Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Cần bảo tồn “nguyên bản” di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ

Thứ Hai 24/08/2020 | 11:42 GMT+7

VHO- Với lịch sử 155 năm tuổi cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Móng, Cột cờ Thủ Ngữ là hạng mục quan trọng tạo nên quần thể lịch sử, văn hóa đặc trưng, và là nhân chứng cho quá trình phát triển đô thị của TP.HCM.

 Cột cờ Thủ Ngữ trước đây Ảnh tư liệu

 “Đây còn là chứng tích cuối cùng về một thời sầm uất của thương cảng Sài Gòn. Do đó việc tu bổ phải đảm bảo bảo tồn các yếu tố đặc trưng mang tính lịch sử và kiến trúc của Cột cờ trong lịch sử”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh điều này về việc tu bổ di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, công trình được xây dựng tháng 10.1865, Cột cờ có tên tiếng Pháp là “Mât des signaux”. Lúc đầu là cột làm tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực sông Sài Gòn - Gia Định, dạng cột thuyền buồm bằng gỗ và không có khối đế. Đây là một hình thức cột tín hiệu ở các nước phương Tây. Qua quá trình lịch sử, Cột cờ và khu vực cảnh quan đã có nhiều thay đổi về hình thái và công năng. Giai đoạn 1890-1910, Cột cờ được dựng lại bằng sắt, cao 35m, bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ và thay đổi hình thức căng dây cáp và thang dây. Đến thập niên 1920, công trình có hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân Cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Từ thập niên 1940, công trình được xây lại với hình thức kiến trúc mới có khối lõi hình bát giác với mái dốc và khối đa giác thấp hơn có mái dốc. Giai đoạn 1950- 1960, công trình được cải tạo lại, mở rộng phần cánh bên phải theo hướng nhìn ra sông Sài Gòn. Khối mở rộng mới có hình thức mái cong.

 Cột cờ Thủ Ngữ hiện hữu

Những năm 1975-2000, công trình tiếp tục được cải tạo có thêm các chức năng công cộng như điểm phục vụ du lịch, nhà hàng. Năm 2011, công trình được tu bổ có hình thức kiến trúc như hiện nay, được sử dụng làm nhà truyền thống trưng bày ảnh về Sài Gòn xưa. Tuy nhiên, công trình hiện đã ngừng hoạt động, không còn sử dụng. Năm 2016, UBND TP.HCM có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố cho công trình. Thế nhưng, công trình hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nền gạch bị bong tróc và bể khá nhiều, trần bị bong tróc, cửa đi và cửa sổ bị mối mọt và hư hỏng. Xà đỡ sàn gác mái đã xuống cấp… Phần ốp gỗ chân Cột cờ tại tầng trệt bị hư hại, tầng hai của Cột cờ bị khoan thủng…

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, đối với phần Cột cờ, đây là công trình có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc. Mặc dù trải qua 155 tuổi, Cột cờ vẫn giữ được kiến trúc đặc sắc hiếm có và gần như nguyên bản. Hình thức kiến trúc của Cột cờ cũng đại diện cho một hình thức kiến trúc cột tín hiệu đặc trưng trong lịch sử. Dù trải qua nhiều biến đổi về hình thức và công năng, công trình vẫn giữ được tính kế thừa những giá trị đặc trưng của quá khứ và hình thành những giá trị mới. Dựa trên các phương án ứng xử với công trình lịch sử phổ biến trên thế giới, Sở này đã đề xuất ba phương án tiếp cận trong tu bổ. Trên cơ sở góp ý của các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kết luận, thống nhất chọn phương án phục hồi công trình theo hướng giữ nguyên hình thức kiến trúc Cột cờ và thực hiện một số thay đổi cần thiết về cấu trúc và kiến trúc công trình dưới chân Cột cờ. Việc thay đổi phải đảm bảo bảo tồn các yếu tố đặc trưng mang tính lịch sử và kiến trúc của công trình. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến trên thế giới và phù hợp với sự phát triển hình thái kiến trúc của Cột cờ trong lịch sử.

UBND TP.HCM cũng giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp hướng dẫn các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án thiết kế trùng tu chi tiết Cột cờ Thủ Ngữ và cải tạo công viên thuộc khu vực bảo vệ II của di tích. Đảm bảo phương án thiết kế đạt được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Sau khi hoàn chỉnh, báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố về kế hoạch thực hiện. 

 

 UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về bàn giao khu đất di tích lịch sử quốc gia khoảng (6.000m2) Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, địa điểm số 2, đường Tôn Đức Thắng (quận 1) để TP.HCM quản lý và đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Theo UBND Thành phố, khu vực lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc trọn khu đất ký hiệu “VHBT” có chức năng đất văn hóa bảo tồn, phương án bảo tồn đã được Bộ VHTTDL thống nhất bằng văn bản 4612/BVHTTDL-DSVH (năm 2015) về việc thỏa thuận Phương án bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Ba Son gắn liền với khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Năm 2016, Bộ VHTTDL cũng có văn bản điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia. Hiện tại, khu đất này do Tổng Công ty Ba Son - Công ty TNHH Một thành viên quản lý và đã được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất quốc phòng).

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top