Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Lần đầu triển lãm bản gốc phác thảo mẫu vẽ Quốc huy

Thứ Tư 26/08/2020 | 11:11 GMT+7

VHO- Lần đầu tiên gần 200 tài liệu lưu trữ về sự ra đời của Quốc huy Việt Nam và bản gốc những phác thảo mẫu vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước do gia đình cố họa sĩ gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ra mắt công chúng tại Triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước”.

Quốc huy Việt Nam hiện nay

 Triển lãm khai mạc hôm qua 25.8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Dự và cắt băng khai mạc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng...

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của QH Hoàng Thị Hoa; Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu tại triển lãm

Biểu trưng vô giá của dân tộc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định, gần 200 tài liệu lưu trữ về sự ra đời của Quốc huy Việt Nam và bản gốc những phác thảo mẫu vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày tại triển lãm là những hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, ngoại giao của đất nước. Tài sản vô giá này cần tiếp tục được giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Quốc huy Việt Nam, một sản phẩm sáng tạo của hội họa, là biểu tượng cô đọng, đầy đủ và súc tích về đất nước, con người Việt Nam, hàm chứa khát vọng tha thiết về sự phát triển đất nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia độc lập. Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ và Đảng, Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là sự cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước.

Vào những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao có công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Quốc huy. Cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động năm 1951, thu hút đông đảo họa sĩ trên cả nước tham gia… Khẳng định giá trị thiêng liêng của Quốc huy, biểu tượng chính thức của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh: “Hành trình sáng tác và lựa chọn Quốc huy Việt Nam cũng là một câu chuyện đặc biệt về sự sáng tạo của người nghệ sĩ, của họa sĩ Bùi Trang Chước cũng như sự gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật của tác giả, gia đình và cơ quan lưu trữ...”. Ông Tùng cho biết, với sự trân trọng tài năng, đức độ và những cống hiến của họa sĩ Bùi Trang Chước, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trực tiếp là Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã vinh dự tiếp nhận toàn bộ các tài liệu là bản thảo, bản gốc các thành quả sáng tạo cũng như toàn bộ tài liệu cá nhân của họa sĩ vào bảo quản an toàn. Khối tài liệu này có giá trị đặc biệt, góp phần vào sự đa dạng của thành phần và loại hình tài liệu lưu trữ, là nguồn thông tin lưu trữ độc đáo, chân thực, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, ngoại giao và góp phần làm phong phú và toàn vẹn của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Ý tưởng tổ chức cuộc triển lãm về các phác thảo mẫu vẽ Quốc huy đã được Cục Văn thư ấp ủ từ năm trước, nhưng đến dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 mới thực hiện. “Điều hết sức đặc biệt là tại đây, công chúng lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những bản gốc vô giá những phác thảo mẫu vẽ Quốc huy của cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Những tài liệu giá trị tại triển lãm một phần có trong tài liệu lưu trữ quốc gia, còn lại đã được gia đình gìn giữ cẩn trọng và tin tưởng gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Vì vậy, triển lãm lần này có thể nói là sự thể hiện quyết tâm đưa những vốn quý từ trong kho ra bên ngoài....”, ông Đặng Thanh Tùng cho biết.

Chia sẻ về công tác bảo quản những tài liệu lưu trữ đặc biệt giá trị này, ông Đặng Thanh Tùng cũng bày tỏ sự trân trọng tấm lòng của gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Đã có rất nhiều nhà sưu tập cá nhân mong muốn mua lại bộ sưu tập các phác thảo mẫu vẽ Quốc huy của họa sĩ với số tiền lớn, tuy nhiên, gia đình họa sĩ mong muốn những di sản quý báu mà cha mình để lại sẽ là những giá trị văn hóa, lịch sử trường tồn, được Nhà nước lưu giữ và bảo quản cẩn thận. Được biết, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã đề xuất và đang làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ sưu tập là Bảo vật quốc gia .

 Bà Hoàng Thị Hoa và con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước tại triển lãm

Một nhân cách và sự cống hiến lặng thầm

Lặng lẽ đứng nhìn những mẫu phác thảo của cha được trưng bày ở triển lãm, bà Nguyễn Thị Minh Tiến, con gái cả của cố họa sĩ Bùi Trang Chước (tên gọi khác là Nguyễn Văn Chước) năm nay đã 81 tuổi, rưng rưng xúc động: “Cha tôi cả một đời tận tụy cống hiến hết mình cho nghệ thuật, ông lao động cần cù, miệt mài ở vào những giai đoạn hết sức khó khăn. Có những lúc tôi quan sát, ông cứ miệt mài vẽ mà trên bàn không có lấy một cốc nước. Nhớ lại ngày đó, chúng tôi khâm phục và rất thương cha mình...”, bà Tiến xúc động.

Người con gái thứ hai của họa sĩ Bùi Trang Chước, bà Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ, trong thời gian kháng chiến, các phác thảo được họa sĩ cuộn lại từng gói một và luôn mang theo mình đi khắp mọi nơi. Vì vậy nhiều tài liệu cũng như các tác phẩm hội họa đã bị thất thoát nhiều. Sau kháng chiến, những tư liệu còn lại được ông bảo quản tại nhà. “Trước khi bố tôi nhắm mắt có viết lại di bút về quá trình sáng tác và nội dung thể hiện trong các mẫu quốc huy. Thực hiện di bút đó, gia đình tôi và các học trò của cụ đã đi thu thập, tập hợp các tư liệu liên quan đến quá trình bố tôi sáng tác các phác thảo mẫu vẽ Quốc huy...”, bà Thủy cho biết. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói về những cống hiến của họa sĩ Bùi Trang Chước: “Một nhân cách lặng thầm, một cuộc đời trọn vẹn cống hiến cho đất nước. Đây là cuộc triển lãm có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện tất cả hành trình sáng tạo của họa sĩ Bùi Trang Chước, từ những phác thảo mẫu vẽ đến mẫu Quốc huy được lựa chọn, Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện cho đến mẫu Quốc huy mà chúng ta đang sử dụng ngày nay...”.

“Đặc biệt, qua các phác thảo gốc mẫu vẽ Quốc huy được trưng bày tại triển lãm, chúng ta thấy được một hành trình gian nan của họa sĩ để có được Quốc huy Việt Nam ngày nay. Đây là công lao của cả giới mỹ thuật Việt Nam, trong quá trình lựa chọn ấy, mẫu phác thảo của họa sĩ với ngòi bút đồ họa tinh tế, tài hoa đã tạo nên những nét chân xác đầu tiên cho mẫu Quốc huy Việt Nam ngày nay. Dường như, cả cuộc đời họa sĩ Bùi Trang Chước chỉ biết sáng tạo. Đó là bài học quý về phẩm cách của một nghệ sĩ tài năng, một sự bảo trọng phẩm cách của ông cho đến phút cuối cùng, trở thành tấm gương cho các thế hệ nghệ sĩ sau này...”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ. 

 Bằng tài năng và sự lao động nghiêm túc, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo đầy ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam được Ban Mỹ thuật- Ngành Văn nghệ Trung ương chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10.1954...

(TS NGUYỄN ANH MINH, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN)

PHƯƠNG ANH; ảnh: LÊ MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top