Người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập qua đời ở tuổi 94

VHO- GS. Lê Thi, người kéo cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình tháng 9.1945 vừa qua đời ngày 28.8, hưởng thọ 94 tuổi.

Người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn độc lập qua đời ở tuổi 94 - Anh 1

Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan, hai người phụ nữ cùng nhau kéo cờ trong lễ độc lập ở quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Ảnh: Tư liệu

Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926, ở Văn Giang, Hưng Yên. Bà là con gái nhà giáo nổi tiếng, hiệu trưởng trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), bà Lê Thi đã sớm giác ngộ cách mạng. Công việc của bà là cùng Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng.

Sáng 2.9.1945, Quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ hoa. Đoàn Phụ nữ Hàng Bông do cô Thi dẫn đầu đứng ngay ngắn, quần áo trắng tươm tất, chỉnh tề và rất trang nghiêm. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử một người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà Thi lên. Khi ấy,bà run lắm nên vẫn đứng yên. Mãi đến khi cán bộ xuống giục thì bà mới quyết định đi lên.

Cùng kéo cờ với bà hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái… Bà Thi từng nhớ lại, cột cờ ở phía trên bục lễ đài, đường lên ở phía sau. Bà phải bước lên nhiều bậc cầu thang gỗ để tiến đến chân cột cờ. Khi đến nơi, có một nữ giải phóng quân mặc áo chàm chờ sẵn. Nhìn lá cờ khá to, chị kia lại thấp hơn mình nên bà Thi phân công: "Chị thấp, chị nâng cờ, em cao, để em kéo cờ". Vừa lúc đó nhạc quốc ca cất lên, hai người bắt đầu kéo cờ. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Niềm vinh dự, tự hào khiến bà mãi không quên.

Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc … Đến năm 1956 khi hòa bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.

Bà được phong giáo sư triết học, sau đó làm Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam. Khi về hưu, bà cùng một số người sáng lập Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình, sau này chuyển thành Viện Gia đình và Giới.

HOÀNG VY

Ý kiến bạn đọc