“Phật tại tâm”

VHO- Sự việc người dân tập trung đi lễ đông người không chỉ ở Phủ Tây Hồ, mà còn ở nhiều di tích tâm linh trong ngày mùng 1 tháng 7 (âm lịch) vừa qua cho chúng ta thấy nhu cầu thực của cộng đồng đối với các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Trong bối cảnh khó khăn, ai cũng có tâm lý lo lắng thì việc tìm đến với tâm linh là cách giảm bớt những căng thẳng, lo âu hữu hiệu.

Tuy nhiên, đất nước đang trong cuộc chiến cam go chống dịch bệnh, hành động này không được khuyến khích bởi có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực dập tắt dịch bệnh của cả hệ thống chính trị cũng như toàn dân, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

 Mỗi cá nhân chúng ta cần ý thức sâu sắc rằng, bằng hành động cụ thể của chính mình, chúng ta đang cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Chính vì vậy, lòng yêu nước đôi khi chỉ thể hiện qua hành động rất đơn giản: Ở yên tại nhà! Khi cơn bão tố của dịch bệnh qua đi, xã hội trở lại cuộc sống bình thường, chúng ta sẽ được làm những điều mà chúng ta mong muốn. Nghĩ đến an toàn sức khoẻ của người khác cũng là một việc thiện lành nên làm vào lúc này mà không nhất thiết phải rầm rộ đến để thể hiện đức tin tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực hành tôn giáo không nhất thiết phải tụ tập đông người, hay cũng không nhất thiết lúc nào cũng phải đến với các cơ sở thờ tự. Phật giáo có câu “Phật tại tâm”, điều quan trọng nhất đối với mỗi người là luôn hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ trong giáo lý nhà Phật nói riêng và rộng ra là tôn giáo nói chung. Tất cả các tôn giáo, dù có những khác biệt về chi tiết, nhưng tựu trung lại đều mang mục đích hướng con người đến với những điều tốt đẹp, thiện lành. Mong muốn và làm những điều tốt vì người khác chứ không chỉ cho riêng mình, chính là đỉnh cao của thực hành điều thiện ấy!

Việc cầu an, cầu tài, cầu lộc của mỗi cá nhân luôn phải được đặt cho phù hợp trong bối cảnh chung của cả xã hội. Khi sự an lành đến với mọi người cũng có nghĩa là sự an lành sẽ đến với chính mình. Vận mệnh của cá nhân luôn gắn với vận mệnh của cả dân tộc là vì lý do đó. Cổ nhân cũng có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” có nghĩa là: Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người thường trong xã hội cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, hành động thiết thực nhất cho quốc thái, dân an hiện nay là tập trung giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt: Chặn đứng, đẩy lùi bệnh dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Chống dịch như chống giặc”, vì thế, mỗi người dân Việt Nam cần phải là những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến cam go ấy. Bản sắc văn hoá yêu nước truyền thống của dân tộc cần được phát huy cao nhất trong bối cảnh hiện nay. Thay bằng việc đi lễ, đi cầu đi cúng cho những nhu cầu cá nhân, chúng ta hãy hướng đến những giá trị chung như một cách thể hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc. 

PGS. TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc