nhật Anh Trắng, Hậu Hoàng… Những nhân vật này đều cho thấy hướng đi của họ ngoài sự hài hước còn là thông điệp mang tính xã hội trong từng sản phẩm. Với nội dung chia sẻ về góc nhìn cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, kinh nghiệm cá nhân được đánh giá cao phải kể đến Giang Ơi, Vũ Dino… là những kênh có bước đi “chậm mà chắc”. Còn về du lịch, mọi người hay nhớ đến Khoai Lang Thang với những chuyến đi trải nghiệm qua nhiều lăng kính mới, chân thật, nhất là ở vùng sông nước miền Tây. Hay gần đây Quỳnh Trần JP, một bà mẹ bỉm sữa với màn review đồ ăn “đã con mắt, khoái lỗ tai” khiến nhiều khán giả thích thú.

Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng xem Youtube là môi trường hoạt động nghệ thuật mới. Mỗi nghệ sĩ lựa chọn một cách khai thác riêng, người dùng Youtube để PR sản phẩm, người thì chia sẻ về cuộc sống riêng tư sau ánh đèn sân khấu… và tất nhiên, những kênh Youtube đó luôn được đông đảo khán giả quan tâm, theo dõi. Có thể thấy, Youtuber đã được gọi là một nghề, khi mà trước đó không có tài liệu hay cơ quan nào công nhận.

 Hưng Vlog đã bị phạt vì hành vi phản cảm nấu cháo gà nguyên con

Mặt trái với những hệ lụy tiêu cực

Chỉ với một thiết bị ghi hình hay chiếc điện thoại thông minh là đã có thể trở thành một Youtuber. Nhận thấy tiềm năng của nghề, nhiều người đã tự quay các video thể hiện quan niệm sống, tin tức, đánh giá, cảm nhận… để chia sẻ lên Youtube. Dù số lượng “bùng nổ”, hiệu ứng lan rộng khắp các “hang cùng ngõ hẻm” nhưng chất lượng của nghề làm Youtuber lại đang dần giảm sút khi xuất hiện ngày một nhiều kênh nội dung nhàm chán, vô bổ, thậm chí độc hại.

Trên thực tế, hàng loạt kênh Youtube mặc dù trước đó đã được đông đảo công chúng theo dõi vì sản phẩm hay, thông tin tích cực, nhưng dần dà đã thay đổi nội dung để chạy theo xu hướng “câu like”, “câu view”, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Cũng từ đó mà số lượng “Youtuber dởm” xuất hiện ngày một tràn lan trên mạng xã hội. “Thử thách 24 giờ làm chó”; “Đổ trứng lên người mẹ”; “Tắm mắm tôm”... chính là những dòng tiêu đề phản cảm xuất hiện trên kênh Youtube của các “Youtuber dởm”. Thậm chí, cái tên “Bà Tân Vlog” đã gây sốt cộng đồng mạng một thời gian bởi những món ăn siêu to, siêu cay, siêu khổng lồ, thì giờ đây cũng dính phải những bê bối như nấu ăn mất vệ sinh, quảng cáo lộ liễu, lừa dối khán giả… Gần đây nhất, Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt Hưng Vlog (con trai bà Tân) 7,5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, cụ thể là nấu cháo gà để nguyên con để “troll” em mình.

Hay những cái tên như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc..., những “giang hồ mạng” nổi tiếng bằng các video nói chuyện dung tục cùng hành động phản cảm khiến giới trẻ “a dua” theo và coi là ‘thần tượng”. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi bạo lực, ngông cuồng, lời nói tục tĩu… sẽ khiến cho các bạn trẻ nảy sinh xu hướng bắt chước, làm theo, dẫn đến những suy nghĩ, hành động lệch với chuẩn mực đạo đức thông thường. Trên thực tế, nhiều vụ ẩu đả, đâm thuê chém mướn, bạo lực học đường để “tạo đẳng cấp”, “khẳng định tên tuổi” hoặc câu “like”, câu “view” một phần đã bắt nguồn từ các “giang hồ mạng”, chính là mặt trái của cái nghề đang được xem là thời thượng này. Điều đó mang tới những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng xấu và làm lệch lạc lối sống của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ, thậm chí các em còn ở lứa tuổi thiếu nhi cũng “bắt trend” theo những câu nói, hành vi, trang phục, kiểu tóc... của “người hùng trên thế giới ảo”. Cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quyết liệt để lên án, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.

Nhìn chung, thời gian đầu người xem có thể tò mò về những tin sốc, nổi, giật gân nhưng “không chóng thì chầy” họ cũng sẽ quên ngay vì nội dung nhảm nhí, tẻ nhạt và đơn điệu, không ít kênh sau một thời gian hoạt động đã dần chìm nghỉm và bị chính khán giả tẩy chay. Video Youtube cũng như một sản phẩm nghệ thuật, vui thôi thì chưa đủ, cần phải được đầu tư chất lượng về nội dung lẫn hình thức thì mới đủ sức bám trụ với hướng đi này. Youtuber cũng là một trong những nghề rất áp lực, để theo được nó lâu dài, người làm cần phải có cái tâm và một cái đầu đầy chất xám thì mới có thể níu giữ được khán giả. Sự sàng lọc của nghề là vô cùng khắc nghiệt, dễ chạm tay vào nhưng rất khó để dừng chân lâu.

Để đạt tới con số nghìn view hay triệu view trên Youtube không phải là chuyện đơn giản và ngày một ngày hai. Những chiến lược rõ ràng, đầu tư về nội dung, chăm chút về mặt hình ảnh, quan tâm đến nhu cầu của khán giả chính là những điểm then chốt để một Youtuber có thể giành phần thắng về cho mình. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top