Không được để bệnh nhân Covid-19 “lọt” vào các bệnh viện phổi

VHO- Hiện nay các bệnh viện phổi trên toàn quốc đang là nòng cốt của các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19. Do đặc thù của bệnh nhân lao, phổi là những bệnh nhân đã có sẵn tổn thương phổi nên càng phải sàng lọc kỹ càng.

Tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Chương trình Chống lao Quốc gia (diễn ra ngày 17.8 tại Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay 48 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi.  Các bệnh viện phổi trên toàn quốc đang là cơ sở y tế nòng cốt điều trị các bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, Bệnh viện Phổi Đồng Nai, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.. Nhưng ngay tại các bệnh viện cũng đang điều trị cho các bệnh nhân lao, phổi, vốn đã có tổn thương phổi và đa số là người già nên công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân phải rất chặt chẽ, ở nhiều cấp độ.

Chẳng hạn Bệnh viện Phổi Trung ương,  ngoài việc đo nhiệt độ, sát khuẩn, khai báo y tế từ khu vực ngoài cổng. Đến khu vực Khoa Khám bệnh vẫn phải phân luồng, đo nhiệt độ, nếu bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú cũng phải cách ly ở khu vực riêng đủ 14 ngày, sau khi khẳng định bệnh nhân không mắc Covid-19 mới được vào khu bệnh nhân nội trú. “Không được để lọt bệnh nhân Covid-19 vào khu nội trú của các bệnh viện phổi và đến nay cũng chưa có bệnh viện phổi nào có bệnh nhân Covid-19. Nếu để xảy ra thì việc lây nhiễm là rất nhanh và hậu quả khó lường”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Với nguồn nhân lực có hạn, để đảm bảo sự ổn định của hoạt động chống lao, y tế dự phòng nên nhiều bệnh viện phổi lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...).

Không được để bệnh nhân Covid-19 “lọt” vào các bệnh viện phổi - Anh 1

Sàng lọc người bệnh ở vòng 2 của Bệnh viện Phổi Trung ương

Cùng với tình trạng chung là người dân đi khám bệnh giảm, thì trong 6 tháng đầu năm, số bệnh nhân lao được phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia cũng có xu hướng đã giảm mạnh (11%) so với cùng kỳ năm 2019. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh thành cũng đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động khi chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội, với việc đạt 44,3% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (62,72/100.000 dân) và tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 6 tháng đầu năm đạt 45,2% chỉ tiêu kế hoạch. Tuy vậy, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động, sử dụng tối đa xe XQ kỹ thuật số, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO năm 2019). PGS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài có thể tác động đến kinh phí hoạt động của nhiều đơn vị tự chủ trong hệ thống của Chương trình chống lao quốc gia. Đặc biệt, khi nhiều đơn vị phải tự trang bị nhiều thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch, nên kinh phí đội lên lại càng khó khăn hơn. Do đó, cần có phương án để chủ động về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đồ bảo hộ và các trang thiết bị cá nhân cho nhân viên y tế… nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay cũng như bảo đảm dự phòng sau khi kết thúc dịch và bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế. “Đồng thời, các đơn vị cũng cần sẵn sàng để tổ chức và thực hiện lại các hoạt động thường quy của Chương trình chống lao quốc gia một cách kịp thời và nhanh chóng, để đảm bảo tiến độ thực hiện các chỉ tiêu về phát hiện, điều trị bệnh nhân lao theo đúng lộ trình kế hoạch năm 2020 - năm quan trọng, bản lề cho việc hướng đến năm 2030 thanh toán bệnh lao của Việt Nam”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc